Giải pháp cần thiết tăng bội chi

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Năm 2013, kinh tế khó khăn, ngân sách hụt thu, nhưng điều đáng quan ngại là triển vọng kinh tế 2014 không có nhiều sáng sủa. Điều này đòi hỏi cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế. Chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Văn, Phó Chủ nhiệm, Trưởng Tiểu ban đầu tư công Ủy ban Tài chính - Ngân sách, xung quanh vấn đề này.

Giải pháp cần thiết tăng bội chi
Tăng bội chi là cấn thiết nhưng phải tập trung vào công trình cụ thể có hiệu quả. Nguồn: saigondautu.com.vn
Phóng viên: Theo báo cáo của Chính phủ, thu ngân sách năm 2013 ước gần 790.800 tỷ đồng, giảm 25.200 tỷ đồng (3,1%) so với dự toán. Nhận định của ông về vấn đề này?

Ông Trần Văn: Năm 2013, nền kinh tế tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn dẫn đến hụt thu ngân sách so với dự toán. Cùng với đó, Chính phủ phải thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Đặt trong bối cảnh đó, việc hụt thu là điều khó tránh khỏi, vấn đề quan trọng là hụt thu bao nhiêu.

Theo báo cáo của Chính phủ, nếu loại trừ các khoản ghi thu ngân sách (38.400 tỷ đồng), thu cân đối ngân sách nhà nước chỉ đạt hơn 752.300 tỷ đồng, giảm 63.600 tỷ đồng (7,8%) so với dự toán. Có nhiều ý kiến băn khoăn về khoản ghi thu, ghi chi này lãng phí và tùy tiện (số khoản thu phí, lệ phí để lại cho đơn vị chi theo chế độ quy định của cấp có thẩm quyền nhưng phải phản ánh vào ngân sách nhà nước...).

Nhưng theo tôi, các khoản ghi thu, ghi chi đều phải thực hiện theo dự toán đã được phê duyệt, quyết định và phải tuân thủ đúng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, do vậy được kiểm soát chặt chẽ. Vì thế, tôi nghĩ không có chuyện tùy tiện.

Nhiều ý kiến cho rằng sự trì trệ của nền kinh tế hiện nay do quá thiên về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thắt chặt quá mức các nguồn lực cho tăng trưởng. Vì vậy, có cần sự thay đổi định hướng chính sách?

Tổng mức đầu tư toàn xã hội đang có sự sụt giảm, từ khu vực nhà nước đến khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài, dân doanh. Do vậy, để duy trì đầu tư ở mức hợp lý, phục hồi đầu tư tư nhân, Nhà nước nên tăng tỷ trọng đầu tư, đặc biệt vào các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia.

Chẳng hạn đầu tư mở rộng các tuyến Quốc lộ 1A, 14... Đây là các dự án quan trọng nên cần tập trung đầu tư dứt điểm trong thời gian sớm để đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả. Chính vì vậy, Chính phủ đề xuất phát hành trái phiếu chính phủ vượt mức đã được Quốc hội phê duyệt giai đoạn 2011-2015.

Tôi nghĩ đây là giải pháp cần thiết trên cơ sở cân đối các vĩ mô khác. Hiện nay cũng cần phải có nguồn vốn từ Nhà nước mang tính chất dẫn dắt, vốn mồi để các thành phần kinh tế, khác có thể tham gia. Và thực tế việc có nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án Quốc lộ 1A, 14, hay các dự án BOT... được triển khai thời gian qua cho thấy đây là hướng đi tích cực. Khi kinh tế ổn định sẽ hướng tới việc giảm dần tỷ trọng đầu tư của Nhà nước.

Quốc hội đưa ra trần bội chi là 4,8% GDP, còn báo cáo của Chính phủ đề xuất nâng lên 5,3%, nhưng cũng có ý kiến không nên vượt trần quy định đã đề ra bởi lo ngại sẽ tăng nợ công. Theo ông giải pháp nào là hợp lý?

Khi kinh tế càng khó khăn, chi cho an sinh xã hội ngày càng nhiều lên, nhưng lại nghịch lý trong bối cảnh thu ngân sách giảm. Tuy nhiên, tăng bội chi ngân sách để bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội đặt trong hoàn cảnh hiện nay cũng là cần thiết.

Tôi chỉ nhấn mạnh phần bội chi tăng thêm cần được tập trung cho chi đầu tư phát triển với danh mục công trình cụ thể, có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả cao nhất. Bởi lẽ, theo tôi phải có giải pháp linh hoạt để xử lý trong các tình huống cụ thể. Trong bối cảnh khó khăn vẫn phải có những lựa chọn tình huống. Bội chi cũng sẽ bù đắp các khoản ngân sách đã hụt thu và không gây ảnh hưởng nhiều đến dự toán chi.

Điều cần lưu ý là tăng bội chi thông qua phát hành trái phiếu chính phủ tất nhiên sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, theo tính toán của Chính phủ, khi tăng bội chi, dư nợ công chiếm 56,2% GDP, vậy vẫn nằm trong giới hạn an toàn. Mọi tính toán về vay nợ phải tính toán để làm sao nằm trong trần cho phép cũng như chiến lược vay và trả nợ quốc gia đến năm 2015 tầm nhìn 2020 đã được Quốc hội quyết định.

Nhưng năm 2014 nền kinh tế được dự báo vẫn khó khăn, thu ngân sách sẽ đối mặt với những nan giải mới?

Như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhận định, năm 2014 có khả năng hụt thu ở mức cao hơn, nên khó đạt chỉ tiêu đến năm 2015 bội chi ngân sách, kể cả trái phiếu chính phủ dưới 4,5% GDP theo Nghị quyết của Quốc hội.

Kinh tế vĩ mô chưa có các yếu tố bền vững, các yếu tố phi thị trường  vẫn còn tiềm ẩn. Tôi cho rằng Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện các giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế, giúp DN vượt khó. Bên cạnh đó là tăng cường kỷ cương tài chính, chi tiêu hợp lý dựa trên sức chịu đựng của ngân sách.

Xin cảm ơn ông.