Giải pháp nhằm hạn chế rủi ro trong giao dịch chứng khoán phái sinh

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 11 kỳ 2-2015

Có vai trò là thị trường phân tán rủi ro, nên công tác triển khai vận hành thị trường chứng khoán phái sinh sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Với việc nghiên cứu, khảo sát một số rủi ro có thể phát sinh trong giao dịch chứng khoán phái sinh tại Việt Nam, bài viết đề xuất một số biện pháp giảm thiểu rủi ro trong giai đoạn đầu của quá trình vận hành thị trường này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một số rủi ro của chứng khoán phái sinh

Hiện nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới có khá nhiều nghiên cứu về thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh. Có thể kể đến như nghiên cứu của Rajna Gibson et al.(1994,1996), Keith Sill (1997), Bartram et al. (2006), Friedentag (2000)..., Tất cả khẳng định, chứng khoán phái sinh như là một công cụ phòng ngừa tích cực mà không đe doạ hệ thống tài chính. Đến nay, các nghiên cứu lý thuyết trong nước hầu như cũng đã hệ thống cơ sở lý luận về các rủi ro trong giao dịch chứng khoán phái sinh một cách đầy đủ, giúp nhà đầu tư (NĐT) nhận diện những rủi ro phải đối diện khi tham gia thị trường cụ thể là nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Trang (2013), Nguyễn Ngọc Thơ và cộng sự (2015)... Các nghiên cứu đều chỉ ra một số rủi ro phổ biến trong giao dịch chứng khoán phái sinh trong quá trình vận hành thị trường như:

Rủi ro tín dụng

Thứ nhất, Việt Nam chưa có nhiều các tổ chức đánh giá tín nhiệm có độ tin cậy cao. Hiện mới có Trung tâm Đánh giá tín nhiệm Vietnamnet Ratings (CRV) thuộc Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC là tổ chức chuyên cung cấp cho thị trường các dịch vụ thu thập thông tin, đánh giá xếp hạng, định mức tín nhiệm của các tổ chức tài chính và xếp hạng doanh nghiệp. Tuy nhiên, phương pháp định mức tín nhiệm dựa trên cơ sở thống kê của CRV bắt buộc phải có kho dữ liệu lớn và có thời gian tích lũy thông tin lâu dài.

Bên cạnh đó, còn có Công ty Cổ phần Tư vấn và Dịch vụ Thông tin Tín nhiệm Việt Nam (Công ty Thông tin Tín nhiệm Việt Nam) hoạt động trong lĩnh vực thông tin kinh tế và xếp hạng tín nhiệm. Cho đến nay, Công ty này mới xuất bản duy nhất một ấn phẩm “Xếp hạng tín dụng Top 1000 Doanh nghiệp Việt Nam năm 2011” hợp tác với Trung tâm Thông tin tín dụng - Ngân hàng Nhà nước (CIC) thực hiện.

Do mục tiêu phục vụ hoạt động của hệ thống ngân hàng, nên hiện nay CIC chưa xếp hạng tín nhiệm với các ngân hàng mà chỉ áp dụng đối với tín dụng doanh nghiệp, tức là chỉ xếp hạng thuần túy các khách hàng của ngân hàng. Ngoài ra, có thể kể đến Trung tâm Khoa học thẩm định tín nhiệm doanh nghiệp cũng có kho dữ liệu đầy đủ nhưng chỉ mới dừng ở hoạt động đánh giá tình hình tài chính của đối tượng đang ở mức an toàn hay hoạt động kém hiệu quả.

Thứ hai, tính minh bạch và độ tin cậy của báo cáo kế toán chưa cao. Hiện nay, chất lượng thông tin trong báo cáo tài chính có độ tin cậy thấp. Hàng năm, kết quả sau khi kiểm toán báo cáo tài chính cũng có những vấn đề sai lệch liên quan đến số liệu tài chính trước và sau kiểm toán của các công ty niêm yết.

Thực trạng này đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng dự đoán giá cả chứng khoán cơ sở. Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, riêng năm 2014 đã có 110 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân với tổng số tiền phạt là 9,35 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu tập trung ở chế độ báo cáo, công bố thông tin của công ty đại chúng, công ty niêm yết, vi phạm về báo cáo giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn; hành vi thao túng cổ phiếu; hoạt động không đúng nội dung quy định trong giấy phép.

Rủi ro thanh khoản

Hiện nay, hoạt động giao dịch, hoạt động niêm yết và giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn tăng trưởng đều qua các năm. Tuy nhiên, giao dịch trên thị trường Việt Nam chỉ có một số mã cổ phiếu lớn là giao dịch sôi động, còn lại phần đông có khối lượng giao dịch khá thấp. Thực trạng này khiến cho hiện tượng các mã không có giao dịch trong một phiên thường xuyên xảy ra.

Ngoài ra, hiện vẫn còn nhiều công ty niêm yết có vốn hóa trung bình và thấp. Bên cạnh đó, thị trường thu nhập cố định bị chi phối bởi trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn nợ trung bình khoảng 3,2 năm, đường cong lãi suất chuẩn được xây dựng nhưng chưa đủ sức thuyết phục về mức độ tin cậy đối với NĐT nước ngoài. Điều này khiến quy mô TTCK Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn so với TTCK của các nước trong khu vực.

Các thông tin chưa được cung cấp chính xác và kịp thời đến tất cả NĐT (bao gồm các thông tin tham chiếu trong quá khứ đến các thông tin hiện tại và các dự đoán nhận định cho tương lai của giới phân tích), dẫn đến tất cả các thông tin được phản ánh vào giá của chứng khoán chưa kịp thời, làm cho các đối tượng tiếp cận thông tin không giống nhau, gây ra sự bất cân xứng thông tin. Do đó, sẽ ảnh hưởng đến chức năng phát hiện giá cả trong tương lai, dẫn đến rủi ro thanh khoản trong giao dịch chứng khoán phái sinh.

Rủi ro hoạt động

Thời gian qua, nhiều số liệu trong báo cáo tài chính của các công ty niêm yết đã có sự sai lệch trước và sau kiểm toán. Nguyên nhân xuất phát từ việc các công ty niêm yết chưa xây dựng được cơ chế giám sát hữu hiệu trong việc ngăn ngừa và phát hiện các gian lận cũng như sai sót trong báo cáo tài chính khi công bố.

Điều đáng nói là dù hiện nay, chuẩn mực kiểm toán nội bộ của COSO (Hoa Kỳ) đã được công nhận và áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới nhưng tại Việt Nam mãi đến năm 2012, Viện FMIT mới chính thức hợp tác với Viện kiểm soát nội bộ ICI và trở thành đối tác độc quyền triển khai hệ thống kiểm toán nội bộ tại Việt Nam nhằm giúp tổ chức, doanh nghiệp hạn chế những sự cố, mất mát, thiệt hại và tăng hiệu quả hoạt động của mình.

Rủi ro về nhận thức

Thực tế trên thế giới cho thấy, các rủi ro làm gián đoạn toàn bộ thị trường đều có nguyên nhân sâu xa từ nhận thức của người giao dịch chứng khoán phái sinh. Tại Việt Nam, rủi ro này xuất phát từ khi TTCK phái sinh chưa được phép hoạt động (trước năm 2012) nhưng một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, tìm kiếm lợi nhuận đối với các sản phẩm tương tự như chứng khoán phái sinh.

Theo đó, dù không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, các bên giao dịch vẫn tiến hành các hoạt động ký hợp đồng bất hợp pháp mà không lường trước được các rủi ro có thể phát sinh. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần thay đổi nhận thức trong việc tìm kiếm lợi nhuận, hạn chế các vấn đề rủi ro phát sinh từ việc sử dụng các vị thế, lạm dụng, lũng đoạn thị trường.

Do vậy, một khi TTCK phái sinh vận hành, cần tuyên truyền và phổ cập kiến thức đối với NĐT nhỏ lẻ. Qua khảo sát 250 đối tượng là NĐT và các cán bộ công tác trong lĩnh vực kinh tế bao gồm tài chính, kế toán, ngân hàng, chứng khoán cho thấy, có 50% là đối tượng đã được trang bị kiến thức về các công cụ phái sinh và TTCK phái sinh ở các bậc học, 50% có tìm hiểu.

Trong số 250 đối tượng khảo sát này, tỷ lệ có nhu cầu sẽ tham gia các lớp học chuyên đề chỉ là 5% nếu tự nguyện và các đối tượng khảo sát còn cho biết sẵn sàng chấp nhận rủi ro để gia tăng lợi nhuận chiếm 55%. Ngoài ra, đối tượng có thể chấp nhận rủi ro với thái độ thận trọng là 6% và không tham gia TTCK phái sinh.

Rủi ro kế toán

Rủi ro này bắt nguồn từ các nguyên tắc kế toán cho phái sinh có thể chưa theo kịp với thực tiễn kinh doanh. Hiện nay, khuôn khổ kế toán hiện hành được xây dựng chủ yếu vào năm 2003, theo Luật Kế toán trên cơ sở tham chiếu với khuôn khổ của Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế vào thời gian đó, nhưng vẫn tồn tại những khác biệt lớn giữa hai khuôn khổ này.

Hiện nay, có thể thống kê một số khác biệt cơ bản giữa Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) và Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) như: Cách thức trình bày báo cáo tài chính; Giá trị hợp lý; Công cụ tài chính; Suy giảm giá trị tài sản; Các vấn đề liên quan tới báo cáo tài chính hợp nhất; Doanh thu; Tài sản cố định, bất động sản, thuê, tài sản dài hạn nắm giữ để bán; Các khoản chi phí hoãn lại; Thanh toán bằng cổ phiếu và chuẩn mực ngành…

Một số đề xuất

Nhằm giúp TTCK phái sinh phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, giúp NĐT tránh được các rủi ro trong quá trình đầu tư nói riêng, cần chú trọng một số vấn đề sau đây:

Một là, các tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh buộc phải có bộ phận quản lý rủi ro tín dụng độc lập, có thiết lập hạn mức tín dụng... Bộ phận này chịu trách nhiệm phân tích các rủi ro tín dụng đối tác tiềm năng và theo dõi các giới hạn hạn mức tín dụng.

Thông thường, công việc giám sát rủi ro tín dụng bao gồm: Sử dụng hệ thống tự động để nhanh chóng xác định giới hạn đã bị vượt quá của một đối tác; Kiểm tra việc tuân thủ vào cuối ngày và thực hiện các hành động đối với những trường hợp vượt quá giới hạn và không tuân thủ việc bổ sung vốn cần thiết; Yêu cầu các thương nhân ký xác nhận trước khi đại lý chấp thuận quản lý một số vấn đề liên quan đến giao dịch, chẳng hạn như các số tiền ký quỹ vượt quá ngưỡng qui định nhất định; và Lượng hoá rủi ro.

Hai là, các thông tin cần phải được công bố minh bạch, kịp thời. Thông tin kế toán phải phản ánh theo đúng chuẩn mực, đồng thời các thành phần tham gia thị trường có thể tiếp cận dễ dàng. Gia tăng và hài hoà các dữ liệu thị trường để các thành phần tham gia thị trường có thể theo dõi: Giá cả, khối lượng, lượng tín dụng đã sử dụng, hiệu quả đầu tư, giám sát rủi ro có thể theo ngày... qua đó giảm khả năng xảy ra rủi ro thị trường.

Ba là, công tác hoạch định chính sách và quản lý phải có sự cân bằng thích hợp giữa việc cho phép lĩnh vực công nghiệp dịch vụ tài chính phát triển, cải tiến, đổi mới và bảo vệ sự an toàn và lành mạnh của hệ thống tài chính của quốc gia. Để làm được điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, thành viên tham gia thị trường, các chuyên gia kế toán...

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn hoá tài liệu hướng dẫn được sử dụng cho các đại lý kinh doanh cung cấp các phái sinh để giảm rủi ro hoạt động và rủi ro pháp lý của các sản phẩm này. Yêu cầu các thành phần tham gia thị trường phải có hệ thống quản lý rủi ro hiệu quả, có khả năng đáp ứng thay đổi nhanh chóng và bất ngờ trong các giá trị danh mục đầu tư do biến động của thị trường tài chính tạo ra.

Bốn là, thay đổi nhận thức của NĐT thông qua việc giáo dục pháp luật đối với NĐT muốn tham gia thị trường như: Tổ chức các lớp chuyên đề bắt buộc, cấp chứng chỉ cho các NĐT đã hoàn thành khóa học... Việc phổ cập, cung cấp kiến thức cho các thành phần tham gia thị trường cũng giúp họ có thể quản lý rủi ro cho mình thông qua việc hiểu được mức độ rủi ro, đánh giá rủi ro tín dụng, các mô hình quản lý, lợi nhuận và thiệt hại tiềm năng...

Ở nhiều nước trên thế giới, trước khi đưa TTCK phái sinh vào vận hành, trong giai đoạn chuẩn bị, tất cả NĐT sẽ được tham gia đào tạo, được cung cấp kiến thức cơ bản. Ngoài ra, nhiều quốc gia cũng khuyến khích các NĐT tham gia học hỏi, nâng cao kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Đối với Việt Nam, giai đoạn đầu, có thể phát sóng các chương trình đào tạo, hướng dẫn cho các NĐT trên các kênh truyền hình, đặc biệt vào thời điểm giờ vàng (giờ phát sóng thu hút đông đảo thính giả).

Năm là, nhanh chóng ban hành các quy định liên quan đến việc thiết lập các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán, báo cáo tài chính thuyết minh, báo cáo tài chính có sử dụng công cụ phái sinh và giá trị hợp lý để phản ánh trên kế thừa các chuẩn mực của kế toán quốc tế. Nâng cao và phát huy hơn nữa vai trò của kiểm toán viên nội bộ trong việc kiềm chế những rủi ro phức tạp liên quan đến công cụ tài chính…