Dung hoà tăng trưởng và lạm phát

Theo Tapchithue.com.vn

(Tài chính) Đặt vấn đề như vậy, bởi hiện có hai luồng quan điểm và đề xuất giải pháp ngược nhau về tăng trưởng và lạm phát, dễ chuyển từ cực đoan này sang cực đoan khác.

 Dung hoà tăng trưởng và lạm phát
Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã cao lên qua các tháng. Nguồn: Internet
Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc kiềm chế lạm phát đã thành công, thậm chí đã chuyển từ lạm phát sang thiểu phát, tăng trưởng kinh tế đang bị trì trệ, thậm chí còn đứng trước nguy cơ suy giảm, nên phải chuyển nhanh sang ưu tiên tăng trưởng. Những người đưa ra quan điểm này đã đề xuất nhiều giải pháp: hạ mạnh lãi suất huy động, hạ lãi suất cho vay, phá giá VND, nới bội chi, nới nợ công, nới chỉ tiêu lạm phát, kích cầu đầu tư và tiêu dùng.

Quan điểm thứ hai đề xuất vẫn phải ưu tiên kiềm chế lạm phát, chưa thể chuyển sang ưu tiên tăng trưởng, bởi 6 - 6,5% của năm 2013 vẫn còn quá cao so với các nước trên thế giới; nếu tính lũy kế từ năm 2004 đến cuối năm nay, lạm phát đã lên đến 273,2%; nói cách khác, giá trị đồng tiền cuối năm nay chỉ còn bằng 36,6% so với cuối năm 2003. Theo đó, vẫn phải thắt chặt chính sách tài khoá, điều hành chặt chẽ chính sách tiền tệ. Cần phải kiên trì, nhất quán với việc kiềm chế lạm phát cho đến khi lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Nhìn nhận và phân tích tổng quan, nhiều chuyên gia nhận định theo hướng dung hòa giữa tăng trưởng và lạm phát. Sự thật hiển nhiên là, lạm phát đã thấp hơn cùng kỳ nhiều năm trước, trong đó đã 3 tháng liền tăng rất thấp và giảm (tính chung 3 tháng đã giảm 0,23%).

Nhưng chưa thể coi là đã chuyển sang thiểu phát, bởi sau 5 tháng vẫn tăng 2,35%- cao hơn lạm phát cả năm của hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; bởi sau 1 năm vẫn còn tăng 6,36% vẫn cao hơn trước và tính bình quân 5 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước còn tăng 6,74%. Từ nay đến cuối năm vẫn có nhiều yếu tố sẽ tác động đến lạm phát, trong đó đáng lưu ý là thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, xăng dầu, than, nước, dịch vụ y tế, giáo dục.
 
Đúng là với các biện pháp kiềm chế lạm phát đã có hiệu ứng phụ đối với tăng trưởng kinh tế, dấu hiệu trì trệ đã rõ, nhưng chưa thể gọi là suy giảm. Các yếu tố và dấu hiệu của tăng trưởng đã xuất hiện, như quy mô vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã tăng lên qua các tháng (bình quân tháng trong 2 tháng đầu năm là 10254 tỷ đồng, tháng 3 là 14729 tỷ đồng, tháng 4 là 15978 tỷ đồng, tháng 5 là 17427 tỷ đồng).

Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá) cũng đã cao lên qua các tháng (tháng 1 tăng 1%, 2 tháng tăng 3,6%, 3 tháng tăng 4,5%, 4 tháng tăng 4,7%, 5 tháng tăng 4,8%). So với cuối năm trước, nếu dư nợ tín dụng tháng 1, tháng 2 còn giảm thì từ tháng 3, tháng 4 và tháng 5 đã tăng lên và đến cuối tháng 5 tăng khoảng 3% (trong khi cùng kỳ năm trước bị giảm).

Lãi suất huy động đã qua nhiều lần hạ. Lãi suất cho vay cũng theo xu hướng giảm, tuy vẫn còn cao, nhưng đã thấp hơn nhiều so với năm trước. Tốc độ tăng tồn kho của công nghiệp chế biến so với cùng thời điểm năm trước cũng đã giảm xuống từ 21,5% tại thời điểm 1/1 xuống còn 12,3% tại thời điểm 1/5. Chỉ số sản xuất công nghiệp cũng có xu hướng cao lên qua các tháng: tháng 3 tăng 4,5%, tháng 4 tăng 5,9%, tháng 5 tăng 6,2%.
 
Các chuyên gia khuyến nghị, việc triển khai thực hiện các giải pháp cần phải được xem xét thận trọng. Đối với lĩnh vực tài chính tiền tệ, lãi suất huy động qua nhiều lần hạ, hiện đã ở mức hợp lý, nếu tính theo kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 1 năm, thì chỉ còn cao hơn một chút so với mức lạm phát mục tiêu (trên 7%/năm so với 6,5%/năm)- tức là vẫn bảo đảm thực dương.

Tuy mức thực dương không nhiều, nhưng do an toàn, với kênh đầu tư truyền thống, thích hợp với các đối tượng không có nhiều tiền, không biết đầu tư, hoặc tạm trú vào tiết kiệm để chờ cơ hội đầu tư…, nên vẫn có sức hấp dẫn với dòng tiền cá nhân. Tuy nhiên, dư địa để hạ lãi suất huy động hầu như không còn, nên khó mà hạ tiếp lãi suất huy động. Riêng lãi suất cho vay có thể được hạ tiếp, bởi chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động còn lớn, còn vượt xa so với khả năng sinh lời của sản xuất kinh doanh, bởi nợ xấu và tồn kho đang trong xu thế giảm.
 
Việc phá giá VND vào lúc này sẽ gây bất lợi về nhiều mặt. Xuất khẩu thì lợi bất cập hại, vì tính gia công của sản xuất hàng xuất khẩu còn lớn, nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu. Nợ và trả nợ bằng VND sẽ gia tăng. Lạm phát sẽ tăng do chi phí đẩy (giá nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu) tính bằng VND sẽ gia tăng, do tâm lý kỳ vọng lạm phát trở lại và lòng tin vào đồng tiền quốc gia không dễ tạo dựng được sẽ bị sụt giảm. Việc mua vào ngoại tệ cũng phải dừng lại. Nếu phá giá theo phương thức “giật cục” (tăng cao một lần có tính định kỳ”. thì còn khuyến khích đầu cơ lướt sóng, gây bất ổn thị trường.
 
Với giải pháp nới bội chi, nếu bằng cách phát hành tiền thì sẽ làm tăng lạm phát trực tiếp; nếu bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ thì sẽ làm tăng nợ công. Nới chỉ tiêu lạm phát cũng sẽ gây tâm lý kỳ vọng lạm phát, làm giảm lòng tin.
 
Kích cầu đầu tư và tiêu dùng (hiểu theo nghĩa với liều lượng cao hơn ngoài các giải pháp về cắt giảm, giãn hoãn các khoản nộp ngân sách, hạ lãi suất cho vay) cũng cần phải xem xét thận trọng. Năm trước sau khi lạm phát thấp, mới chỉ thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục (còn nhiều địa phương chưa thực hiện), nhưng giá tháng 8, tháng 9, tháng 10 đã tăng cao; trong khi đó năm nay theo định hướng của Chính phủ vẫn tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, điều chỉnh giá điện, than cho điện, nước, dịch vụ công về giáo dục, y tế.
 
Để dung hòa giữa tăng trưởng và lạm phát, trước hết là nới lỏng chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ so với trước đây; tiếp tục thực hiện việc cắt giảm, giãn hoãn các khoản thu nộp ngân sách. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ phải hướng vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động…), tránh chệch hướng sang các lĩnh vực có nhiều rủi ro, mà không tăng sản phẩm hàng hoá.

Một biện pháp vừa tác động đến tăng trưởng kinh tế, vừa tác động đến việc hạn chế yếu tố tiềm ẩn và nguyên nhân sâu xa của lạm phát, là nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động - tức là tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhưng tốn ít vốn hơn, tốn ít chi phí lao động hơn. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh công tác xắp xếp, cơ cấu lại nền kinh tế, giảm tính gia công, tăng nhanh vòng quay đồng vốn.