Dự thảo Nghị định về bảo hiểm xã hội đối công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam

PV.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, Nghị định áp dụng với đối tượng là Người lao động là công dân nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam thuộc diện áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có một trong các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp sau đây: Giấy phép lao động; Chứng chỉ hành nghề;  Giấy phép hành nghề.

Đồng thời, Nghị định cũng áp dụng với người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội; Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài.

Bộ LĐTB&XH cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm 5 chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.

Tuy nhiên, hiện nay theo thiết kế của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì có nhóm đối tượng áp dụng cả 5 chế độ là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; Có nhóm đối tượng cũng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chỉ áp dụng với hai chế độ là hưu trí và tử tuất như cán bộ không chuyên trách cấp xã, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không bao gồm hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp trúng thầu, đầu tư ra nước ngoài), người đi theo diện phu nhân, phu quân.

Từ ngày 1/7/2017, chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp được điều chỉnh bởi Luật An toàn vệ sinh lao động và Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó tại khoản 7 Điều 6 của Luật An toàn vệ sinh lao động đã có quy định “... riêng việc tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của Chính phủ”

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam cũng như lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao do một số yếu tố như Hiệp định thương mại tự do, hội nhập khu vực, phát triển kinh tế, đô thị hóa, biến đổi khí hậu và dòng chảy tự do của lao động có tay nghề giữa các nước thành viên ASEAN.

Do đó, Bộ LĐTB&XH đề xuất đối tượng là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được thực hiện với cả 5 chế độ là: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.

Theo Dự thảo, Hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 109 của Luật Bảo hiểm xã hội; Trong thời hạn 30 ngày tính đến thời điểm hết thời hạn của hợp đồng lao động hoặc hết thời hạn của giấy phép lao động (tùy thuộc điều kiện nào đến trước) mà người lao động không tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động hoặc không được gia hạn giấy phép lao động, người lao động có yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần nộp hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này cho cơ quan bảo hiểm xã hội; Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.

Ngoài ra, Dự thảo cũng đưa ra giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người  đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam như sau:

Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam có nguyện vọng nhận trợ cấp một lần nộp đơn đề nghị cho cơ quan bảo hiểm xã hội;  Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết cho người lao động.

Nếu được thông qua, Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ từ ngày 01/01/2018.