Giải pháp nào huy động nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững?

Võ Hảo

Một trong những vấn đề đặt ra là muốn phát triển bên vững, đòi hỏi cần phải có nguồn lực tài chính. Trong những năm qua, Việt Nam luôn chú trọng đến việc huy động, đầu tư nguồn lực tài chính cho tăng trưởng, phát triển bền vững. Tuy nhiên so với thực tiễn yêu cầu, cần nhiều hơn nữa các giải pháp về nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam trong bối cảnh mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 Huy động nguồn lực tài chính

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách huy động vốn đầu tư cho phát triển bền vững. Huy động nguồn lực NSNN thông qua việc hoàn thiện hệ thống chính sách thu NSNN tiếp tục được hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thu, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho đối tượng thu nộp ngân sách.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp để phát triển đồng bộ các loại thị trường như: thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, bất động sản được triển khai mạnh mẽ; Nguồn lực tài chính nước ngoài được phát huy... qua đó khai thác và thu hút đầy đủ, có hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, quy mô và cơ cấu thu NSNN có sự chuyển biến tích cực. Tỷ lệ huy động thu NSNN bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 24 - 25% GDP, cao hơn mức bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 23,4% GDP và cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị ( 20 - 21% GDP) và Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội (23,5% GDP).

Trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt khoảng 21% GDP, giảm so với giai đoạn 2011 - 2015 là 23,4% và giai đoạn 2006 - 2010 là 24,8%. Điều này phù hợp với chủ trương giảm huy động ngân sách từ nền kinh tế, tạo nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh.

Cơ cấu thu NSNN có một số chuyển biến tích cực: Thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN, bình quân giai đoạn 2016 - 2019 ước đạt 80% (giai đoạn 2006 - 2010 đạt 58%; giai đoạn 2011 - 2015 là 68%)…

Tổng số vốn vay của Chính phủ trong giai đoạn 2016 - 2018 đạt khoảng 1.086 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn vay trong nước chiếm khoảng 78% và vay nước ngoài khoảng 22%. Phát hành trái phiếu chính phủ chiếm 85% tổng khối lượng huy động vốn vay trong nước của Chính phủ, trở thành kênh huy động vốn quan trọng để bù đắp thiếu hụt ngân sách, hỗ trợ vốn cho đầu tư phát triển, tạo công cụ phát triển thị trường vốn và điều hành thị trường tiền tệ.

Cùng với đó, vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong giai đoạn này tập trung vào vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài từ các nhà tài trợ, chủ yếu là Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Nhật Bản...

Trên 98% vốn vay công được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạn tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội đồng bộ, thay đổi cơ bản về năng lực của các hệ thống này ở cấp quốc gia, vùng và lãnh thổ, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn 2011-2018 tăng từ 15,6 tỷ USD lên 35,5 tỷ USD, bình quân mỗi năm Việt Nam thu hút được khoảng 22 tỷ USD phục vụ phát triển kinh tế xã hội, với tốc độ tăng trưởng trung bình 15%/năm.

Bên cạnh đó, vốn giải ngân cũng theo xu hướng tăng, từ 11 tỷ USD năm 2011 lên trên 19 tỷ USD năm 2018. Tỷ lệ vốn giải ngân trên vốn thực hiện ước bình quân năm đạt trên 50% tổng vốn đăng ký, qua đó, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngoài ra, kiều hối cũng là một trong những nguồn lực tài chính ngày càng có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Trong giai đoạn 2006 - 2018, tổng kiều hối gửi về Việt Nam có xu hướng tăng, ước đạt 130,6 tỷ USD, góp phần không nhỏ vào việc cung ứng nguồn vốn cho đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm thâm hụt cán cân vãng lai. Bình quân giai đoạn 2010-2018 kiều hối đạt gần 12 tỷ USD/năm.

Giải pháp tài chính cho phát triển bền vững

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện các chính sách thuế, phí, lệ phí; Phát triển thị trường trái phiếu; Nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn ODA; Nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực từ tài sản công, từ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ thúc đẩy phát triển DN, qua đó góp phần tạo nguồn thu cho NSNN để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thứ hai, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách “xã hội hóa” đầu tư trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao; Hoàn thiện và điều chỉnh chính sách thu hút vốn FDI vào khu vực công nghiệp chế biến, lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực có khả năng tạo giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế trên cơ sở đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia và bảo vệ môi trường; Rà soát và tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách tài chính để khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công và trong đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Trong chính sách thu hút vốn FDI cần tiếp tục được hoàn thiện, tập trung vào khu vực công nghiệp chế biến, công nghệ cao, nông nghiệp nông thôn và các lĩnh vực có khả năng tạo giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế trên cơ sở đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia và bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh đa dạng hóa các công cụ đầu tư tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tiếp tục mở cửa thị trường tài chính một cách hiệu quả, phù hợp với cam kết quốc tế, chủ động tham gia thị trường tài chính quốc tế.

Thứ ba, cần có cơ chế chính sách giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, các nhóm giải pháp chủ đạo gồm: Thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững; Nâng cao chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài; Phát triển đồng bộ thị trường tài chính...

Thứ tư, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Thúc đẩy sự phát triển của các yếu tố tiền đề là khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.