Dự thảo Luật hợp tác xã (sửa đổi): Vì sao phải có chính sách ưu đãi cao hơn doanh nghiệp?

Đức Phương (Tạp chí Thuế)

Theo kế hoạch vào ngày 22/11, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến và biểu quyết thông qua dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc làm thế nào để phân biệt giữa hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp (DN), có nên để HTX cung ứng hàng hóa, dịch vụ rộng rãi ra thị trường, cũng như được hưởng những ưu đãi, nhất là tỷ lệ ưu đãi về thuế. Để hiểu rõ hơn những vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã có cuộc trả lời báo giới.

Dự thảo Luật hợp tác xã (sửa đổi): Vì sao phải có chính sách ưu đãi cao hơn doanh nghiệp?
Ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thưa ông, mặc dù dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sắp được thông qua, song vẫn có không ít ý kiến băn khoăn về quy định HTX là loại hình DN đặc thù, DN tập thể hoặc coi HTX là một loại hình DN. Vậy làm thế nào để có thể phân biệt rõ đâu là HTX và đâu DN? 
 
HTX và các loại hình DN đều là các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân (trừ DN tư nhân). Hai loại hình tổ chức này có một số đặc điểm giống nhau, cụ thể là: được thành lập hợp pháp; có điều lệ; có cơ cấu tổ chức; có tài sản và tự chịu trách nhiện dân sự bằng tài sản. Theo đó, HTX cũng phải được quản trị như DN, nhằm tiến hành hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Dự thảo luật đã quy định đầy đủ đặc điểm riêng của HTX và đặc điểm chung của tổ chức kinh tế, trong đó nhiều nội dung tại quyền, nghĩa vụ, cơ cấu tổ chức của HTX giống với DN.
 
Tuy nhiên, HTX có những đặc điểm riêng khác với DN, như: mục đích hoạt động của HTX là tối đa hóa lợi ích cho thành viên thông qua việc đáp ứng nhu cầu chung của thành viên về sản phẩm, dịch vụ, hoặc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên một cách hiệu quả hơn so với việc để từng thành viên đơn lẻ thực hiện; hoạt động của HTX tác động trực tiếp vào hoạt động kinh tế của các thành viên (tức giao dịch nội bộ và không vì mục tiêu lợi nhuận) nhằm đem lại lợi nhuận cho các thành viên. Đây là điểm khác biệt so với loại hình DN vì mục đích hoạt động của DN và cổ đông DN là lợi nhuận, hoạt động của DN thông thường không tác động đến hoạt động kinh tế của các cổ đông mà chỉ tác động tới vốn góp nhằm mục tiêu thu lợi nhuận cho mỗi cổ đông.
 
Bên cạnh đó, còn có một số đặc điểm khác, như trong quan hệ sở hữu: thành viên HTX vừa là đồng sở hữu vừa là khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX hoặc người lao động trong HTX. Trong khi cổ đông DN chỉ là đồng sở hữu, không bắt buộc phải là khách hàng sử dụng sản phẩm hoặc là người lao động của DN. Về quan hệ kinh tế: thành viên HTX cùng góp vốn, cùng cam kết sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX hoặc là người lao động trong HTX, còn cổ đông DN chỉ là người góp vốn. Trong quan hệ phân phối, thành viên HTX được hưởng bình đẳng lợi ích theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc được trả lương theo sức lao động và được chia phần thu nhập còn lại của HTX theo vốn góp, còn cổ động DN chỉ được chia lãi theo vốn góp. Về quan hệ quản lý: HTX được quản lý theo nguyên tắc đối nhân, trong khi DN được quản lý theo nguyên tắc đối vốn, ngoại trừ công ty hợp doanh.

Ngoài ra, tài sản không chia là một đặc trưng chỉ có ở HTX, là cơ sở nền tảng gắn kết thành viên với nhau và với HTX, tạo điều kiện cho HTX phát triển bền vững với mục đích phục vụ cộng đồng thành viên trong hiện tại và tương lai, điều mà DN không thể có được.
 
Luật DN không có quy định loại hình DN tập thể hay DN đặc thù. Xin nhấn mạnh, nếu quy định HTX hoạt động như một loại hình DN là chưa thể hiện rõ bản chất HTX, nhất là đặc trưng phục vụ thành viên của HTX, sự khác biệt về bản chất giữa HTX với DN và với tổ chức xã hội - từ thiện; chưa thể hiện đầy đủ nội hàm “hợp tác”; lợi ích và vai trò người chủ thành viên khi tham gia HTX, mục tiêu của HTX và mối quan hệ giữa nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích của thành viên với HTX.
 
Dự thảo quy định tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ của HTX ra thị trường không được quá lớn, điều này có cùng nghĩa là, nếu HTX muốn mở rộng hoạt động sẽ rất khó khăn không, thưa ông?
 
Để đáp ứng nhu cầu chung về cung ứng dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra hoặc tạo việc làm cho thành viên, HTX được toàn quyền chủ động quan hệ với thị trường để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi quan hệ với thị trường để có được sản phẩm, dịch vụ nhằm cung ứng đầu vào, đầu ra cho thành viên, hoặc tạo việc làm cho thành viên thì HTX phải cam kết hoàn thành nghĩa vụ đối với thành viên.
 
Như vậy, có thể nói, khác với mô hình HTX kiểu cũ, HTX kiểu mới trước hết tập trung chủ yếu cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra hoặc tạo việc làm cho thành viên. Dự thảo luật được thiết kế theo hướng HTX tập trung cung ứng dịch vụ, tạo việc làm cho thành viên, sau đó mới có quyền cung ứng dịch vụ, tạo việc làm ra thị trường.

Điều này có thể thấy rõ qua thực tế hoạt động của một số đơn vị, như: HTX dịch vụ nông nghiệp Hữu Đức (Ninh thuận) cung ứng dịch vụ đầu vào (cung cấp phân bón, dịch vụ làm đất, giống, thủy lợi nội đồng) cho xã viên chiếm 72% doanh thu của HTX với giá ưu đãi thấp hơn giá thị trường 10%, cung cấp cho không phải thành viên chiếm 28% doanh thu của HTX theo giá thị trường; và dịch vụ đầu ra là mua giống của một số xã viên, bán cho xã viên khách chiếm 80% doanh thu của HTX với giá bán bằng giá thành cộng 500 đồng/kg, bán cho không phải xã viên chiếm 20% doanh thu của HTX theo giá bán bằng giá thành cộng 2.000 đồng/kg. Hay HTX bò sữa Evergrowth ở Sóc Trăng, cung ứng dịch vụ đầu vào, giúp xã viên giảm chi phí sản xuất, bán được sữa với giá cao hơn, phát triển sản xuất và tăng thu nhập kinh tế hộ xã viên, nhờ đó hộ nông dân đã có thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống, tự xóa đói giảm nghèo. 
 
Việc HTX cung ứng dịch vụ, tạo việc làm mà HTX cam kết với thành viên cho cả đối tượng không phải thành viên là nhằm mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, đối tượng không phải thành viên này không được hưởng như xã viên. Vì vậy, cần quy định tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra thị trường không được quá lớn để HTX đảm bảo hoạt động đúng mục đích (là phục vụ mang lại lợi ích cho thành viên), đồng thời tránh lạm dụng chính sách của Nhà nước dành riêng cho HTX.
 
Có ý kiến cho rằng, cũng như DN, HTX là một thành phần kinh tế thì tại sao phải có chính sách hỗ trợ, nhất là tỷ lệ ưu đãi thuế đối với phần thu nhập phát sinh từ giao dịch HTX với thành viên, và phần thu nhập được đưa vào quỹ đầu tư phát triển hình thành tài sản không chia của HTX?
 
Như chúng ta đều biết, đối tượng tham gia HTX phần lớn là những người yếu thế, nhất là nông dân có nhu cầu hợp tác để cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, ngoài việc được hưởng các chính sách áp dụng chung cho các thành phần kinh tế, dự thảo luật quy định chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX cao hơn so với DN và so với Luật Hợp tác xã năm 2003. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất trong các văn bản pháp luật khi ban hành, việc quy định cụ thể mức ưu đãi thuế nên được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, không quy định tỷ lệ miễn, giảm thuế trong luật này. Đồng thời, để chính sách hỗ trợ, ưu đãi phù hợp với lĩnh vực, địa bàn, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ của đất nước và trình độ phát triển của HTX, dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết chính sách hỗ trợ ưu đãi.

Xin cảm ơn ông!