Gia tăng kết nối xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc

T. Hà

​ Với vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng đảm bảo, Quảng Ninh là một trong những cửa ngõ để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này sang Trung Quốc, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp cần có sự hợp sức của các  cấp, các ngành…

Cán bộ hải quan Quảng Ninh hướng dẫn doanh nghiệp mở tờ khai hải quan
Cán bộ hải quan Quảng Ninh hướng dẫn doanh nghiệp mở tờ khai hải quan

Trong những năm qua, để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới, cải cách, tạo động lực khuyến khách các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Theo đó, Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục và công khai, minh bạch các quy trình thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, hạn chế tối đa việc phát sinh các chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.

Cùng với việc đẩy mạnh cải cách trên, thiết lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, Quảng Ninh đã, đang và sẽ tếp tục triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ để phát huy hiệu quả các lợi thế của Tỉnh, cụ thể:

Quảng Ninh tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu như: Đẩy nhanh việc nâng cấp xây dựng cầu tại cửa khẩu Hoành Mô, cửa khẩu Bắc Phong Sinh; rà soát mở rộng các kho, bãi tại khu vực cửa khẩu, đưa vào khai thác đường 18C nối cửa khẩu Bắc Phong Sinh đến thành phố Móng Cái. Quy hoạch và xây dựng khu vực lối mở Thán Sản – Pò Hèn và sớm công bố lối mở này để thông quan hàng hóa.

Đồng thời, thành lập Trung tâm giao dịch hàng hóa nông lâm thủy hải sản, hoa quả tại k hu vực cầu phao nổi Km3+4 Móng Cái. Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển hạ tầng kỹ thuật cho dịch vụ logistics; từng bước hình thành các trung tâm logistics tại các địa phương biên giới để kết nối hàng hóa xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh tăng cường kết nối giữa các tỉnh trong nước để tạo thành một kênh sản xuất – tiêu thụ thống nhất từ khâu kết nối thị trường tiêu thụ đến việc lựa chọn sản phẩm để sản xuất hầng hóa theo hướng tập trung phục vụ xuất khẩu, tăng năng lực cạnh tranh các sản phẩm có thế mạnh cửa khẩu, cảng biển của tỉnh.

Mặt khác, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động quảng bá và quản lý có hiệu quả việc sử dụng thương hiệu, sản phẩm lợi thế địa phương. Quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó, hỗ trợ cho một số doanh nghiệp có đầu tư sản xuất, chế biến hàng hóa nông sản, thủy sản đáp ứng đầy đủ các điều kiện, yêu cầu của nước nhập khẩu và là lòng cốt để hỗ trợ các cơ sở khác trong tỉnh phần nào chưa đáp ứng các điều kiện của nước nhập khẩu.

Đặc biệt, Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua xây dựng quy trình chuẩn hóa về nuôi trồng, sản xuất các loại nông sản, thủy sản; hướng dẫn kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, an toàn thực phẩm, mã vùng nuôi, mã doanh nghiệp, phương thức bảo quản, bao bì nhãn mác… cho các doanh nghiệp; gắn với kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá tiếp thị, xúc tiến thương mại, kết nối, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh.

Theo các chuyên gia, cùng với những giải pháp trên, để tận dụng hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường láng giềng lớn mạnh, thì cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong tỉnh.

Cụ thể, Ủy ban nhân dân các thành phố, huyện, thị xã và Hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh cần có định hướng, giải pháp tháo gỡ và vận động các doanh nghiệp chủ động chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh áp dụng tiếp bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất hàng hóa có hàm lượng giá trị tăng cao, chất lượng, có thế mạnh XK của địa phương và hỗ trợ, tăng cường xúc tiến hàng hóa xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật; không để các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại biên giới để buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Hiện nay, trên tuyến biên giới đất liền của tỉnh Quảng Ninh có 18 cửa khẩu, lối mở, điểm xuất hàng đã được công bố thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, tái xuất hàng hóa và hoạt động mua bán hàng hóa. Tại các cửa khẩu, lối mở, điểm xuất hàng đều được đầu tư cơ bản, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; có đầy đủ các lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, hiện, vẫn thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics; cơ sở hạ tầng logistics còn yếu và chưa đồng bộ; sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp và các khâu trong chuỗi hoạt động dịch vụ logistics chưa đồng bộ; dịch vụ logistics vẫn chưa có những giải pháp trọn gói, thiếu các dịch vụ gia tăng cho chuỗi cung ứng của chủ hàng.

Bên cạnh đó, hoạt động tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở biên giới tỉnh Quảng Ninh đang dần mất lợi thế do phía Trung Quốc thắt chặt kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là đối với các loại hàng hóa nhập khẩu từ nước thứ 3.