Đưa bảo hiểm xã hội về đúng bản chất và yêu cầu thực tiễn

TS. Phạm Thị Vân Anh

Môt trong những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận là việc nghỉ hưu trước hay sau năm 2018 sẽ có lợi. Trên thực tế, vấn đề này chỉ ảnh hưởng tới một số nhóm đối tượng, không phải tất cả các đối tượng hưởng lương hưu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Không tác động đến tất cả các đối tượng

Theo phân tích của các chuyên gia, không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 đều có lợi hơn so với người nghỉ hưu từ năm 2018. Bởi, từ ngày 01/01/2018, cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu có thay đổi so với nghỉ hưu trước năm 2018.

Tuy nhiên, điều này chỉ tác động trực tiếp đến một số nhóm đối tượng mà không ảnh hưởng tới tất cả các đối tượng hưởng lương hưu từ năm 2018.

Cụ thể, theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018: Đủ 15 năm đóng BHXH bằng 45%, sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 2% tối đa không quá 75%. Như vậy, để đạt tỷ lệ 75% lương hưu thì lao động nữ phải có đủ 30 năm đóng BHXH.

Nghỉ hưu trước năm 2018, lao động nữ có đủ 25 năm đóng BHXH được hưởng tỷ lệ 75%; Những lao động nữ nghỉ hưu từ 01/01/2018 mà chưa đủ 30 năm đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu không đạt mức 75%.

Đối với lao động nam, nghỉ hưu từ 01/01/2018, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu như sau: Năm 2018 quy định đủ 16 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75%. Và đủ 31 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%.

Cũng theo Luật BHXH, từ năm 2019 đóng đủ 17 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 32 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%); Năm 2020 đóng đủ 18 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 33 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%); Năm 2021, đóng đủ 19 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 34 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%); Từ năm 2022 quy định đủ 20 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 35 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%).

Bên cạnh đó, nếu nghỉ hưu mà chưa đủ tuổi đời theo quy định của Luật BHXH thì giảm trừ tỷ lệ %, do nghỉ hưu trước tuổi với mức tương ứng mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ 2%. Nếu tiếp tục đóng BHXH thì mỗi năm đóng BHXH sẽ đước tính thêm 2%.

Ngoài ra, từ ngày 01/01/2008 trở đi tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Vì tiền lương đóng BHXH cao hơn nên lương hưu sẽ cao hơn.

Quy định cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu từ 01/01/2018 trở đi theo Luật BHXH có tác động đến cả lao động nam và lao động nữ theo hướng quy định tăng dần theo lộ trình số năm đóng BHXH.

Theo đó, đóng BHXH đủ 15 năm đến đủ 20 năm để đạt tỷ lệ 45% và tăng số năm đóng BHXH tương ứng để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa (75%) đối với lao động nam từ đủ 30 năm lên đủ 35 năm, đối với lao động nữ từ đủ 25 năm lên đủ 30 năm.

Mặt khác, Luật BHXH cũng quy định về độ tuổi nghỉ hưu sớm chặt chẽ hơn theo hướng tăng dần theo lộ trình từ năm 2016 mỗi năm thêm 1 tuổi cho đến khi nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi mà bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mới đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi.

Cùng với đó, quy định tăng tỷ lệ suy giảm khả năng năng lao động từ 61% lên 81% đối với lao động nam đủ 50 tuổi; lao động nữ đủ 45 tuổi nếu có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, quy định tăng tỷ lệ giảm trừ đối với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% đối với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi (nghĩa là nếu nghỉ sớm trước 5 tuổi thì phải trừ tỷ lệ hưởng lương hưu là 10%).

Một số quy định mới về chế độ hưu trí theo Luật BHXH năm 2014 có tác động đến một số đối tượng như phân tích ở trên. Người lao động cần đối chiếu với trường hợp cụ thể của mình để xem xét, quyết định.

Lương hưu phụ thuộc nhiều yếu tố: Giới tính, tuổi đời, thời gian đóng BHXH, mức tiền lương đóng BHXH, thời điểm hưởng lương hưu; điều kiện làm việc; thời gian hưởng lương hưu nên không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 đều có lợi hơn người nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Thực tế, trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống BHXH thông thường đòi hỏi phải thường xuyên đánh giá và nếu cần thiết thì phải thay đổi tham số của hệ thống cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Già hóa dân số là một thực tế trên toàn cầu. Vì vậy, hệ thống hưu trí các nước, trong đó có Việt Nam, buộc phải xem xét ảnh hưởng của những thay đổi này.

Việt Nam đang ở trong thời kỳ cuối của giai đoạn “dân số vàng”. Quá trình già hóa dân số diễn ra rất nhanh. Nếu tuổi nghỉ hưu vẫn giữ ở 60 đối với nam và 55 đối với nữ, tỷ lệ người nghỉ hưu so với người đang trong độ tuổi lao động dự đoán sẽ tăng từ 19,4% (năm 2009) lên 59,5% (2049) và tiếp tục lên 77,7% (năm 2099).

Trong bối cảnh tuổi thọ trung bình tiếp tục tăng, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người nghỉ hưu đang ngày càng giảm đi, do mức sinh giảm cũng như sức khỏe và tuổi thọ tăng lên, Việt Nam cần nâng dần tuổi nghỉ hưu để bảo đảm mối tương quan giữa đóng và hưởng BHXH và giải quyết thiếu hụt lao động trong tương lai.

Với xu hướng già hóa dân số, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp bù đắp phần lao động bị thiếu hụt khi số người trong độ tuổi lao động bị giảm sút cũng như để duy trì tính bền vững về tài chính của hệ thống hưu trí. Quan trọng hơn, cần phải đưa chế độ hưu trí về đúng với bản chất là chế độ bảo hiểm tuổi già.

Theo đó, cần quy định tuổi nghỉ hưu của Việt Nam cho phù hợp với đặc điểm của con người Việt Nam, tương đồng với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực. Đồng thời, cần nghiên cứu để sớm có quy định về mức sàn lương hưu hay là mức lương hưu thấp nhất phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu của người về hưu.

Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vừa đảm bảo tương quan giữa đóng và hưởng, vừa giải quyết việc thiếu hụt lao động khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người nghỉ hưu ngày càng giảm đi do mức sinh giảm. Đây là một trong các giải pháp để bảo đảm vấn đề an toàn, lâu dài cho Quỹ Hưu trí và tử tuất, đưa chế độ hưu trí về đúng với bản chất là chế độ bảo hiểm tuổi già.

Theo quy định của Điều 187 Bộ luật Lao động hiện hành về tuổi nghỉ hưu và theo cách tính của Luật BHXH năm 2014, nếu đủ 15 năm đóng BHXH được hưởng lương hưu ở mức 45%; từ năm thứ 16 trở đi, mỗi năm sẽ cộng 2% đối với nam và 3% đối với nữ. Hiện nay, mức hưởng lương hưu tối đa là 75% cho nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ ở tuổi 55. Như vậy, khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nam từ 60 lên 62, nữ từ 55 lên 58 hoặc 60 sẽ đặt ra các vấn đề.

Tỷ lệ đóng góp vào Quỹ Hưu trí và tử tuất còn thấp so với mức hưởng lương hưu (tổng mức đóng góp là 22%, trong khi tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho 25 năm đóng BHXH đối với nữ và 30 năm đối với nam). Tỷ lệ hưởng lương hưu bình quân của nam là 2,5% cho một năm đóng, của nữ là 3% cho một năm đóng là quá cao (bình quân các nước trên thế giới là 1,7%).

Có 3 cách để xử lý vấn đề cân đối trong đóng- hưởng BHXH là: Tăng mức đóng, giảm mức hưởng hoặc kéo dài thời gian đóng, rút ngắn thời gian hưởng. Trong thực tế, việc tăng mức đóng BHXH khó thực hiện vì áp lực cho người sử dụng lao động và người lao động bị giảm thu nhập; giảm mức hưởng cũng khó vì người lao động không đồng tình.

Vậy chỉ còn cách tăng điều kiện về thời gian đóng BHXH, rút ngắn thời gian hưởng, nghĩa là tăng tuổi nghỉ hưu. Do đó, với thực tế hiện nay, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chưa nên tính đến điều chỉnh tăng tỷ lệ % mức đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất.

Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam hướng tới tăng dần tuổi nghỉ hưu cho phù hợp với đặc điểm của con người Việt Nam, tương đồng với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực như: Lào, Philippines, Campuchia… tuổi nghỉ hưu cả với nam và nữ là 60 tuổi.

Có thể nói, việc điều chỉnh chính sách, pháp luật đều nhằm mục tiêu để quỹ được bảo toàn và tăng trưởng tốt hơn; đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH.