Giải pháp đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam

ThS. Nguyễn Minh Thủy

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt góp phần đưa thị trường thanh toán tại Việt Nam phát triển theo hướng đổi mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế. Thời gian qua, Chính phủ và ngành Ngân hàng đã và đang nỗ lực hoàn thiện khung khổ pháp luật hỗ trợ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển. Đến nay, phương thức thanh toán này đang được nghiên cứu đưa vào áp dụng đồng bộ trên nền tảng công nghệ hiện đại với nhiều tính năng ưu việt trong toàn hệ thống ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt

Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, hoạt động thanh toán tại Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng dần được kiện toàn, cơ sở hạ tầng đã được hệ thống ngân hàng chú trọng và đầu tư đổi mới, hiện đại hóa.

Nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng công nghệ hiện đại cũng đã được nghiên cứu, đưa vào triển khai, áp dụng phù hợp với xu thế thanh toán quốc tế. Cụ thể như: Năm 2010, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được ban hành, trong đó đã bổ sung một số quy định trong lĩnh vực thanh toán.

Tiếp đó, một số văn bản Luật như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Các công cụ chuyển nhượng… cũng được ban hành, góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của hệ thống thanh toán.

Thực hiện các chủ trương, chính sách trên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện pháp lý cho hệ thống ngân hàng phát triển dịch vụ thanh toán mới cũng như tạo sự yên tâm cho người sử dụng dịch vụ, đó là:

Nghị định số 35/2007/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử hoạt động ngân hàng; Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt; Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và một số văn bản khác liên quan trong lĩnh vực tài chính và thương mại.

Với nền tảng, cơ sở chính sách trên, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đã triển khai nhiều bước đi cụ thể và từng bước tạo lập được một hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thanh toán tiên tiến, tạo sự chuyển biến tích cực đối với việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công, doanh nghiệp...

Khảo sát cho thấy, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng kết nối với 66 đơn vị thuộc NHNN và gần 800 đơn vị thành viên trực tiếp thuộc 97 TCTD trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu thanh, quyết toán tức thời với số lượng giao dịch thanh toán ngày càng tăng của nền kinh tế.
Hầu hết các NHTM đã thiết lập được hệ thống ngân hàng lõi (core banking), phát triển hệ thống thanh toán nội bộ với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, cho phép cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.

Việc phát triển dịch vụ giao dịch, chuyển khoản để hạn chế thanh toán bằng tiền mặt cũng được các NHTM quan tâm phát triển thông qua việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước triển khai dịch vụ thu ngân sách. Điển hình như: Ký thỏa thuận hợp tác với Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế triển khai thu hộ ngân sách nhà nước, bảo lãnh thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử...

Ngoài ra, để gia tăng tiện ích và đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch của khách hàng, các ngân hàng triển khai thêm tính năng chuyển khoản theo lô và chuyển khoản định kỳ đối với dịch vụ ngân hàng điện tử. Cụ thể, với tính năng chuyển khoản theo lô, khách hàng có thể tiết kiệm tối đa thời gian khi thực hiện lệnh chuyển khoản lên đến 50 người thụ hưởng cùng một lúc, tại bất kỳ ngân hàng nào chỉ bằng một lần nhấp chuột, thay vì phải thực hiện từng lệnh chuyển tiền.

Đối với tính năng chuyển khoản định kỳ của dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng giúp khách hàng dễ dàng thực hiện các giao dịch thanh toán một cách nhanh chóng, theo kế hoạch chi tiêu mà không cần đến giao dịch trực tiếp tại ngân hàng hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Như vậy, thay vì phải thực hiện các giao dịch giống nhau hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng, khách hàng có thể đặt lệnh chuyển khoản định kỳ theo lịch trình đặt trước. Đến ngày thanh toán theo lịch đã hẹn, các giao dịch sẽ được thực hiện đúng với số tiền và thông tin chi tiết mà khách hàng đã đặt trong lệnh chuyển khoản...

Giải pháp đẩy nhanh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt

Với những tính năng và tiện ích mà dịch vụ đem lại, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành một xu thế tất yếu của thời đại công nghệ số. Dự kiến, trong thời gian tới, theo đà phát triển của xã hội và theo nhu cầu của thị trường, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giữ một vị trí cực kỳ quan trọng trong việc lưu chuyển tiền tệ và trong thanh toán giá trị của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia, hệ thống thanh toán Việt Nam còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và thế giới; thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế vẫn còn lớn, nhất là trong khu vực dân cư; tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán, tỷ lệ tiền mặt/GDP của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước. Bởi vậy, chúng ta cần nhận diện các nguyên nhân cơ bản làm hạn chế hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đối với nền kinh tế Việt Nam.

Một là, thói quen sử dụng tiền mặt và nhận thức của người dân: Tiền mặt là một công cụ được ưa chuộng trong thanh toán và từ lâu đã trở thành thói quen khó thay đổi của người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp. Điều này cũng dễ hiểu bởi nền kinh tế nước ta vẫn còn kém phát triển, người dân chưa có cơ hội tiếp cận với các phương tiện thanh toán hiện đại.

Hai là, hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán chưa hoàn thiện: Mặc dù, trong thời gian vừa qua hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán đã cải thiện nhiều, song vẫn được đánh giá là chưa đầy đủ và đồng bộ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thanh toán điện tử và thương mại điện tử...

Ba là, kinh tế không chính thức: Việt Nam vẫn là quốc gia có nền kinh tế phi chính thức phát triển với đặc điểm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo quy mô nhỏ, lẻ.

Bốn là, tội phạm trong lĩnh vực thanh toán gia tăng: Gian lận phát sinh chủ yếu liên quan đến gian lận tài khoản thẻ và thẻ giả, tiếp sau là các loại hình khác như thẻ mất cắp, thất lạc… Gần đây, ở nước ta xuất hiện tình trạng đáng lo ngại khi các nhóm tội phạm nước ngoài sử dụng công nghệ cao để ăn cắp từ các tài khoản cá nhân…

Nhằm khắc phục những rào cản trên, ngày 1/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều nội dung mới. Tuy nhiên, để đẩy nhanh hơn nữa hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian tới, Việt Nam cần thiết triển khai một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt để đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là cho các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử như tiền điện tử, thẻ ảo…

Thứ hai, cần có kế hoạch nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng theo hướng: Điều chỉnh mô hình xử lý bù trừ, chuyển sang mô hình xử lý tập trung tại Trung tâm Xử lý Quốc gia; nâng cao năng lực, hiệu suất xử lý của hệ thống tại Trung tâm Xử lý Quốc gia; Tiến tới bổ sung thêm chức năng thanh quyết toán ngoại tệ, xây dựng cấu phần hệ thống thanh toán ngoại tệ liên ngân hàng; mở rộng kết nối hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng với các hệ thống thanh toán khác; nghiên cứu, áp dụng chuẩn tin điện tử tài chính quốc tế ISO 20022…

Thứ ba, tiếp tục phát triển, kết hợp sắp xếp, hợp lý hóa mạng lưới ATM và POS; phát triển mạnh dịch vụ thanh toán thẻ thông qua thiết bị kết nối với điện thoại di động; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chung đối với thẻ chip nội địa, tạo tiêu chuẩn chung cho thị trường thẻ Việt Nam nhằm thống nhất việc quản lý, định hướng kỹ thuật đối với hoạt động phát hành thẻ ngân hàng tại Việt Nam; nghiên cứu và xây dựng hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động phục vụ giao dịch bán lẻ phù hợp với xu hướng quốc tế.

Tài liệu tham khảo:  

1. Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt ban hành ngày 1/7/2016;

2. Chuyên đề Hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ (Đề tài Nghiên cứu tại Sở giao dịch I - Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam);

3. Đề tài Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp. TS. Nguyễn Thanh Mai –Học viện Ngân hàng.