Dự thảo về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ

PV

(Tài chính) Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện và trưng cầu ý kiến nhân dân góp ý cho dự thảo. TCTC phân tích để bạn đọc nắm rõ thêm về Thông tư này.

Dự thảo quy định:

Về đối tượng chịu phí: là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: xe ô tô, máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo (gọi chung là ô tô) và xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (gọi chung là mô tô) thuộc đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ.

Trường hợp xe ô tô bị huỷ hoại do tai nạn; bị tịch thu; bị tạm giữ, bị tai nạn không sử dụng từ 30 ngày trở lên thì không phải nộp phí tương ứng với khoảng thời gian không sử dụng. Trường hợp phương tiện đó đã được nộp phí thì người nộp phí được trả lại phí đã nộp hoặc được trừ vào số phí phải nộp của kỳ sau nếu có đủ hồ sơ theo quy định.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sở hữu, sử dụng hoặc quản lý phương tiện (sau đây gọi chung là chủ xe) là người nộp phí sử dụng đường bộ là

Thông tư quy định cụ thể 3 trường hợp được miễn phí sử dụng đường bộ gồm: xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe chuyên dùng phục vụ tang lễ.

Về mức thu phí, Thông tư dự kiến như sau:

Loại phương tiện chịu phí

Mức thu

Xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân

130.000 đồng /tháng

Xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe đăng ký tên cá nhân); xe tải, rơ moóc và xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ dưới 4.000 kg

180.000 đồng /tháng

Xe chở người từ 10 chỗ đến 24 chỗ; xe tải, rơ moóc và xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 4.000kg đến dưới 13.000kg; xe đầu kéo có trọng lượng bản thân dưới 8.500kg

270.000 đồng /tháng

Xe chở người từ 25 chỗ đến 40 chỗ; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 8.500kg đến dưới 13.000kg; xe đầu kéo có trọng lượng từ 8.500kg trở lên

390.000 đồng /tháng

Rơ moóc có trọng lượng toàn bộ từ 13.000kg đến dưới 19.000kg

410.000 đồng /tháng

Rơ moóc có trọng lượng toàn bộ từ 19.000kg đến dưới 27.000kg; Sơ mi rơ moóc có trọng lượng toàn bộ dưới 27.000kg

500.000 đồng /tháng

Xe chở người từ 40 chỗ trở lên; xe tải, xe ôtô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 13.000kg đến dưới 19.000kg

590.000 đồng /tháng

Xe tải, ôtô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 19.000 kg đến dưới 27.000kg

720.000 đồng /tháng

Rơ moóc, sơ mi rơ moóc có trọng lượng toàn bộ từ 27.000kg trở lên

730.000 đồng /tháng

Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27.000kg trở lên

1.040.000 đồng /tháng

Thông tư cũng dự kiến mức thu phí đối với xe mô tô như sau:
-          Loại có dung tích xy lanh đến 100 cm3 từ 50.000 - 100.000 đồng/năm;
-          Loại có dung tích xy lanh trên 100 cmmức phí từ 100.000 - 150.000 đồng/năm.
-          Mức phí đối với xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xy lanh là 2.160.000 đồng/năm.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ căn cứ vào mức thu phí đối với xe mô tô nêu trên để quy định mức thu cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. (Riêng xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xy lanh áp dụng mức thu theo mức quy định nêu trên).

Về phương thức tính và thời điểm khai, nộp phí

* Đối với xe ô tô dân sự trong nước, phí sử dụng đường bộ tính theo năm (12 tháng) và theo chu kỳ đăng kiểm của xe.

- Đến kỳ đăng kiểm, chủ xe mang xe đến đăng kiểm, nộp phí, lệ phí đăng kiểm (nếu có) và nộp phí sử dụng đường bộ cho cơ quan đăng kiểm. Cơ quan đăng kiểm dán Tem đăng kiểm tương ứng với chu kỳ đăng kiểm và Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.

- Đối với xe ô tô có chu kỳ đăng kiểm từ 1 năm trở xuống (chu kỳ 1, 3, 6 và 12 tháng), chủ xe thực hiện nộp phí sử dụng đường bộ cho cả chu kỳ đăng kiểm và được dán Tem đăng kiểm và Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian chu kỳ đăng kiểm.

- Đối với xe ô tô có chu kỳ đăng kiểm trên 01 năm (18, 24 và 30 tháng): Chủ xe phải nộp phí sử dụng đường bộ theo năm (12 tháng) hoặc nộp cho cả chu kỳ đăng kiểm (18, 24 và 30 tháng):

+ Trường hợp nộp phí theo chu kỳ đăng kiểm (18, 24 và 30 tháng): Cơ quan đăng kiểm cấp Tem đăng kiểm và Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian đăng kiểm.

+ Trường hợp nộp phí theo năm (12 tháng): Cơ quan đăng kiểm cấp Tem đăng kiểm theo chu kỳ đăng kiểm tương ứng (18, 24 và 30 tháng) và cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí 12 tháng, Tem nộp phí dán cùng Tem đăng kiểm. Hết thời hạn nộp phí (12 tháng), chủ xe phải đến cơ quan đăng kiểm nộp phí và được dán Tem nộp phí của thời gian tiếp theo (12 tháng hoặc còn lại của chu kỳ đăng kiểm).

- Trường hợp chủ phương tiện đến đăng kiểm sớm hơn hoặc chậm hơn thời gian theo chu kỳ đăng kiểm quy định, cơ quan đăng kiểm kiểm tra xe cấp tem đăng kiểm cho chu kỳ tiếp theo nhưng số tiền phí sử dụng đường bộ tính từ thời gian hết chu kỳ đăng kiểm trước.

- Đối với xe đăng kiểm trước ngày 01/01/2013 thì:

+ Trường hợp kỳ đăng kiểm tiếp theo phát sinh trong thời gian từ ngày 01/01/2013 đến 31/3/2013 thì chủ xe phải đến đăng kiểm nộp phí cho thời gian tính từ ngày 01/01/2013 đến kỳ đăng kiểm tiếp theo.

+ Trường hợp kỳ đăng kiểm tiếp theo phát sinh sau ngày 31/3/2013 thì chậm nhất đến ngày 31/3/2013, chủ xe phải đến cơ quan đăng kiểm nộp phí cho thời gian tính từ ngày 01/01/2013 đến kỳ đăng kiểm tiếp theo hoặc nộp phí năm 2013.

* Đối với xe ô tô nhập cảnh lưu hành tại Việt Nam, kỳ tính phí là khoảng thời gian được phép lưu hành tại Việt Nam. Thời điểm nộp phí là khi nộp hồ sơ xin nhập cảnh lưu hành tại Việt Nam.

* Thông tư quy định, xe ô tô của lực lượng quốc phòng, an ninh cũng phải nộp phí: Phí nộp theo năm và mức thu theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư còn quy định rõ về việc quản lý và sử dụng phí, mức trích nộp và mức để lại cho đơn vị tổ chức thu phí sử dụng đường bộ.

Thông tư này bãi bỏ các nội dung liên quan đến phí sử dụng đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước quy định tại Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí sử dụng đường bộ không quy định tại Thông tư này thì được thực hiện theo Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí, Thông tư 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 và Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ.

Dự thảo đã được Bộ Tài chính công bố trên website Bộ, lấy ý kiến nhân dân đóng góp để sớm hoàn thiện và đi vào thực hiện.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.