FTA giữa Việt Nam - EU: Cơ hội và thách thức

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Liên minh châu Âu (EU) hiện là một trong số các đối tác hàng đầu của Việt Nam về quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư. Vì vậy, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam - EU (EVFTA) trong thời gian tới chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đối với nền kinh tế nước ta. Bởi vậy, vấn đề là nhận rõ cả cơ hội và thách thức để tận dụng tối đa cơ hội.

FTA giữa Việt Nam - EU: Cơ hội và thách thức
EU hiện là một trong số các đối tác hàng đầu của Việt Nam về quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư. Nguồn: internet

Chưa tận dụng hết tiềm năng

Với trên 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và gần 20 năm ký Hiệp định khung về hợp tác, quan hệ Việt Nam - EU đã chuyển từ hình thái mang tính chất chính trị - ngoại giao là chủ yếu sang một hình thái hợp tác năng động, vừa song phương, vừa đa phương; từ tiếp nhận viện trợ là chủ yếu chuyển dần sang hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học - kỹ thuật... trên cơ sở hai bên đều có lợi.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2013, EU đã vươn lên vị trí thứ nhất và trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 24,33 tỷ USD, tăng 19,8% so với năm 2012 và chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường EU chiếm tỷ trọng cao, như: điện thoại nguyên chiếc và linh kiện điện thoại, giày dép, máy tính và linh kiện điện tử, hàng dệt may (Bảng).

Bảng: Thống kê kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam – EU

                                                                                      Đơn vị: tỷ USD

Năm

 

Tên mặt hàng

2012

2013

3/2014

Điện thoại và các loại linh kiện

5,48

8,07

1,85

Giầy dép các loại

2,63

2,94

0,71

Hàng dệt may

2,41

2,69

0,61

Máy vi tính và linh kiện

1,52

2,2

0,4

Cà phê

1,25

1,06

0,48

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tuy vậy, quan hệ thương mại hai bên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Vì thế, ký kết thành công FTA giữa Việt Nam và EU được kỳ vọng sẽ mở ra một trang mới cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam vào thị trường EU.

Cơ hội lớn

Với 500 triệu người tiêu dùng và GDP hơn 17.000 tỷ USD của EU, việc ký kết EVFTA sẽ là một cú hích quan trọng để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại với EU.

Vòng đàm phán đầu tiên của EVFTA đã chính thức khởi động vào ngày 8/10/2012, tại Hà Nội. Sau gần hai năm, hai bên vẫn tiếp tục tiến trình đàm phán, và gần đây nhất là Vòng đàm phán thứ 8 diễn ra từ ngày 23-27/6/2014 tại thủ đô Brussel của Bỉ. EVFTA được dự kiến sẽ hoàn thành việc  ký kết vào cuối năm 2014. 

Thứ nhất, Việt Nam có khả năng tiếp cận dễ dàng vào thị trường EU, bởi khung khổ FTA sẽ cho phép loại bỏ thuế quan đối với hơn 90 loại thuế.  Từ đó đem lại những lợi ích bền vững cho cả hai bên, trong đó phần lợi ích của Việt Nam là trội hơn. Chỉ riêng việc cắt giảm thuế quan sẽ làm hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU tăng từ 30%–40% so với trường hợp không có Hiệp định. Các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA bao gồm: dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm… Khu vực dịch vụ theo kỳ vọng cũng sẽ được mở rộng đáng kể nhờ EVFTA, và có thể góp phần làm tăng hiệu suất cho toàn bộ nền kinh tế.

Về xuất khẩu, hiện nay mức thuế trung bình của hàng hóa Việt Nam phải chịu khi vào EU là khoảng 4%, song nếu tính theo tỷ trọng thương mại, mức này lên đến 7% do phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều thuộc nhóm bị đánh thuế nhập khẩu cao. Như vậy, khi EVFTA chính thức được thiết lập, hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường EU sẽ được lợi lớn về mặt thuế suất, góp phần làm tăng tính cạnh tranh của hàng Việt Nam tại EU.

Có thể thấy, gỡ bỏ các hàng rào thuế quan trong thương mại với EU đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, một phần vì EU là thị trường đa dạng và rộng lớn, song mặt khác cũng bởi hàng hóa thế mạnh của mỗi bên vốn mang tính bổ trợ cho nhau chứ không cạnh tranh một cách trực tiếp.

Thứ hai, việc thiết lập FTA với EU góp phần vào quá trình tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư cởi mở, thông thoáng hơn, từ đó sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp từ EU và các nước khác vào Việt Nam.

Hiện nhiều các công ty của EU chọn Việt Nam, coi đây là địa điểm đầu tư tốt. Các công ty của Việt Nam thường thiếu bí quyết, công nghệ và vốn - những yếu tố rất sẵn có ở các công ty của EU với tiềm lực quốc tế lớn mạnh. Mặt khác, chi phí lao động của EU khá cao nên không cạnh tranh được trên trường quốc tế. Trong khi đó, cơ cấu chi phí của các công ty Việt Nam khá hấp dẫn, các lợi thế của Việt Nam khá đa dạng, chất lượng lao động cũng như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt hơn so với những nước khác trong khu vực. Do vậy, hợp tác giữa EU và Việt Nam là một quan hệ mang lại nhiều lợi ích, giúp các công ty của Việt Nam tiếp cận tri thức, phương thức sản xuất hiện đại của phương Tây và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Không chỉ đầu tư của EU vào các lĩnh sản xuất hàng công nghệ cao tăng lên, EVFTA cũng sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI của EU vào những lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao, mà nền kinh tế Việt Nam đang rất cần, như: dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, năng lượng, viễn thông, cảng biển và vận tải biển nhờ giảm bớt các điều kiện đối với các nhà cung cấp dịch vụ của EU.

Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại khu vực ASEAN. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam. Khi đó, lượng vốn đầu tư FDI của EU vào Việt Nam sẽ tăng lên.

Thứ ba, hàng hóa của EU xuất khẩu sang Việt Nam sẽ tăng lên, tạo sự cạnh tranh trong thị trường nội địa. Điều này có lợi cho người tiêu dùng Việt Nam khi được sử dụng các sản phẩm có chất lượng tốt với giá cả cạnh tranh.

Thứ tư, trong số 8 FTA mà Việt Nam đã tham gia, thì đây là FTA đầu tiên có các điều khoản về lao động và công đoàn. EVFTA ký kết sẽ mở ra một giai đoạn mới trong việc thúc đẩy, nâng cao các tiêu chuẩn lao động ở Việt Nam phù hợp các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Người lao động sẽ tăng cơ hội việc làm và tiền lương do thu hút đầu tư nước ngoài lớn và xuất khẩu hàng hóa tăng.

Cùng với nhiều sức ép

Cũng như đàm phán các Hiệp định FTA khác, Việt Nam có thể phải đối mặt với một số thách thức. Cụ thể là:

Khi ký kết hiệp định FTA với EU, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn trên sân nhà. Hàng hóa của EU khi đi vào Việt Nam sẽ dễ dàng hơn và giảm giá mạnh do không phải chịu thuế nhập khẩu. Hệ quả là, việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước tại thị trường nội địa sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có những ngành phải thu hẹp sản xuất do không cạnh tranh được.

 Đồng thời, các doanh nghiệp từ EU có thể dễ dàng thành lập các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoạt động ở Việt Nam và tham gia vào các lĩnh vực hiện nay Việt Nam chưa có thế mạnh, hoặc đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, như: ngành logistics, cảng biển, một số mặt hàng tiêu dùng. Với kinh nghiệm quản lý, chất lượng vượt trội hơn hẳn của các doanh nghiệp EU, nguy cơ các doanh nghiệp Việt Nam chịu lép vế là khá rõ ràng.

Tiêu chuẩn do EU áp đặt nằm trong số các tiêu chuẩn khắt khe và khó đạt được nhất với chi phí cao nhất trên thế giới. Các quy định nghiêm ngặt về môi trường và phúc lợi động vật (SPS) luôn là thách thức đối với các nước đang phát triển nói chung và với Việt Nam nói riêng. Vì thế, EVFTA có thể đặt ra cho Việt Nam những yêu cầu chặt chẽ hơn trong vấn đề bán phá giá, trợ cấp và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại. Với một số ngành là thế mạnh xuất khẩu của mình, EU sẽ đòi hỏi cắt giảm các hàng rào phi thuế quan, trước hết là loại bỏ các hình thức trợ giá từ phía Chính phủ Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ. Điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam khó đáp ứng được yêu cầu do năng lực kỹ thuật và tài chính hạn chế, sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để bán ra trên thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp EU lại rất có kinh nghiệm, có uy tín và lợi thế cả về công nghệ lẫn quản lý, lại có thể thành lập được các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu hoặc tự thành lập ngành công nghiệp phụ trợ của riêng mình, thì bối cảnh này khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, cho dù chỉ sản xuất cho thị trường nội địa, cũng sẽ đối mặt với nguy cơ buộc phải thu hẹp sản xuất, hoặc phá sản.

Bên cạnh đó, khi hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU được đẩy mạnh, thì nguy cơ các doanh nghiệp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá sẽ thường xuyên hơn và ở mức độ rộng hơn. Thế nhưng, lĩnh vực này các doanh nghiệp trong nước còn ít kinh nghiệm xử lý.

Thêm vào đó, mức thuế bình quân áp dụng với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của EU vào Việt Nam (ngoại trừ đối với ô tô 24,2% và một phần với hàng điện tử 8,9%) về cơ bản đều ở mức thấp (cơ khí 3,4%, dược phẩm 2%, dụng cụ quang học và y tế 1,3%, máy bay 0%). Tuy nhiên, đó là tính trên mức bình quân, mức thuế đỉnh cho các mặt hàng như đã nêu vẫn tương đối cao, từ 10% đối với dược và đến 90% đối với ô tô. Vì vậy, FTA Việt Nam – EU thực hiện ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến ngân sách do nguồn thu thuế nhập khẩu bị ảnh hưởng.

Tham gia các FTA song phương hay FTA khu vực, trên thực tế, đều nhằm mục tiêu cuối cùng là tăng cường hội nhập kinh tế, mang lại lợi ích thiết thực nhất cho các quốc gia, doanh nghiệp và các bên liên quan. Từ đó, mục tiêu này đòi hỏi Việt Nam phải cải cách quản lý ở cấp độ quốc gia nhằm tăng vị thế đàm phán. Cải cách quản lý được nhận định là đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải cách cơ cấu kinh tế, nhân tố cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn nhằm thu lợi ích kinh tế toàn diện thông qua trao đổi thương mại và đầu tư với EU. 

Cuối cùng, việc ký kết FTA Việt Nam - EU cũng tạo ra nguy cơ các doanh nghiệp Việt Nam bị thôn tính, cũng như tăng nguy cơ khiến Việt Nam rơi vào “bẫy tự do hóa thương mại” nếu kinh tế trong nước không có những cải cách sâu rộng.

Một số đề xuất

Trên cơ sở nhận diện và phân tích những cơ hội và thách thức đến từ EVFTA, để có thể tận dụng tốt nhất Hiệp định này, Nhà nước, cũng như các doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp sau:

Về phía Nhà nước

Để giảm chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn (SPS và TBT) của EU, Việt Nam cần chủ động ký kết các thỏa thuận công nhận chung và thỏa thuận tương đương trong từng trường hợp cụ thể với EU. Việc đạt được các thỏa thuận như vậy, đặc biệt trong những lĩnh vực mà hàng xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội tiếp cận thực sự hoặc còn ở dạng tiềm năng vào thị trường EU, sẽ mang lại cho các nhà sản xuất, xuất khẩu và kinh doanh Việt Nam những lợi thế so sánh lớn, được ưu tiên tiếp cận thị trường, những lợi thế này có thể tương đương hoặc thậm chí lớn hơn những nhượng bộ thuế quan trong FTA.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức trong việc đối phó với những rào cản phi thuế quan, hoặc đàm phán lại với đối tác nhập khẩu để họ hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua rào cản. Ví dụ, thị trường EU đưa ra những tiêu chuẩn mới về hóa chất sử dụng trong các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng EU cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để giúp doanh nghiệp nắm bắt những điểm mới này.

Về phía doanh nghiệp

Như đã nói ở trên, mục tiêu và danh mục đàm phán Hiệp định EVFTA không dừng lại ở các lĩnh vực truyền thống, như: thương mại hàng hóa, dịch vụ…, mà còn mở rộng thêm nhiều lĩnh vực khác, gồm: sở hữu trí tuệ, mua sắm công, phát triển bền vững… Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động cập nhật thông tin về các cơ hội thị trường mà EVFTA mang lại, đặc biệt là thông tin về ưu đãi thuế liên quan đến hàm lượng giá trị gia tăng nội địa của các hàng hóa, dịch vụ và các hàng rào kỹ thuật khác. Từ đó, đóng góp ý kiến trong quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA để đảm bảo được lợi ích chính đáng.

Điều quan trọng không kém nữa là, doanh nghiệp phải nỗ lực đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm… để khẳng định vị trí trên sân nhà và tận dụng các cơ hội vươn ra thị trường EU.