Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trên thị trường chứng khoán

ThS. ĐẶNG TÀI AN TRANG - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế trong nền kinh tế, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Để nâng cao khả năng tiếp cận và huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán cũng như chất lượng của các doanh nghiệp, trong những năm qua nhiều cơ chế, chính sách đã tiếp tục được hoàn thiện, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, hệ thống luật pháp trong nước và từng bước tiếp cận thông lệ quốc tế. Những cơ chế, chính sách này đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực và cần được bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế trong nền kinh tế. Nguồn: internet
Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế trong nền kinh tế. Nguồn: internet

Khẳng định vai trò quan trọng trong huy động vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế

Việc ra đời thị trường chứng khoán (TTCK) ở Việt Nam được đánh giá là một trong những sự kiện nổi bật về những thành tựu đạt được trong tiến trình cải cách, đổi mới kinh tế ở nước ta, qua đó đã góp phần hoàn thiện nền kinh tế thị trường, hệ thống tài chính – tiền tệ theo hướng hiện đại và hình thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Từ mốc ban đầu chỉ có 2 doanh nghiệp (DN) niêm yết với vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP vào năm 2000, đến nay, TTCK Việt Nam đã có 686 công ty niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán và trên 300 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM, quy mô niêm yết đã tăng 1.928 lần. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 1.538 nghìn tỷ đồng, tăng 1.560 lần so với năm 2000 và tăng 2 lần so với năm 2010. Giá trị dư nợ trái phiếu hiện chiếm khoảng 24% GDP, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đến tháng 6/2016 đạt trên 37% GDP.

Tính chung cả cổ phiếu và trái phiếu, quy mô TTCK chiếm khoảng 61% GDP. Giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân hiện nay đạt gần 2.790 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 2.000 lần so với năm 2000. Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK từ khi khai trương hoạt động đến nay đã đạt trên 2 triệu tỷ đồng (giai đoạn 2011 đến nay, mức huy động vốn qua TTCK đã đạt 1,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 4,7 lần so với giai đoạn 2005-2010), trong đó quy mô huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và đấu giá cổ phần hóa đạt khoảng gần 600 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TTCK đã trở thành kênh phân phối chính của hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ, huy động vốn cho ngân sách nhà nước. Như vậy, tính riêng trong 10 năm trở lại đây, quy mô huy động vốn qua TTCK đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ lệ này ngày càng có xu hướng tăng lên (6 tháng 2016 đạt 37%). Điều này cho thấy, TTCK đang ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế trong nền kinh tế, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Để nâng cao khả năng tiếp cận và huy động vốn của các DN trên TTCK cũng như chất lượng của các DN, trong những năm qua nhiều cơ chế, chính sách đã tiếp tục được hoàn thiện, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, hệ thống luật pháp trong nước và từng bước tiếp cận thông lệ quốc tế.

Để gắn công tác cổ phần hóa, thoái vốn với việc niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán và đã ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn về chào bán chứng khoán ra công chúng, hướng dẫn về đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết...

Các văn bản trên đã góp phần tạo điều kiện thúc đẩy các DN sau cổ phần hóa đáp ứng đủ điều kiện công ty đại chúng thực hiện việc giao dịch trên thị trường có tổ chức, qua đó góp phần thúc đẩy trở lại quá trình cổ phần hóa DNNN. Thông qua hoạt động niêm yết, đăng ký giao dịch, các DN cũng mở rộng cơ hội, điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, các quy định về chào bán cũng đã được hoàn thiện theo hướng tiếp cận dần với thông lệ quốc tế và phù hợp thực tiễn thị trường, vừa đảm bảo tính chặt chẽ, vừa tháo gỡ các vướng mắc nhằm tạo điều kiện cho các DN huy động vốn qua TTCK; Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với hoạt động chào bán chứng khoán và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về công bố thông tin, quản trị công ty và xây dựng cơ chế bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đã tiếp tục được hoàn thiện như các quy định hướng dẫn hoạt động công bố thông tin và quản trị công ty, đồng thời bảo đảm phù hợp với Luật DN mới nhằm tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng quản trị công ty. Các chuẩn mực kiểm toán (47 chuẩn mực) cũng đã được ban hành và từng bước nghiên cứu áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) để giúp phản ánh chính xác hơn tình hình tài chính cũng như hoạt động của các DN.

Đồng thời, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã đưa ra các chính sách phát triển, hỗ trợ thanh khoản trên thị trường thứ cấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác huy động vốn của DN trên thị trường sơ cấp như áp dụng các quy định mới về giao dịch nhằm tăng tính thanh khoản như cho phép vừa mua vừa bán; thực hiện rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 theo thông lệ quốc tế tốt nhất qua đó hỗ trợ thúc đẩy giao dịch, triển khai hệ thống CCP, SBL; từng bước áp dụng giao dịch trong ngày...

Ngoài ra, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang triển khai các giải pháp để nâng hạng thị trường, về cơ bản đã tháo gỡ và đáp ứng một số tiêu chí quan trọng như mở rộng sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở quy định của pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế; đơn giản hóa việc đăng ký, mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài, các giải pháp tăng quy mô, độ lớn của thị trường, khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh...

Các giải pháp trên một mặt thúc đẩy sự phát triển thị trường thứ cấp, tăng sự hấp dẫn của TTCK, thu hút dòng vốn trong và ngoài nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường sơ cấp, nâng cao khả năng huy động vốn của các DN trên TTCK.

Về thị trường trái phiếu DN (TPDN), tại Việt Nam đã tồn tại hầu hết các loại TPDN phổ biến trên thế giới, gồm trái phiếu có thể/không chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền, trái phiếu có/không có bảo đảm, trái phiếu có thể mua/bán lại trước hạn, trái phiếu có lãi suất cố định, trái phiếu có lãi suất thả nổi... Hiện nay, thị trường trái phiếu DN Việt Nam mới chỉ đạt quy mô 2,5% GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của khu vực ASEAN+3 là 21,7% GDP. Do đó, tiềm năng phát triển của thị trường TPDN Việt Nam còn rất lớn.

Hành lang pháp lý hiện hành về thị trường TPDN đã có quy định đầy đủ cho cả 2 hình thức: phát hành dưới hình thức đại chúng và phát hành riêng lẻ. Hiện tại, TPDN chủ yếu được phát hành theo hình thức riêng lẻ, chiếm gần đến 99% khối lượng phát hành toàn thị trường. Các công ty phát hành chưa được xếp hạng tín nhiệm bởi các hãng định mức tín nhiệm chuyên nghiệp.

Để tiếp tục hoàn thiện và phát triển thị trường TPDN, qua đó nâng cao khả năng huy động vốn cho các DN, hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang triển khai, phối hợp xây dựng Đề án phát triển thị trường TPDN; đồng thời Nghị định số 84/2014/NĐ-CP quy định dịch vụ xếp hạng tín nhiệm làm sẽ cơ sở cho việc phát triển các tổ chức định mức tín nhiệm cho thị trường TPDN.

Các giải pháp tăng cường huy động vốn qua thị trường chứng khoán

Để tiếp tục thúc đẩy TTCK trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các DN, trong thời gian tới cơ quan quản lý sẽ chú trọng một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn và gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch; bổ sung chế tài xử lý các DNNN cổ phần hóa chưa thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK; tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại DN. Nghiên cứu triển khai hướng dẫn chào bán và niêm yết cổ phiếu không có quyền biểu quyết (non-voting shares).

- Nghiên cứu bổ sung quy định hướng dẫn nghiệp vụ chào bán, phát hành theo phương pháp dựng sổ (book building) vào Nghị định về cổ phần hóa và xây dựng văn bản hướng dẫn. Về lâu dài, dự kiến sẽ xây dựng phương thức dựng sổ áp dụng cho các DNNN cổ phần hóa bán cổ phần lần đầu cũng như chào bán cổ phiếu ra công chúng của công ty cổ phần nói chung nhằm tăng làm tăng tính hấp dẫn, thu hút sự giam gia của các nhà đầu tư tổ chức, nước ngoài.

- Tăng cường công bố thông tin về cổ phần hóa DNNN: tiếp tục hoàn thiện quy định về thời hạn công bố thông tin cổ phần hóa đối với từng DN để các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài có thời gian xem xét, nghiên cứu và chuẩn bị nguồn vốn cần thiết để tham gia đấu giá.

Hai là, tiếp tục tăng cường chất lượng hàng hóa

- Nghị định quản trị công ty sẽ được ban hành trong năm 2016 nhằm cụ thể hóa các nguyên tắc quản trị công ty tốt và phù hợp với Luật DN 2014, cũng như thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ-CP và thông tư hướng dẫn cũng sẽ được ban hành nhằm đảm bảo chế tài có tính bao quát, xử phạt được các hành vi vi phạm mới trên thị trường, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường.

- Tiếp tục củng cố, tăng cường công tác giám sát công ty đại chúng, trong đó chú trọng thực hiện các biện pháp cải tiến thị trường đăng ký giao dịch (UpCoM), rà soát và hoàn chỉnh lại các quy định về thị trường UPCoM, đồng thời thực hiện phân mảng cổ phiếu trên thị trường UpCoM và tăng cường giám sát.

- Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, định giá nhằm góp phần nâng cao chất lượng báo cáo tài chính, bảo đảm phản ánh sát thực tình hình hoạt động của DN.

Ba là, phát triển thị trường TPDN

- Trước mắt cần tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển thị trường TPDN nhằm hỗ trợ các DN huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ triển khai xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP về trái phiếu DN; nghiên cứu cơ chế chính sách khuyến khích các công ty đưa trái phiếu lên niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán; Tiếp đó, sẽ hoàn chỉnh thị trường và hội nhập khu vực, cụ thể sẽ triển khai kết nối cổng thông tin trái phiếu với ASEAN +3, tiến tới kết nối thị trường phát hành/ giao dịch/thanh toán trái phiếu với ASEAN +3.

- Triển khai có hiệu quả Nghị định 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Việc thành lập các tổ chức định mức tín nhiệm, khuyến khích các tổ chức nước ngoài thành lập hoặc tham gia thành lập công ty định mức tín nhiệm tại Việt Nam sẽ được đẩy nhanh nhằm từng bước hình thành và phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong nước, phấn đấu đến năm 2020 các đợt phát hành TPDN đều được xếp hạng tín nhiệm theo như Quyết định 507/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Ban hành các cơ chế, chính sách về thuế, phí, đơn giản hóa thủ tục đầu tư nhằm khuyến khích sự tham gia của các định chế đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường vốn, thị trường trái phiếu như quỹ hưu trí, các loại hình quỹ đầu tư và các định chế trung gian như công ty xếp hạng tín nhiệm.

Bốn là, đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán và đưa vào vận hành TTCK phái sinh.

- Hoàn thiện các quy trình, quy chế của Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán, hoàn tất hạ tầng, hệ thống công nghệ để đưa TTCK phái sinh vào hoạt động trong đầu năm 2017; trước mắt là sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu và chỉ số.

- Từng bước triển khai sản phẩm liên kết đầu tư, sản phẩm cơ cấu; triển khai sản phẩm covered warrant; xây dựng bộ chỉ số chung cho toàn TTCK.

- Triển khai quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện theo Nghị định 88/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện nhằm tăng sức cầu đối với thị trường.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện giải pháp thúc đẩy thị trường thứ cấp và khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước

- Tiếp tục nghiên cứu triển khai quy định về giao dịch theo Thông tư 203/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 hướng dẫn về giao dịch trên TTCK, bảo đảm an toàn, có lộ trình; hoàn thiện quy chế giao dịch ký quỹ và tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam trên bảng xếp hạng MSCI nhằm tăng tính hấp dẫn của thị trường, thu hút sự tham gia của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

- Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các quỹ đầu tư tư nhân, đầu tư mạo hiểm nhằm thúc đẩy khả năng huy động vốn của DN.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại DN và triển khai hướng dẫn chào bán và niêm yết cổ phiếu không có quyền biểu quyết (non-voting shares).

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo thường niên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

2. ssc.gov.vn;

3. hsx.vn;

4. hnx.vn.