Người phát ngôn của Chính phủ

Giải đáp thắc mắc về chính sách điều hành kinh tế thời gian qua

PV.

Thời gian qua có rất nhiều vấn để dư luận quan tâm và bức xúc, đặc biệt liên quan đến tình hình kinh tế, tài chính trong nước và quốc tế, Chính phủ đã có thông báo với các cơ quan thông tấn, báo chí về nội dung trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ về các vấn đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

1. Về việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, Chính phủ đã đánh giá về tác động và chỉ đạo chính sách tiền tệ, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế như sau:

Việc Trung Quốc điều chỉnh giảm mạnh giá đồng Nhân dân tệ đã tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực và Việt Nam. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động điều chỉnh kịp thời và với cách thức phù hợp khi tăng biên độ tỉ giá giữa đồng Việt Nam và USD, có tính tới các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư... và bảo đảm lợi ích chung của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đánh giá tác động đến từng lĩnh vực, nhất là các thị trường ngoại tệ, chứng khoán, thị trường vàng, xuất nhập khẩu, đầu tư, cán cân thanh toán, ngân sách nhà nước, nợ công, nợ nước ngoài, sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế; thực hiện nhất quán điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường phối hợp, có đối sách phù hợp, tận dụng tác động tích cực, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ và các Bộ, ngành để đánh giá những biến động giảm mạnh của giá dầu thế giới, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán, những điều chỉnh của dòng vốn quốc tế sau khi Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ và việc điều chỉnh chính sách tỉ giá của nhiều nước trên thế giới, để đưa ra các đối sách phù hợp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành kiên định các mục tiêu điều hành đã đề ra, trong đó lấy ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu cao nhất; theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, khu vực; có phương án cho các kịch bản có thể xảy ra, kể cả trường hợp xấu nhất; chủ động thông tin tình hình, dự báo và các giải pháp để người dân, doanh nghiệp biết, ứng phó phù hợp.

2. Việc giá dầu thô thế giới giảm sâu có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách. Chính phủ đã chuẩn bị phương án để bảo đảm nguồn thu, cân đối ngân sách trong thời gian tới như sau:

Ngay từ đầu năm 2015, trước tình hình giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản điều hành bảo đảm nguồn thu, cân đối ngân sách nhà nước và tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2015. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu nội địa và xuất nhập khẩu để bù cho số giảm thu từ dầu thô.

Đến hết tháng 8/2015 tổng thu ngân sách nhà nước đạt 67,8% dự toán cả năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, thu nội địa đạt 71,9%, thu từ xuất nhập khẩu đạt 62,3%; riêng thu dầu thô mới chỉ đạt 50,7% dự toán. Các Bộ, ngành chức năng đã báo cáo Chính phủ các kịch bản ứng phó, kể cả kịch bản giá dầu tiếp tục giảm sâu. Bộ Tài chính khẳng định với giá dầu như hiện nay, thu ngân sách nhà nước năm 2015 vẫn bảo đảm theo kế hoạch đề ra và quyết tâm thực hiện thu đạt và vượt dự toán.

3. Việc bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Hội đồng tiền lương Quốc gia chưa thành công do đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không đồng thuận. Người Phát ngôn của Chính phủ cho biết ý kiến như sau:

Khoản 2 Điều 91 Bộ luật Lao động quy định: “Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia”.

Ngày 03 tháng 7 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng tiền lương Quốc gia, gồm 15 thành viên là đại diện của 3 bên: (1) Đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; (2) Đại diện cho người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ; (3) Đại diện cho Chính phủ là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hàng năm, Hội đồng tiền lương Quốc gia tính toán, thương lượng và thống nhất mức lương tối thiểu vùng để khuyến nghị Chính phủ xem xét, quyết định.

Qua 2 năm thực hiện cho thấy, để đạt được sự thống nhất tương đối về mức lương tối thiểu khuyến nghị Chính phủ thì Hội đồng tiền lương Quốc gia thường phải thương lượng nhiều lần (năm 2014 là 3 lần) và trong từng lần mỗi bên đều có phân tích, tính toán mức lương tối thiểu dựa trên các yếu tố có lợi hơn cho bên mình đại diện nên kết quả thường có sự chênh lệch.

Hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chưa đồng thuận về mức lương tối thiểu. Theo quy định, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ tiếp tục thảo luận, thương lượng một lần nữa. Trường hợp vẫn chưa đạt được sự đồng thuận thì Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ chọn phương án phù hợp để báo cáo Chính phủ.

Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016.

4. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính có văn bản kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu phí xe máy từ 01/01/2016 và sửa đổi nghị định theo hướng bỏ quy định thu phí xe máy. Người Phát ngôn của Chính phủ cho biết dự kiến làm việc của Chính phủ về vấn đề này như sau:

Ngày 3/8/2015, Bộ Giao thông vận tải có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét tạm dừng việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô kể từ ngày 01/01/2016; đồng thời đề nghị Chính phủ cho phép sửa đổi Nghị định số 18/2012/NĐ-CP theo hướng bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô.

Theo Quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi lấy ý kiến các Bộ, cơ quan, địa phương. Đến nay, Văn phòng Chính phủ mới nhận được ý kiến của Bộ Tài chính và một số cơ quan liên quan, cơ bản thống nhất với đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.

Văn phòng Chính phủ đang tổng hợp ý kiến của các Bộ, cơ quan có liên quan và dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa nội dung này vào chương trình phiên họp Chính phủ tháng 9/2015.