Đưa khu kinh tế, khu công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế

Theo Chinhphu.vn

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp lần thứ 6 Ban Chỉ đạo về phát triển các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN).

Một số tỉnh có tỷ lệ lấp đầy KCN đạt thấp vẫn chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể. Nguồn: internet
Một số tỉnh có tỷ lệ lấp đầy KCN đạt thấp vẫn chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể. Nguồn: internet

Trong 9 tháng đầu năm 2015, tình hình hoạt động của các KKT, KCN đã đạt được những kết quả tích cực, tiếp tục phát huy hiệu quả và vai trò động lực trong việc thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước và tạo thêm việc làm mới. Tỷ lệ lấp đầy các KCN, KKT tăng khá.

Mặc dù vậy, một số tỉnh có tỷ lệ lấp đầy KCN đạt thấp vẫn chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể, một số tỉnh vẫn còn có KCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hoạt động của các KKT, KCN, cụm công nghiệp vẫn còn những vướng mắc, tồn tại về cơ chế, chính sách. Công tác quản lý nhà nước cần phải tiếp tục tháo gỡ để các KKT, KCN, cụm công nghiệp thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.

Để đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan tới các vấn đề về đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai,… và nắm bắt các cơ hội mới mở ra khi thực hiện các hiệp định thương mại – đầu tư song phương và đa phương trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát quy trình, thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động của KCN, KKT báo cáo Ban Chỉ đạo kịp thời tháo gỡ.

Nâng cao tỷ lệ lấp đầy KCN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi và tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình thu hút đầu tư và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các KCN của các tỉnh có tỷ lệ lấp đầy KCN thấp dưới 30% gồm: Sơn La, Bình Thuận, Ninh Thuận, Cà Mau, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Cao Bằng; kiên quyết xử lý các KCN hoạt động kém hiệu quả thuộc nhóm IV và nhóm V của các tỉnh, thành phố Hà Nội, Khánh Hòa và Bà Rịa Vũng Tàu.

Đồng thời tiếp tục cập nhật và đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu về KKT, KCN trong quý II/2016. Cập nhật số liệu về tỷ suất đầu tư của các dự án đầu tư trong KCN và giữa các vùng để so sánh.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tổng hợp tình hình thực hiện quy hoạch và tình hình sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp trên cả nước, báo cáo tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo thường kỳ. Phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Bộ Công Thương tiếp tục triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước và ứng dụng tin học trong công tác quản lý cụm công nghiệp; tổ chức một số đoàn kiểm tra tình hình hoạt động của các cụm công nghiệp của các địa phương.

Giám sát tình hình xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của các tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Lâm Đồng, Kon Tum, Hậu Giang, An Giang và Đồng Tháp có KCN đã đi vào hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Các tỉnh này cần tập trung cần tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng KCN khẩn trương đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tiền Giang và Cà Mau đẩy mạnh tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực để đầu tư hạ tầng các KCN đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.

UBND các tỉnh Sơn La, Bình Thuận, Ninh Thuận, Cà Mau, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Cao Bằng cần đặc biệt tập trung giải quyết và xử lý vướng mắc, khó khăn của các KCN, hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư để nâng cao tỷ lệ lấp đầy KCN.