Đưa bảo hiểm nông nghiệp đi vào cuộc sống

T. Trang

Nông nghiệp là một trong những ngành có vai trò trụ đỡ đối với nền kinh tế Việt Nam nhưng đặc thù ngành nông nghiệp trong nước lại tiềm ẩn nhiều rủi ro do những tác động khách quan mang lại. Bảo hiểm nông nghiệp chính là một lối đi cho nông nghiệp Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức đó.

Bảo hiểm nông nghiệp chính là một lối đi cho nông nghiệp Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức. Nguồn: internet
Bảo hiểm nông nghiệp chính là một lối đi cho nông nghiệp Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức. Nguồn: internet

Công cụ quan trọng

Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực rất nhiều rủi ro do những tác động của thiên tai, dịch bệnh mang lại, nhất là trong điều kiện trình độ sản xuất của Việt Nam còn thấp. Bởi vậy, bảo hiểm nông nghiệp là cần thiết khi chúng ta muốn nông dân có một điểm tựa để yên tâm mở rộng sản xuất, phát triển ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lớn, góp phần giúp nông nghiệp, nông thôn phát triển, giúp nông dân giảm thiểu rủi ro.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, ngày 1/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 315/QĐ-TTg về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước về phí bảo hiểm cho người làm nông nghiệp: trợ giúp 100% đối với hộ nông dân, cá nhân nghèo; 80% đối với hộ nông dân, cá nhân cận nghèo; 60% đối với hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo; 20% cho tổ chức tham gia sản xuất nông nghiệp.

Chương trình thí điểm giai đoạn 2011-2013 này đã bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan với số hộ tham gia bảo hiểm là hơn 304.000 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp. Giá trị được bảo hiểm là hơn 7.740 tỷ đồng, trong đó giá trị bảo hiểm cây lúa là 2.151 tỷ đồng, vật nuôi là 2.731 tỷ đồng, thủy sản là hơn 2.800 tỷ đồng. Số tiền bồi thường là 712,9 tỷ đồng; doanh thu phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau chương trình thí điểm, bảo hiểm nông nghiệp mới chỉ được lồng ghép vào các quyết định, đề án, chương trình và chưa có chính sách cụ thể. Thêm vào đó, nhiều hộ nông dân vẫn chủ yếu tham gia mang tính chất thăm dò, tính chủ động chưa cao.

Hướng đi nào

Để bảo hiểm nông nghiệp thực sự phát huy vai trò và đi vào cuộc sống, Nhà nước cần có cam kết nhằm giúp nông dân phòng chống rủi ro, xây dựng hệ thống bảo hiểm nông nghiệp một cách bài bản và xa hơn là tiến đến xây dựng một khung thể chế và pháp lý hoàn thiện cho quản lý hệ thống bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, cần thiết phải có một bộ luật riêng về bảo hiểm nông nghiệp, trong đó có điều khoản quy định về danh mục các sản phẩm bắt buộc phải bảo hiểm là các sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu; các sản phẩm xuất khẩu chiến lược và một số sản phẩm thay thế nhập khẩu.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cho hệ thống bảo hiểm nông nghiệp hoạt động ổn định và lâu dài, cần xây dựng lại quy trình thiết kế sản phẩm bảo hiểm nhằm có các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người nông dân, và có tính khả thi cao, phù hợp với đặc thù của từng vùng và từng điều kiện sản xuất. Đồng thời, cần đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự về bảo hiểm nông nghiệp để có thể nắm bắt được những kiến thức về nông nghiệp, những rủi ro, sự cố thường gặp phải để từ đó có những tư vấn, hỗ trợ người nông dân một cách chính xác, hiệu quả.

Công tác thông tin tuyên truyền về bảo hiểm nông nghiệp cũng cần được chú trọng triển khai đến từng đối tượng khác nhau. Đối với người dân, cần tuyên truyền để người nông dân hiểu những lợi ích khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp.Đối với các doanh nghiệp thì cần nhận thấy được những mảng tiềm năng của thị trường đặc thù này. Các nhà quản lý cũng phải thấy rõ trách nhiệm của mình là làm bảo hiểm nông nghiệp vì sự phát triển bền vững của sản xuất.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc tiếp tục thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo hướng tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa, vật nuôi tại các tỉnh, thành phố theo Quyết định 315; mở rộng bảo hiểm trâu, bò cho các huyện tại tỉnh Hà Giang; dừng triển khai bảo hiểm thủy sản (tôm, cá).