Giải đáp vướng mắc về thuế cho doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm

PV.

Trước những thắc mắc về chính sách thuế của doanh nghiệp (DN) lương thực thực phẩm và Hiệp hội lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, đại diện Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã giải đáp thỏa đáng các vướng mắc của DN và Hiệp hội.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Hữu Thông
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Hữu Thông

Ngành công nghiệp lương thực thực phẩm là một trong những ngành kinh tế trọng yếu của TP. Hồ Chí Minh cần được chú trọng đầu tư phát triển. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có hơn 1.700 DN sản xuất, chế biến, liên quan đến lĩnh vực lương thực thực phẩm với quy mô doanh số trên 100.000 tỷ đồng/năm.

Nhiều DN chưa hiểu về chính sách thuế

Vừa qua, các DN ngành lương thực thực phẩm nông, lâm, thủy, hải sản và Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã có buổi đối thoại chính sách thuế với Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh.

Tại buổi đối thoại, các DN và Hiệp hội lương thực thực phẩm đã thẳng thắn trao đổi các ý kiến, nêu lên các vướng mắc khó khăn về chính sách thuế mà các DN gặp phải như sai sót đối với các loại mặt hàng phải chịu thuế và không chịu thuế, sản phẩm sơ chế và chế biến, hóa đơn đầu vào, hóa đơn đầu ra, thuế GTGT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân…

Đại diện công ty TNHH Bách hóa 63A, Quận 12 nêu ý kiến: DN lấy 2 nguồn hàng thủy sản từ Phan Thiết và Cà Mau để về bán tươi sống và chế biến cho người có nhu cầu tiêu thụ. DN kinh doanh buôn bán qua mạng, khi khách hàng có nhu cầu thì công ty sẽ chế biến và đem đến tận nhà, vậy thuế suất cho việc bán hàng tươi sống và đã chế biến là mức bao nhiêu %?

Một DN kinh doanh thực phẩm băn khoăn, DN đã hoạt động được mấy tháng nay, thường mua thực phẩm như thịt heo, cá, tôm… ở chợ đầu mối Thủ Đức, sau đó bán lại cho 1 công ty khác để chế biến cho suất ăn ở khu công nghiệp. Trong khi DN này mua hàng ngoài chợ thì không có hóa đơn nhưng khi bán ra thì khách hàng lại đòi xuất hóa đơn. Lãnh đạo DN này ta thán rằng: "Điều này rất khó cho DN".

Nhiều ý kiến DN cho rằng những chính sách ưu đãi thuế trong lĩnh vực lương thực thực phẩm bị chia ra quá nhiều mục khiến DN chưa hiểu hết, áp dụng còn sai lệch.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, hiện hơn 90% DN thuộc hiệp hội là các DN nhỏ và vừa, đa phần hạn chế về vốn, trình độ thấp, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, gặp khó về đầu ra sản phẩm... Nhiều DN chưa hiểu rõ chính sách thuế của Nhà nước. Chính vì vậy, các DN đang đứng trước áp lực cạnh tranh vô cùng lớn trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu với sự xâm nhập của nhiều DN lớn.

Trước những khó khăn trên, bà Chi kiến nghị không đưa chè, cà phê vào mặt hàng có thuế suất tiêu thụ đặc biệt. Vì đây là những mặt hàng phục vụ chủ yếu là đối tượng công nhân và nông dân. Nếu tăng giá mặt hàng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu, thói quen tiêu dùng của người có thu nhập thấp, đồng thời ảnh hưởng tới các vùng sản xuất nguyên liệu, nhà sản xuất và DN.

Giải đáp thỏa đáng

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã giải đáp các thắc mắc của DN.

Theo đó, đối với DN bán mặt hàng thủy sản đã qua chế biến thì sẽ áp dụng thuế suất 10%. Còn đối với thủy sản chưa chế biến nếu bán cho DN hay Hợp tác xã thì không tính thuế, nhưng phải có hợp đồng mua bán và thuế đầu vào thì mình vẫn được khấu trừ, bán cho cá nhân tiêu dùng thì tính mức thuế suát 5%.

Trường hợp DN mua hàng của các hộ kinh doanh ở chợ, về nguyên tắc các hộ kinh doanh trên mức 100 triệu/tháng sẽ thuộc đối tượng phải nộp thuế và khai báo nộp thuế với cơ quan thuế, trong tình huống đó, nếu hộ kinh doanh có nhu cầu sử dụng hóa đơn thường xuyên thì cơ quan thuế vẫn cấp hóa đơn quyển cho họ để họ suất khách hàng.

Trong trường hợp hộ kinh doanh nộp thuế khoán, thì khi mua hàng DN yêu cầu hộ kinh doanh suất hóa đơn, họ sẽ liên hệ với Chi cục thuế, các chi cục thuế sẽ bán hóa đơn cho hộ kinh doanh để xuất cho DN. Hoặc DN sẽ lấy hóa đơn bán hàng trực tiếp của hộ kinh doanh làm cơ sở khấu trừ chi phí.

Ngoài ra, đại diện Cục Thuế Thành phố cũng đã giải đáp thắc mắc DN ngành lương thực thực phẩm nông, lâm, thủy, hải sản với những vấn đề liên quan đến các chính sách thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, những sai sót DN thường gặp trong quá trình sản xuất kinh doanh…

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Thuế cũng ghi nhận nhiều kiến nghị của các DN xung quanh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các chính sách thuế. Qua đó, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người nộp thuế, với mong muốn mang lại sự hỗ trợ tốt nhất cho DN.

Ông Nguyễn Nam Bình - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho hay, Cục Thuế Thành phố sẽ ghi nhận những thông tin của DN, Hiệp hội lương thực thực phẩm đưa ra về chính sách thuế, để Cục thuế Thành phố chia sẻ, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN.

"Cục thuế Thành phố sẽ luôn đồng hành cùng DN, đối với những khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế của DN vượt quá thẩm quyền, Cục Thuế sẽ báo cáo với các cấp thẩm quyền xử lí, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong quá trình sản xuất kinh doanh", ông Nguyễn Nam Bình cho biết.