Giải pháp nâng cao hiệu quả thu ngân sách nhà nước tại tỉnh Bình Thuận

ThS. Phan Thị Thanh Trường, ThS. Đoàn Phan Thái - Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận

Cùng với sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính thuế, tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, năm 2017, công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã vượt so với kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2017 của Bình Thuận đạt 9.592 tỷ đồng, bằng 119,5% dự toán, tăng 5,7% so với năm 2016. Kết quả này đã đóng góp tích cực, có hiệu quả vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh. Bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kết quả tích cực trong công tác thu ngân sách

Trong năm qua, bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, đồng thời triển khai thực hiện các chính sách thuế mới để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) đã tác động làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách cũng như tạo áp lực lớn cho công tác điều hành thu ngân sách của cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng.

Năm 2017, dự toán tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đạt 8.025 tỷ đồng, trong đó thu nội địa (không kể thu dầu thô) đạt 5.955 tỷ đồng, thu từ dầu thô là 1.650 tỷ đồng và thu từ xuất khẩu, nhập khẩu là 420 tỷ đồng. Kết quả thu NSNN của tỉnh Bình Thuận năm 2017 đã đạt được kết quả cao, vượt mức kế hoạch đề ra, với tổng thu NSNN trên địa bàn Tỉnh đạt 9.592 tỷ đồng, bằng 119,5% dự toán, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, thu nội địa đạt 6.119 tỷ đồng, bằng 102,8% dự toán và tăng 9,7% so với cùng kỳ.

Có 11/17 khoản thu đạt và vượt dự toán thu nội địa và tăng so với cùng kỳ, 10/10 huyện, thị xã, thành phố có số thu vượt dự toán. Năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch 5 năm (2016-2020), Cục thuế tỉnh Bình Thuận đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm và hoàn thành, vượt dự toán được giao.

Trong năm 2017, Cục Thuế Tỉnh đã kiểm tra việc kê khai và thực hiện nộp thuế đối với gần 740 DN, số thuế truy thu và xử phạt 15,5 tỷ đồng, xử lý thu hồi nợ đọng được 215 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thu ngân sách nhà nước tại tỉnh Bình Thuận - Ảnh 1

Để hoàn thành kế hoạch dự toán thu, trong năm 2017, Cục Thuế tỉnh Bình Thuận triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, khai thác nguồn thu, tăng cường công tác thanh, kiểm tra chống thất thu thuế, trốn thuế, tập trung xử lý nợ thuế.

Đồng thời, triển khai kịp thời các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Trung ương và địa phương về những giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017; cùng với đó là đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường cho cộng đồng DN trên địa bàn Tỉnh.

Tỉnh Bình Thuận đã triển khai có hiệu quả 4 Đề án quản lý thuế: Kinh doanh xăng dầu; Kinh doanh dịch vụ du lịch; Kinh doanh vận tải bằng ô tô và Ủy nhiệm thu thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán; Tập trung triển khai tốt công tác quản lý thu thuế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các DN và người nộp thuế…

Kết quả thu ngân sách như trên cũng thể hiện sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, các cấp, ngành, chính quyền địa phương.

Sự phối hợp với các phòng, ban, ngành và chính quyền các xã, thị trấn, làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND Tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp chỉ đạo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch tạo nguồn tăng thu cho ngân sách cùng sự nỗ lực cố gắng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế nên kết quả thu NSNN trên địa bàn năm 2017 hoàn thành vượt mức dự toán của Ngành và của Tỉnh giao.

Một số đề xuất và kiến nghị

Theo Nghị quyết số 34/NQ-HĐND về dự toán thu NSNN trên địa bàn, chi ngân sách địa phương; phương án phân bổ ngân sách năm 2018 của HĐND tỉnh Bình Thuận, trong năm 2018, Tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ về chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm để góp phần cùng Trung ương thực hiện kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững; thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách.

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt các luật thuế mới; Đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu và các khoản nợ đọng thuế; thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác theo quy định của pháp luật.

Tích cực khai thác nguồn thu từ quỹ đất, từ hoạt động kinh doanh, khai thác tài nguyên khoáng sản, dịch vụ du lịch, từ các cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô lớn mới đi vào hoạt động trong năm 2018. Quản lý tốt các nguồn thu từ các hoạt động mua, bán, chuyển quyền, chuyển mục đích sử dụng và cấp quyền sử dụng đất...

Thu NSNN đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, vì vậy công tác thuế cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự kết hợp nhiều nhiệm vụ và giải pháp để công tác thu ngân sách đạt hiệu quả cao.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thu ngân sách nhà nước tại tỉnh Bình Thuận - Ảnh 2

Nhìn lại năm 2017, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn 3/17 chỉ tiêu Cục Thuế Tỉnh không đạt dự toán. Việc quản lý kê khai thuế, hồ sơ khai thuế giảm, tình trạng nộp thuế chậm, nợ thuế, một số nguồn thu như thuế tài nguyên, khai thác tài nguyên khoán sản, việc quản lý vẫn chưa sát với thực tế, tình trạng một số doanh nghiệp vi phạm, trốn lậu thuế vẫn còn.

Trong năm 2018, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo khắc phục các hạn chế, đẩy mạnh thu các khoản khác, phấn đấu đạt nợ thuế dưới 5%, đảm bảo số thu nội địa không kể dầu thô vượt tối thiểu từ 3%-5% dự toán trên cơ sở dự toán pháp lệnh được giao. Để nâng cao hiệu quả thu ngân sách trên địa bàn, cần tập trung một số giải pháp sau:

Một là, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan: Cần tận dụng hơn nữa sự phối hợp giữa Cục Thuế Tỉnh, các sở, ban, ngành để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND Tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Thường xuyên báo cáo tình hình nợ thuế, nợ đọng tiền sử dụng đất, phân tích làm rõ nguyên nhân và đề xuất các biện pháp quyết liệt để thu hồi nợ đọng.

Quản lý tốt các nguồn thu về thuế, phí, lệ phí ở các xã, phường, thị trấn. Các sở, ban ngành có liên quan cần phối hợp trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế và giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế do đơn vị quản lý. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai thu NSNN ngay từ đầu năm, nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo, rà soát xác định đánh giá kịp thời những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN trên địa bàn, nhất là những nguồn thu mới phát sinh.

Hai là, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng kê khai thuế trực tuyến qua mạng internet, hoàn thuế điện tử, khai nộp thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, rút ngắn thời gian kê khai thuế cho người dân và DN.

Ngoài ra, mở rộng việc nộp thuế thông qua phối hợp, liên kết với hệ thống ngân hàng thương mại, kết nối thông tin, chuyển khoản giữa các ngân hàng trong Tỉnh: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… để giảm thiểu việc đi lại của người nộp thuế.

Ba là, tăng cường và đổi mới phương pháp thanh tra, kiểm tra thuế với việc lập đoàn kiểm tra ngành, liên ngành trong lĩnh vực thuế; đồng thời, phối hợp với các ngành, các cấp trên địa bàn Tỉnh tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định, chính sách thuế, phát hiện những vi phạm về thuế và chống thất thu thuế.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra chéo giữa các ngành, đơn vị giúp phát hiện và xử lý các vi phạm một cách khách quan và công bằng. Thường xuyên rà soát các đối tượng nợ thuế, đôn đốc thu hồi nợ đọng, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, khai man, trốn thuế, nợ đọng thuế kéo dài,… nhằm thu đầy đủ các khoản thu vào NSNN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bốn là, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thuế, chú trọng công tác đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, có cơ chế khen thưởng kịp thời, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền theo Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 07/11/2016 của Bộ Tài chính về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính khi thi hành công vụ và Chỉ thị số 01/CT-TCT ngày 21/6/2016 của Tổng cục Thuế về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh thái độ, tác phong của công chức thuế với người nộp thuế và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế dưới nhiều hình thức và trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh truyền hình Bình Thuận… đưa tin, viết phóng sự, ký sự về chính sách thuế, tổ chức đối thoại với người nộp thuế và các DN trong Tỉnh; tư vấn trực tiếp, mở trang thông tin điện tử đáp ứng đa dạng theo nhu cầu của người nộp thuế.

Định kỳ và thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về thuế, các buổi đối thoại, hội thảo, hội nghị… để nâng cao nhận thức về thuế, tăng cường trao đổi về chính sách, quyền lợi của người nộp thuế.

Việc tuyên truyền các chính sách pháp luật về thuế giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của người nộp thuế. Đồng thời, giải quyết kịp thời các kiến nghị liên quan đến chính sách về thuế. Tiếp tục duy trì việc khen thưởng, tặng bằng khen và nêu gương tập thể DN, cá nhân có thành tích tốt trong việc nộp thuế và chính sách pháp luật của Nhà nước.       

Tài liệu tham khảo:

1. HĐND tỉnh Bình Thuận (2017), Nghị quyết số 34/NQ-HĐND về dự toán thu NSNN trên địa bàn, chi ngân sách địa phương; phương án phân bổ ngân sách Tỉnh năm 2018;

2. HĐND tỉnh Bình Thuận (khóa X), Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018;

3. UBND tỉnh Bình Thuận (2016, 2017), Quyết toán cân đối ngân sách địa phương năm 2016 và năm 2017;

4. Cục Thuế tỉnh Bình Thuận (2016), Báo cáo Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2016 và triển khai nhiệm vụ thu ngân sách năm 2017;

5. Cục Thuế tỉnh Bình Thuận (2017), Báo cáo Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2017 và triển khai nhiệm vụ thu ngân sách năm 2018;

6. Một số website: www.dankinhte.vn; http://www.moj.gov.vn; http://binhthuan.gdt.gov.vn...