Giải pháp nâng cao hoạt động huy động vốn của Agribank

ThS. TRịNH THế CƯờNG - Ngân hàng Agribank Chi nhánh Tràng An

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như các ngân hàng khác, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Agribank đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong chặng đường hoàn thành mục tiêu là một trong những ngân hàng hàng đầu của Việt Nam và trở thành một định chế tài chính ngang tầm khu vực. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu trên, việc tìm giải pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn luôn là một nội dung trọng tâm trong quá trình hoạch định chiến lược kinh doanh của Agribank.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực trạng huy động vốn tại Agribank

Tính đến 31/12/2014, hệ thống mạng lưới Agribank đã đạt 147 Chi nhánh loại I, II; 793 Chi nhánh loại III; 1.315 Phòng giao dịch; 2.300 máy ATM, 01 chi nhánh nước ngoài, 03 văn phòng đại diện, 03 đơn vị sự nghiệp. Sự kết hợp của mạng lưới chi nhánh rộng khắp, hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại và sản phẩm khác biệt tạo cho Agribank một ưu thế cạnh tranh tuyệt đối.

Thống kê tình hình huy động tiền gửi tại Agribank qua các năm trong giai đoạn 2009-2014 cho thấy, tình hình huy động tiền gửi của Agribank có sự tăng trưởng tương đối ổn định. Hoạt động huy động vốn của Agribank luôn giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo vốn cho vay nền kinh tế và khả năng thanh khoản toàn hệ thống. Nguồn vốn huy động của Agribank giai đoạn 2009-2014 không ngừng tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu cho vay để phát triển nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Tổng nguồn vốn huy động của Agribank đến năm 2014 đạt gần 691 ngàn tỷ đồng. Thị phần nguồn vốn của Agribank luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc giữ vững và phát triển cả về thị phần, số lượng, chất lượng, cơ cấu nguồn vốn hợp lý luôn là yêu cầu cấp thiết đối với Agribank. Do đó, Agribank đã đặt ra mục tiêu huy động vốn trong giai đoạn 2016-2020 như sau: Tổng nguồn vốn đạt 1.400 – 1500 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn 12%-15%/năm. Tỷ trọng tiền gửi tiết kiệm dân cư và tiền gửi có kỳ hạn trên tổng nguồn vốn 50%-55%; Tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn, số dư tài khoản thanh toán trên tổng nguồn vốn 25%-30%.

Giải pháp huy động vốn của Agribank

Về cơ chế điều hành huy động vốn và kinh doanh vốn

Xây dựng chính sách huy động nguồn vốn đúng với cơ chế chính sách của Nhà nước, phù hợp diễn biến thị trường, nhu cầu khách hàng và định hướng chiến lược kinh doanh của Agribank. Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế điều hành lãi suất theo hướng linh hoạt, tạo quyền tự chủ cho các chi nhánh. Nghiên cứu thị trường nguồn vốn huy động để đưa ra chính sách lãi suất huy động mềm dẻo, linh hoạt hấp dẫn khách hàng, phù hợp với diễn biến lãi suất thị trường trong từng thời kỳ...

Về cơ cấu nguồn vốn huy động

- Để giảm bớt chi phí và tạo tính chủ động trong hoạt động kinh doanh, cần nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm huy động vốn đặc trưng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

- Đối với nguồn vốn khu vực đô thị, các vùng cạnh tranh cao cần nghiên cứu để đưa ra chính sách huy động vốn phù hợp. Phấn đấu nguồn vốn huy động ở khu vực đô thị luôn chiếm khoảng 70% trên tổng nguồn vốn của toàn Ngành. Thực hiện huy động vốn đô thị để cho vay nông nghiệp, nông thôn…

- Khai thác tối đa nguồn vốn rẻ, thời gian sử dụng lâu dài từ các định chế tài chính, tổ chức quốc tế. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, định chế tài chính trong và ngoài nước để khai thác các nguồn vốn nội, ngoại tệ trung dài hạn.

- Ngân hàng Agribank sớm ban hành quy định về tiền gửi, cho vay trên thị trường liên ngân hàng, quy định về chấm điểm, xếp hạng đối với các định chế tài chính để chuẩn hóa hoạt động của Agribank trên thị trường liên ngân hàng. Tăng cường công tác quản lý kế hoạch đối với chi nhánh, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn ngoài kế hoạch; kiên quyết xử lý đối với các chi nhánh nhận vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế ẩn...

- Kiện toàn hệ thống tổ chức, phân công đơn vị đầu mối có chức năng khai thác nguồn vốn tài trợ thương mại, ban hành quy trình vay tài trợ thương mại trong hệ thống Agribank. Kết hợp chặt chẽ giữa khai thác nguồn vốn tài trợ thương mại và lập kế hoạch cho vay khách hàng, phát huy hiệu quả nguồn vốn tránh tình trạng bị động.

Về sản phẩm huy động vốn

Thực hiện nghiên cứu thị trường, phân đoạn khách hàng đưa ra các sản phẩm huy động vốn phù hợp với các đối tượng khách hàng gửi tiền, đặc điểm các vùng, miền, xây dựng chính sách ưu đãi về lãi suất, khuyến mãi phù hợp với từng phân đoạn khách hàng; đa dạng hóa và hoàn thiện hệ thống danh mục sản phẩm huy động vốn, gia tăng tiện ích cho sản phẩm huy động vốn, bán chéo sản phẩm....

Về quy trình giao dịch trong hoạt động huy động vốn

Rà soát lại quy trình, thủ tục, chứng từ giao dịch, chương trình liên quan trong giao dịch tiền gửi tiết kiệm. Hoàn thiện quy trình giao dịch tiền gửi tiết kiệm; chương trình cảnh báo; giám sát trên hệ thống về các giao dịch tiền gửi, huy động vốn...

Về kênh phân phối

- Với kênh phân phối truyền thống, đánh giá hoạt động huy động vốn trong thời gian qua, từ đó có các giải pháp cơ cấu, sắp xếp lại để các chi nhánh, phòng giao dịch phát huy tiềm năng.

- Tập trung khai thác các đại lý/tổ nhóm trung gian trong huy động vốn. Ngoài chức năng tổ /nhóm cho vay thu nợ mở rộng thêm nắm bắt nhu cầu sử dụng để tư vấn về sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từ đó gia tăng nguồn vốn huy động từ kênh phân phối này.

- Kênh phân phối hiện đại, nên bổ sung những tính năng để gia tăng tiện ích dịch vụ mà các ngân hàng thương mại khác đã triển khai hoặc chưa triển khai, từ đó thu hút, khuyến khích khách hàng gửi tiền và sử dụng dịch vụ Agribank.

Về cơ chế khuyến khích trong huy động vốn

- Thành lập Tổ chỉ đạo huy động vốn giai đoạn 2015- 2020 với nhiệm vụ là xây dựng và chỉ đạo kịp thời các cơ chế, giải pháp… liên quan đến phát triển nguồn vốn của Agribank.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích nội bộ, phân vùng, địa bàn hoạt động để xây dựng cơ chế thưởng huy động vốn phù hợp; xây dựng cơ chế phí, lãi suất theo hướng khuyến khích các đơn vị huy động thừa vốn…

- Cơ chế khuyến khích đối với khách hàng, xây dựng chính sách khách hàng áp dụng thống nhất trong hệ thống Agribank…

Về công nghệ thông tin trong hoạt động huy động vốn

Để đảm bảo được việc quản lý huy động vốn đầy đủ, hệ thống công nghệ thông tin cần xây dựng hệ thống đáp ứng được việc quản lý thông tin huy động vốn trên một số phân hệ như sau: Quản lý các nguồn vốn huy động từ tiền gửi, trong đó bao gồm tiền gửi thanh toán (không kỳ hạn), tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm; Quản lý các nguồn vốn huy động từ phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, các chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn; Quản lý các nguồn vốn huy động từ đi vay, vay từ Ngân hàng Nhà nước, vay từ các định chế tài chính; Quản lý các nguồn vốn từ các nguồn khác, sử dụng các luồng tiền nhàn rỗi trong hệ thống...

Tài liệu tham khảo:

1. Kiều Hữu Thiện – Nguyễn Trọng Tài (2013): Quản trị rủi ro tài chính. Nxb Giao thông Vận tải;

2. Các website: www.sbv.gov.vn; www.agribank.com.vn; www.dantri.vn; www.cafef.vn; www.vneconomy.vn; www.vef.vn...