FDI và những kỷ lục mới
Năm 2017 ghi dấu mốc quan trọng đánh dấu 30 năm Việt Nam thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 2017 cũng là năm có nhiều bước tiến mạnh mẽ khi nguồn vốn FDI đạt kỷ lục về lượng và có “bước nhảy” về chất. Vốn FDI đăng ký đạt khoảng gần 36 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm trở lại đây; vốn FDI thực hiện đạt khoảng trên 17 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Dự báo năm 2018 và các năm tiếp theo, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam, tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với những tồn tại, hạn chế cần khắc phục...
Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn
Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách thu hút FDI từ năm 1987. Đến nay, sau 30 năm, nguồn vốn này đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đã có trên 310 tỷ USD của các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam. Nguồn vốn này đã làm thay đổi diện mạo nền kinh tế cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong suốt 30 năm thu hút FDI, Việt Nam đã chứng kiến sự hiện diện của những nhà đầu tư nước ngoài, điển hình là các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới như: Honda, Intel, Samsung, Yamaha, Panasonic, Microsoft, LG... Những dự án tỷ “đô” của các tập đoàn kinh tế hàng đầu cho thấy Việt Nam đã và đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, chỉ trong vòng hơn 10 năm trở lại đây (từ 2006-2017), diện mạo FDI chảy vào Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Nhà đầu tư nước ngoài đã rót khoảng 276 tỷ USD vào Việt Nam, cao gấp nhiều lần con số của 20 năm trước đó. Năm 2006, với việc công bố đầu tư dự án trị giá 1 tỷ USD (tại TP. Hồ Chí Minh), Tập đoàn Intel (Mỹ) đã ghi tên Việt Nam vào bản đồ công nghệ thông tin toàn cầu.
Đây cũng là sự kiện có tính chất mở đường, tạo nguồn cảm hứng giúp Việt Nam thu hút các dự án lớn, các dự công nghệ cao khác. Sau Intel, năm 2008, Tập đoàn Samsung đầu tư vào Việt Nam với dự án nhà máy lắp ráp điện thoại tại Bắc Ninh với tổng số vốn 700 triệu USD. Đến nay, tổng số vốn đăng ký của Samsung đạt khoảng 17 tỷ USD. Cùng với đó, Tập đoàn LG cũng đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 3 tỷ USD.
Trong 20 năm có mặt tại Việt Nam, tổng số vốn đầu tư của Honda đã đạt khoảng 530 triệu USD và tính đến nay, Tập đoàn này đã đóng góp khoảng hơn 40 nghìn tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách và tạo việc làm cho khoảng 10 nghìn nhân viên; Tập đoàn Formosa (Đài Loan) cũng đã đầu tư gần 10 tỷ USD cho dự án sản xuất thép tại Việt Nam…
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến cuối năm 2017, cả nước có 24.748 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 318,72 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế đến cuối năm 2017 của các dự án FDI ước đạt 172,35 tỷ USD, bằng 54% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Đã có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 57,66 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 49,46 tỷ USD (chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore, Đài Loan, Britishvirgin Island, Hong Kong... FDI đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sự có mặt của những “người khổng lồ” đã góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghiệp phụ trợ và đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, thay đổi vị thế của Việt Nam ở thị trường xuất khẩu. Có được kết quả này, yếu tố quan trọng nhất là nhờ tình hình chính trị ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện, chi phí lao động thấp, tốc độ mở cửa thương mại cao và lợi thế về vị trí địa lý của Việt Nam... Đặc biệt, việc Chính phủ tập trung chỉ đạo cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư đã tác động rất tích cực đến khu vực FDI và được cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.
Khu vực doanh nghiệp (DN) FDI đã và đang có những đóng góp ngày càng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Những đóng góp này được thể hiện qua những con số cụ thể như tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội luôn chiếm khoảng 25%, đóng góp trên 20% vào GDP.
Đây cũng là khu vực nộp ngân sách chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách, chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với tỷ lệ khoảng 70%. Bên cạnh những đóng góp lượng hóa được thì khu vực FDI còn có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách DN nhà nước, đổi mới thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.
2017 – năm của những kỷ lục mới về FDI
Năm 2017, FDI vào Việt Nam đạt gần 36 tỷ USD - mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tính đến ngày 20/12/2017, tổng vốn FDI vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, có 2.591 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 21,27 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, còn có 1.188 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt xấp xỉ 8,41 tỷ USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2016; có 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,19 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ 2016. Nếu chỉ tính riêng vốn FDI, con số là trên 29,68 tỷ USD. Số vốn giải ngân trong năm 2017 cũng được xác lập bằng kỷ lục 17,5 tỷ USD. Con số này là mức cao nhất trong 30 năm qua.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Bên cạnh nguồn FDI, khoản vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần cũng có sự gia tăng mạnh, đặc biệt khi nhà đầu tư nước ngoài “đổ” khoảng gần 5 tỷ USD vào Sabeco. Như vậy, tính chung năm 2017, đã có trên 22 tỷ USD vốn FDI được giải ngân, góp phần nâng cao vốn đầu tư toàn xã hội, qua đó tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Không thể phủ nhận, bên cạnh sự bùng nổ của vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, sự quay trở lại của các dự án tỷ USD đã góp phần thúc đẩy vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2017 tăng trưởng ngoạn mục.
Có tới 5 dự án trị giá hàng tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư trong năm 2017, đó là 3 dự án điện BOT, bao gồm: Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD, do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá, quy mô 1.200 MW; Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa, công suất 1.320 MW và Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thái Bình, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.
Ngoài ra, còn có Dự án Samsung Display tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, vốn đầu tư 1,27 tỷ USD tại Kiên Giang; Dự án Khu phức hợp thông minh tại Khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, vốn đăng ký 885,85 triệu USD, tại TP. Hồ Chí Minh...
Trong năm 2017, có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,49 tỷ USD, chiếm 23,7%; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,3 tỷ USD, chiếm 14,8%. Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố, trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn nhất với 6,5 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư; Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 3,4 tỷ USD, chiếm 9,5%; Thanh Hóa đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 3,17 tỷ USD chiếm 8,8%.
Năm 2017, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 72,6% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt khoảng 152,34 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ 2016 và chiếm 71,2% kim ngạch xuất khẩu. Mặt khác, nhập khẩu của khu vực FDI đạt khoảng 126,44 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm gần 59,9% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 28,8 tỷ USD kể cả dầu thô và 25,9 tỷ USD nếu không kể dầu thô.
Biến lợi thế so sánh thành hiện thực
Dự báo, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam mạnh hơn cả về lượng và chất. Bởi Việt Nam vẫn đang có những lợi thế vượt trội so với các nước khi tình hình chính trị - xã hội ổn định, môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện...
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Vấn đề là làm thế nào để biến lợi thế so sánh thành hiện thực để khu vực FDI góp phần quan trọng hơn nữa vào việc tái cơ cấu nền kinh tế. Để tiếp tục thu hút FDI trong năm 2018 và các năm tiếp theo, Việt Nam cần nhận diện rõ các bài học từ thực tiễn, đưa ra các giải pháp khắc phục tồn tại, tận dụng tốt cơ hội.
Những tồn tại hiện hữu
Những đóng góp của khu vực FDI đối với kinh tế - xã hội Việt Nam là không thể phủ nhận, tuy nhiên, bên cạnh đó, dòng vốn này cũng đang đặt ra một số vấn đề tồn tại cần phải nghiêm túc nhìn nhận, cụ thể:
Thứ nhất, xu hướng nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài.
Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực FDI, đặc biệt một số công ty lớn. Nếu như năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng xuất khẩu của Việt Nam, thì còn số này đã tăng lên 70,2% năm 2016 và trên 72% trong năm 2017.
Bên cạnh đó, với dòng vốn lớn từ khu vực FDI, vốn đầu tư toàn xã hội khu vực này liên tục tăng ở mức cao trong những năm gần đây. Dù suy giảm trong nửa cuối năm 2016, dòng vốn từ khu vực FDI đã phục hồi đáng kể trong nửa đầu năm 2017.
Trong khi đó, lượng lao động sử dụng tại các DN FDI trong lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Ngược lại, số lao động sử dụng trong khu vực ngoài nhà nước, thậm chí đã giảm tuyệt đối trong 6 tháng đầu năm 2017... Thực tiễn cho thấy, khu vực kinh tế trong nước đang ngày trở nên yếu thế so với khu vực FDI, đặc biệt trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang được mở rộng.
Thứ hai, tác động tiêu cực đến môi trường.
Thảm họa môi trường biển ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế do Tập đoàn Formosa gây ra là sự kiện nổi bật của FDI trong thời gian qua. Mặc dù ô nhiễm đã được khắc phục nhưng bài học đắt giá để lại cho Việt Nam những cảnh báo cần phải khắc ghi. Theo đó, việc lựa chọn dự án FDI phải theo đúng định hướng xây dựng nền kinh tế xanh, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, làm tăng nhiệt độ trái đất.
Không nên thu hút thêm FDI vào một số ngành công nghiệp “cổ điển” như gang thép, xi măng, lọc hóa dầu. Thay vào đó, cần lựa chọn và đầu tư tới hạn để hình thành một số ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cần đề cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu UBND các tỉnh, thành và các sở, ban ngành khi lựa chọn dự án và nhà đầu tư trên căn bản lợi ích địa phương và lợi ích dân tộc khi ra quyết định đầu tư.
Thứ ba, chuyển giao công nghệ chưa như kỳ vọng.
Có thể khẳng định, hiệu ứng các ngành nghề mới, công nghệ mới của các DN FDI là rất lớn, nhờ đó nhiều ngành kinh tế của Việt Nam đã có công nghệ tiên tiến so với khu vực cũng như thế giới như ngành dầu khí, điện tử, viễn thông. Tuy nhiên, câu chuyện chuyển giao công nghệ, tác động lan tỏa của khu vực FDI còn chưa như kỳ vọng. Thực tế cho thấy, có khoảng 80% dự án FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu và chỉ 5-6% sử dụng công nghệ cao.
Theo kết quả điều tra hàng năm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các DN FDI chỉ mua khoảng 26,6% thiết bị, đầu vào từ DN Việt, còn lại là nhập khẩu và nhập từ công ty mẹ. Nguyên nhân xuất phát từ loại hình hoạt động, trước đây có nhiều mô hình liên doanh giữa FDI và tư nhân, hiện nay gần như DN FDI là DN 100% vốn đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ hạn chế việc chuyển giao công nghệ tiên tiến cho DN nội như kỳ vọng và cam kết.
Thực tiễn của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là minh chứng rõ nhất cho điều này. Sau nhiều năm phát triển, hiện nay, công nghệ sản xuất ô tô không có nhiều cải thiện, vẫn chỉ dừng lại ở nhập khẩu linh kiện và lắp ráp. Tỷ lệ nội địa hoá chỉ 15-40%, chi phí sản xuất cao hơn khoảng 20% so với các nước khác trong khu vực ASEAN, đồng thời ngành công nghiệp phụ trợ chỉ dừng lại ở sản xuất vài linh kiện đơn giản như ắc quy, lốp xe.
Thứ tư, liên kết giữa các DN còn yếu.
Hiện mới chỉ có khoảng 300 DN Việt Nam đủ tiêu chuẩn đáp ứng được các tiêu chí về sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn nước ngoài, còn lại, vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI. Do đó, để nguồn vốn FDI đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế, vấn đề đặt ra là cần tăng cường liên kết giữa khu vực FDI và khu vực DN trong nước, làm sao để DN trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để tác động lan toả của khu vực FDI đối với DN Việt Nam mở rộng, DN Việt cần tự tin, chủ động tiếp cận DN FDI, đầu tư đổi mới công nghệ và nguồn nhân lực. Từ đó, các DN Việt có thể tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng phù hợp với trình độ.
Một số kiến nghị trong thu hút vốn FDI
Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong thu hút vốn FDI, cần triển khai một số nội dung sau:
Một là, ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo..., coi trọng các ngành nghề thu hút nhiều lao động ở địa phương còn kém phát triển.
Hai là, ngoài việc coi trọng thu hút FDI từ các DN vừa và nhỏ thì cần coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao, để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Ba là, điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án FDI theo hướng gắn với hiệu quả kinh tế - xã hội của quá trình phát triển từng vùng kinh tế, từng địa phương; Kiên quyết không chọn dự án FDI thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính.
Bốn là, coi trọng chính sách kết nối DN FDI với DN trong nước để khắc phục nhược điểm tác động lan tỏa của DN FDI còn hạn chế. Để khắc phục tồn tại trên, cần có sự nỗ lực từ cả hai phía, đó là, các DN FDI cần có chiến lược hợp tác, kết nối với DN Việt Nam, chủ động giúp DN nâng cao năng lực, đáp ứng đúng nhu cầu của mình và tìm ra mô hình hợp tác thích ứng với từng sản phẩm.
Ở chiều ngược lại, các DN trong nước cần tự tin, chủ động tiếp cận DN FDI. Qua đó, tăng nội lực đáp ứng yêu cầu của đối tác, các DN Việt cần đầu tư, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tìm kiếm phân khúc phù hợp để tham gia vào chuỗi cung ứng.
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Đầu tư nước ngoài: Báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài qua các năm từ 2013 đến 2017;
2. Cục Đầu tư nước ngoài: Báo cáo tổng kết 25 năm thu hút FDI vào Việt Nam (1988-2013);
3. Cục Đầu tư nước ngoài: Điểm mạnh trong thu hút FDI của Việt Nam;
4. Bộ Kế hoạc và Đầu tư: “Định hướng thu hút FDI trong thời gian tới”;
5. Thực trạng thu hút FDI tại Việt Nam giai đoạn (1988-2016)
– Tạp chí Tài chính – tháng 12/2016;
6. Chuyển giao công nghệ sau 30 năm thu hút đầu tư FDI, http://www.thesaigontimes.vn.