Giải pháp nào cho vấn đề giám sát an toàn vĩ mô thị trường tài chính tại Việt Nam?

TS. Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

(Tài chính) Trong hai thập niên gần đây, thế giới đã trải qua hai cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Ngoài ra, ở từng quốc gia, từng khu vực cũng xảy ra nhiều vấn đề tài chính khác nhau. Từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thế giới đã nhận ra sự thiếu vắng của “giám sát an toàn vĩ mô” vì sự mất cân xứng vĩ mô không được giám sát chặt chẽ, như: chính sách đầu tư xã hội hoạch định không hợp lý; việc quản lý tín dụng không được kiểm soát chặt chẽ;... Lỗ hổng này đang được các quốc gia, các khu vực trên thế giới tích cực lấp đầy thông qua việc thành lập các cơ quan giám sát an toàn vĩ mô.

Giải pháp nào cho vấn đề giám sát an toàn vĩ mô thị trường tài chính tại Việt Nam?
Giám sát an toàn vi mô ngăn chặn sự bất ổn của từng định chế tài chính. Nguồn: internet

Kể từ khi cuộc khủng hoàng tài chính 2008 xảy ra cho đến nay, hầu hết tất cả các nước đã thành lập Ủy ban hay Hội đồng ổn định tài chính. Đây là cơ quan có sự phối hợp của tất cả các đơn vị trong mạng an toàn tài chính cũng như các cơ quan liên quan đến hoạch định chính sách. Hội đồng này làm việc một cách thực chất theo nguyên tắc có sự điều phối, điều hòa chính sách, đặc biệt là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Bối cảnh tại Việt Nam về hoạt động giám sát tài chính cũng không khác nhiều so với thế giới, tức là cũng tồn tại sự thiếu vắng “giám sát an toàn vĩ mô”. Hệ thống giám sát tài chính chủ yếu tập trung vào giám sát an toàn vi mô trong bối cảnh thị trường tài chính đang phát triển nhanh chóng, phức tạp với sự hình thành các tập đoàn tài chính, tiềm ẩn các rủi ro chéo giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các rủi ro mang tính hệ thống từ sự bất ổn của môi trường kinh tế vĩ mô nhiều biến động cũng như từ các cú sốc bên ngoài. Giám sát an toàn vi mô chỉ ngăn chặn sự bất ổn của từng định chế tài chính, trên cơ sở thiên về giám sát tuân thủ hơn là giám sát dựa trên rủi ro.

Hiện nay, chúng ta chủ yếu trong quá trình thanh tra giám sát trên thị trường tài chính, các cơ quan thanh tra giám sát chủ yếu chỉ tập trung vào vấn đề giám sát tuân thủ. Tuy nhiên, có hai vấn đề hiện hữu: thứ nhất, rủi ro chưa được xem xét tới; thứ hai, có những rủi ro nằm ngay trong những chính sách mà các định chế tài chính phải tuân thủ. Chúng ta đưa ra những quy định quá ngặt nghèo hoặc có những quy định quá lỏng lẻo khiến cho việc chấp hành gặp phải khó khăn. Theo chúng tôi, phải kết hợp giám sát cả những rủi ro và vấn đề tuân thủ, giám sát cả chính sách lẫn định chế tài chính.

Những vấn đề nào cần quan tâm trong giám sát an toàn vĩ mô?

Giám sát an toàn vĩ mô là sự bổ sung cần thiết cho cơ chế giám sát tài chính hiện nay. Các cơ quan giám sát tài chính đã có một cách giải quyết mới để tiếp cận vấn đề ổn định tài chính, có thể phân thành 3 bước: Thứ nhất, nhận diện khủng hoảng tài chính. Ở đây sẽ có các vấn đề về cảnh báo sớm, vấn đề về các chỉ số giám sát của hệ thống tài chính mà chúng ta cần lưu ý; Thứ hai, ngăn ngừa rủi ro hệ thống; Thứ ba, ứng phó kịp thời với khủng hoảng. Trong đó, chúng ta sẽ phải tập trung vào theo dõi khủng hoảng tài chính phát sinh như thế nào từ các rủi ro khu vực tài chính, các rủi ro kinh tế vĩ mô và các tác động lẫn nhau giữa khu vực tài chính và khu vực kinh tế thực. Đồng thời, phải giám sát chặt chẽ các diễn biến của nền kinh tế trong nước và quốc tế cũng như các diễn biến thị trường tài chính trong nước.

 Bên cạnh đó, cần phải có sự phân chia trách nhiệm giữa chính sách tiền tệ (ổn định giá cả), chính sách giám sát an toàn vi mô (các định chế tài chính phải được lành mạnh tài chính) và phải có cái nhìn toàn diện về hệ thống tài chính với mục tiêu và nhiệm vụ là đảm bảo sự ổn định và vai trò phân bổ nguồn vốn hợp lý của hệ thống tài chính. Với cách tiếp cận an toàn vĩ mô, cần phải phân tích các chỉ tiêu giám sát an toàn vĩ mô và kiểm tra sức chịu đựng của hệ thống trước các cú sốc. Trong giám sát an toàn vĩ mô, có hai vấn đề chính cần quan tâm: một là, ngăn ngừa việc hình thành rủi ro hệ thống bằng việc quản lý tín dụng và các chu kỳ giá cả tài sản; hai là, tăng cường sức chịu đựng của hệ thống tài chính trước các các cú sốc mang tính hệ thống.

Bài học nào rút ra từ các cuộc khủng hoảng tài chính?

Thứ nhất, phải thành lập các tổ chức có quyền lực thực sự trong việc xử lý các mối đe dọa sự ổn định tài chính.

Thứ hai, phụ thuộc vào khuôn khổ chính sách an toàn vĩ mô được thực hiện như thế nào trên thực tế; năng lực thể chế của hệ thống giám sát; hiệu quả của các công cụ, mô hình phân tích được sử dụng.

Thứ ba, các chính sách an toàn vĩ mô đôi khi đưa ra hành động chính sách đầy tranh cãi, đặc biệt đối với các mục tiêu của giám sát an toàn vĩ mô, các thành viên tham gia thị trường hoặc các nhóm lợi ích khác. Ví dụ, việc khuyến khích hệ thống giảm phạm vi hoạt động trong tình hình khủng hoảng sẽ có thể khó khăn hơn dự kiến hiện nay.

Về giải pháp khắc phục, chúng tôi cho rằng:

Thứ nhất, không nên thu hẹp quá sớm các quy định an toàn về vốn và thanh khoản đối với ngân hàng.

Thứ hai, lựa chọn cẩn thận các công cụ, mô hình phân tích và việc đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề về thể chế, cơ chế pháp luật và cơ chế tài khóa. Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là sau khủng hoảng có rất nhiều mô hình, kể cả cảnh báo sớm, mô hình dự báo, mô hình phân tích các rủi ro nhưng chúng ta phải rất thận trọng khi sử dụng các mô hình này. Theo chúng tôi, công nghệ thông tin là công cụ rất hữu ích phục vụ cho phân tích tài chính, tuy nhiên có một số vấn đề về con người, trực quan hay những đánh giá tài chính mà công nghệ thông tin chưa thể đánh giá tốt. Vì vậy, việc áp dụng các mô hình nêu trên cần phải hết sức thận trọng.

Thứ ba, phát triển các công cụ để ngăn ngừa các đe dọa hệ thống phát sinh từ khu vực tài chính phi ngân hàng.

Giải pháp cho vấn đề giám sát an toàn vĩ mô thị trường tài chính tại Việt Nam

Trước khủng hoảng tài chính 2008, vấn đề này chưa thực sự được chú trọng: các vấn đề liên quan đến giám sát an toàn vĩ mô chưa được quy định cụ thể tại các văn bản chính thống (khuôn khổ, công cụ của chính sách an toàn vĩ mô, trách nhiệm và cơ chế phối hợp,...). Một số báo cáo giám sát có tính chất vĩ mô thì chưa theo thông lệ quốc tế vì chỉ phân tích một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, còn việc kiểm tra sức chịu đựng của hệ thống chưa được tiến hành.

Sau khủng hoảng tài chính 2008, chúng ta đã từng bước cải thiện công tác an toàn vĩ mô, đặc biệt là việc thành lập Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia là một bước để giám sát an toàn thị trường tài chính. Chính phủ và các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác giám sát an toàn vĩ mô và đã nhất trí với WB và IMF triển khai chương trình đánh giá các khu vực tài chính (FSAP) tại Việt Nam. Hiện nay, có khoảng 54 quốc gia đã tham gia vào chương trình này. Ở nước ta, Ngân hàng Nhà nước đã được giao chủ trì thực hiện.

 Dưới đây, chúng tôi xin đưa ra một số khuyến nghị:

Về giải pháp trước mắt

Thứ nhất, các kỷ luật thị trường phải được tôn trọng, trước tiên giảm tối đa các chi phí quản lý không cần thiết của việc giám sát an toàn vĩ mô.

Thứ hai, cần phải chuẩn bị tốt kiến thức và hiểu biết sâu về các điều kiện kinh tế và thị trường tài chính cho cán bộ của các cơ quan giám sát an toàn vĩ mô.

Thứ ba, tăng cường phối hợp trong điều hành chính sách và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan giám sát tài chính trong nước.

Thứ tư, tăng cường hợp tác xuyên biên giới với các cơ quan giám sát nước ngoài trong việc giám sát an toàn vĩ mô nên được thiết lập chính thức và tăng cường mạnh mẽ.

Về giải pháp dài hạn

Một là, cần đánh giá toàn diện thực trạng và khả năng triển khai hoạt động giám sát an toàn vĩ mô tại Việt Nam.

Hai là, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động giám sát an toàn vĩ mô cũng như xây dựng một cơ chế điều phối thực sự có hiệu quả giữa các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính trên cơ sở thực trạng được đánh giá.

Ba là, cần thuê các chuyên gia tư vấn nước ngoài đào tạo bài bản về kỹ năng kiểm tra sức chịu đựng của hệ thống theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Theo Kiểm toán Cuối tháng