Giải pháp nào cho dòng tiền hiện nay?

Theo Kinh tế và Dự báo

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) vẫn phải phụ thuộc vào các dòng tiền bên ngoài và khả năng trả nợ của DN còn khó khăn. Bởi vậy, nhiều DN phải ngừng hoạt động

Giải pháp nào cho dòng tiền hiện nay?
Làm sao tiếp cận được vốn ngân hàng vẫn là bài toán cho DN. Nguồn: Internet
Nhưng tiếp cận như thế nào và làm cách nào để ngân hàng xét duyệt cho vay với mức lãi suất vay ưu đãi?  Những nguyên nhân nào cản trở ngân hàng và DN gặp nhau? Đó là những vấn đề mà cả ngân hàng và DN đang tìm câu trả lời.

Những vấn đề “nóng hổi” trên đã được thảo luận sôi nổi tại Hội thảo “Ngân hàng và DN – Giải pháp dòng tiền” do Laisuat.vn và VCCI phối hợp tổ chức với sự tài trợ của SeABank diễn ra ngày 20/5 tại Hà Nội.

DN cần chủ động để tự “cứu mình”

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những nghiên cứu thường niên của VCCI trong mười năm trở lại đây cho thấy, sự phụ thuộc vốn của DN vào ngân hàng rất lớn. Do đó, sự đa dạng hóa dòng tiền của DN là điều cần thiết, đặc biệt là vào thời điểm này, các ngân hàng dường như đang chặt chẽ hơn đối với các tiêu chuẩn cho vay cũng như khả năng chứng minh tiềm lực của DN là khá khó khăn bởi thị trường đang ngưng đọng.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đồng tình với quan điểm trên của bà Phạm Thị Thu Hằng khi cho rằng, với các DN nước ngoài, việc vay vốn ngân hàng chỉ là một phần vừa phải, ngoài ra, các DN huy động vốn phần lớn là trên thị trường chứng khoán. Đây là thị trường vốn trung và dài hạn mới chính là nguồn vốn thích hợp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Còn với như thị trường vốn ngân hàng của Việt Nam, các ngân hàng huy động vốn ngắn hạn từ dân cư sau đó cho DN vay trung và dài hạn là không phù hợp với quy luật thị trường.

Do đó, theo khuyến nghị của TS. Đặng Đức Sơn, Viện Quản trị Tài chính (AFC), DN cần chủ động dòng tiền của mình. Cụ thể, chủ DN cần yêu cầu kế toán lập báo cáo quản trị dòng tiền gồm báo cáo tuổi nợ, báo cáo thu chi, ngân sách dự án… Ngoài ra, DN còn cần cân đối chính sách bán hàng và chính sách công nợ để khơi thông dòng tiền…

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung hiện nay, DN vẫn khó “thoát” khỏi dòng vốn từ ngân hàng. Do đó, làm sao tiếp cận được vốn ngân hàng vẫn là bài toán cho DN.

Theo PGS., TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, do kinh tế còn khó khăn nên dù lãi suất huy động giảm mạnh và các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm thêm tạo điều kiện cho giảm lãi suất cho vay nhưng quan trọng là phải tăng số DN tiếp cận được nguồn vốn vay rẻ.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng: “Những vấn đề hiện tại chỉ có thể được giải quyết bằng nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa nhưng phải có giải pháp cụ thể. Ngoài việc ngân hàng đẩy mạnh cho vay, DN cũng phải nâng cao khả năng quản trị tài chính, sản xuất kinh doanh hiệu quả để hạn chế rủi ro tín dụng”.

Theo ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeaBank), ngân hàng Đông Nam Á nói riêng và các ngân hàng thương mại nói chung đều xác định, DN là đối tác, DN hoạt động tốt thì ngân hàng mới “sống” khỏe. Do đó, các ngân hàng đều xác lập cho riêng mình những đối tượng khách hàng và xây dựng sản phẩm cụ thể cho từng nhóm DN.

“Đối với SeaBank, tín dụng xuất nhập khẩu là một lĩnh vực được chú trọng. Ví dụ như đối với một DN xuất nhập khẩu có nguồn thu khoảng 20 triệu USD/năm, SeaBank có thể thiết kế cho DN này một bộ sản phẩm riêng với những ưu đãi như chuyển tiền không thu phí hoặc có biểu tỷ giá riêng”.

Chính vì vậy, theo khuyến nghị của Tổng thư ký Phạm Thị Thu Hằng, việc DN lựa chọn ngân hàng nào để kết giao cũng là điều quan trọng. Không chỉ ngân hàng nên thiết kế những sản phẩm phù hợp với mỗi loại hình DN mà chính DN cũng nên tìm hiểu và lựa chọn ngân hàng nào đưa ra gói sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp với đặc thù ngành nghề của DN mình.

Xem xét gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ

Góp tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước chưa đưa quyết định cuối cùng về việc hoãn, giãn nợ để hỗ trợ các DN theo quyết định 780/QĐ-NHNN và trích lập dự phòng theo thông tư 02/2013/TT-NHNN.

Nếu theo đúng dự kiến, Thông tư 02 quy định việc phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2013.

Với việc áp dụng Thông tư 02 vào thực tế, tỉ lệ nợ xấu tại một số ngân hàng thương mại có thể sẽ tăng từ 3-4% hiện nay lên 10-20%, thậm chí cao hơn. Tỉ lệ nợ xấu tăng cao cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải trích lập dự phòng nhiều hơn, điều kiện cho vay chặt chẽ hơn, ảnh hưởng đến khả năng cho vay đối với các DN và nền kinh tế.

Hệ quả, hàng loạt DN sẽ bị ngân hàng cắt vốn do tỉ lệ nợ xấu tăng lên, nhiều DN sẽ “chết” hẳn, không thể trả được nợ đã vay từ các ngân hàng thương mại.

Ông Mạnh cho biết thêm, sau khi tổ chức, gặp gỡ, tiếp xúc với một số địa phương và DN, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu theo hướng hỗ trợ DN tiếp tục thực hiện Quyết định 780 về việc phân loại nợ đối với nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; gia hạn nợ để DN tiếp tục vay được vốn.

Ngoài ra, một thông tin đáng lưu ý mà TS. Phạm Thị Thu Hằng đưa ra trong Hội thảo đó là, những DN có quy mô lớn luôn là đối tượng săn đón đầu tiên của ngân hàng hoặc là đối tượng được đưa ra xem xét đầu tiên để cho vay. Nhóm DN này được coi là “khách hàng VIP”. Thế nhưng, đây lại là những DN ẩn chứa nhiều rủi ro bởi tỷ lệ nợ xấu của nhóm DN này rất lớn.

Vì vậy, lãnh đạo VCCI đưa ra cảnh báo, các ngân hàng cần quan tâm hơn đến nhóm DN vừa và nhỏ, bởi nếu chú ý quá nhiều đến những DN lớn với tỷ lệ vốn tự có trên vốn vay như thế sẽ là điểm yếu, rủi ro hệ lụy domino – đổ vỡ hàng loạt.