Giải pháp phát triển công nghiệp nông thôn ở huyện nam đông, tỉnh Thừa Thiên Huế

ThS. Nguyễn Thế Thìn, ThS. Nguyễn Hữu Lợi, Nguyễn Trần Ngọc Tuấn - Đại học Kinh tế (Đại học Huế)

Công nghiệp nông thôn là một bộ phận của công nghiệp cả nước được phân bố ở nông thôn bao gồm các cơ sở sản xuất công nghiệp với quy mô vừa và nhỏ là chủ yếu, cùng với các ngành tiểu thủ công nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế... Phát triển công nghiệp nông thôn là một trong những nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Bài viết phân tích thực trạng và kiến nghị một số giải pháp cơ bản nhằm thúc đẩy hoạt động công nghiệp nông thôn huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng phát triển công nghiệp nông thôn ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế

Tính đến năm 2016, trên toàn huyện Nam Đông có 998 cơ sở công nghiệp nông thôn, tăng 1,01% so với năm 2012 và tăng 1,03% so với năm 2015. Trong đó, số hộ cá thể là 983 cơ sở, chiếm 98,49%; doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn là 10 cơ sở, chiếm 1,51%.

 Tốc độ gia tăng của các cơ sở sản xuất khá chậm, trung bình khoảng 1% năm. Điều này cho thấy, sự phát triển của công nghiệp nông thôn ở huyện Nam Đông còn yếu, chỉ ở quy mô gia đình, tình hình phát triển công nghiệp nông thôn huyện Nam Đông còn lạc hậu.

Các hình thức sở hữu và các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh

Từ năm 2012 đến nay, số cơ sở công nghiệp nông thôn thay đổi không đáng kể. Tính đến năm 2016, trên toàn huyện có 998 cơ sở công nghiệp nông thôn tăng 1,01% so với năm 2012 và tăng 1,03% so với năm 2015. Trong đó số hộ cá thể là 983 cơ sở, chiếm 98,49%; doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn là 10 cơ sở, chiếm 1,51%.

Tốc độ gia tăng của các cơ sở sản xuất khá chậm, trung bình khoảng 1% năm, điều này cho thấy sự phát triển của công nghiệp nông thôn ở huyện Nam Đông còn yếu chỉ lại ở quy mô gia đình, nó phản ánh trình độ lạc hậu của công nghiệp nông thôn huyện Nam Đông.

Cơ cấu ngành nghề và công nghệ sản xuất

Công nghiệp nông thôn ở huyện Nam Đông cũng như cả nước có thể khái quát thành ba nhóm ngành nghề sau: Nhóm chế biến lương thực, thực phẩm chiếm 45,0% số cơ sở; Nhóm sản xuất hàng gia dụng là 41,5%; Nhóm sản xuất vật liệu xây dựng 13,5%.

Công nghệ sản xuất trong công nghiệp nông thôn huyện Nam Đông còn yếu, mức độ cơ khí hóa còn thấp (Bảng 1).

Bảng 1: Công nghệ sản xuất các cơ sở công nghiệp nông thôn ở huyện Nam Đông (%)

Nhóm ngành

Thủ công

Bán cơ khí

Cơ khí

Chế biến thực phẩm

40

35

25

Sản xuất vật liệu xây dựng

50

30

20

Sản xuất hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ

34

41

25

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra năm 2017

Về tình hình lao động 

Lao động trong các cơ sở công nghiệp nông thôn được khảo sát ở huyện Nam Đông vẫn còn ở trình độ thấp, chưa được đào tạo một cách có hệ thống (Bảng 2). Thu nhập thấp, các ràng buộc pháp lý thiếu chặt chẽ.

Về tình hình vốn sản xuất 

Vốn là vấn đề then chốt của các cơ sở sản xuất, tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, vốn trong các cơ sở công nghiệp nông thôn huyện Nam Đông còn hạn chế (Bảng 3).

Về tình hình thị trường

Thị trường nguyên liệu công nghiệp nông thôn huyện Nam Đông, chủ yếu bó hẹp trong địa phương, thị trường nội huyện chiếm đến 95% và luôn bị cạnh tranh bởi sản phẩm của các địa phương khác, số lượng sản phẩm tiêu thụ ở thị trường ngoại tỉnh chỉ chiếm 5%.

Ngoài ra, các cơ sở công nghiệp nông thôn huyện Nam Đông còn gặp một số khó khăn trong quá trình sản xuất: 63% cơ sở thiếu vốn, 78% cơ sở thiếu thiết bị công nghệ, 20% cơ sở thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm, 60% cơ sở thiếu thiết bị xử lý môi trường.

Giải pháp để phát triển công nghiệp nông thôn 

Để thúc đẩy hoạt động công nghiệp nông thôn huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp nông thôn.

Căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, Huyện cần tập trung rà soát để lập quy hoạch phát triển ngành, vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy hoạch các trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá các xã, các tụ điểm kinh tế, hình thành các cụm vệ tinh cho phát triển sản xuất công nghiệp ở thị trấn Khe Tre.

Giải pháp phát triển công nghiệp nông thôn ở huyện nam đông, tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh 1

Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn kích cầu đầu tư để huy động vốn nội lực trong nhân dân, các thành phần kinh tế khác và nguồn đầu tư ngoại lực để mỗi năm có trên 280 tỷ đồng cho đầu tư phát triển; Đẩy mạnh thực hiện cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm đối với các công trình thuỷ lợi, giao thông nông thôn, trường học, kết cấu hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản…

Thứ hai, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

Đa dạng hoá các hình thức huy động, có cơ chế phù hợp để huy động nguồn vốn trong dân như Quỹ Tín dụng nhân dân nhằm đưa lại lãi suất tới mức hợp lý nguồn vốn ngân sách chi cho mục tiêu phát triển.

Khuyến khích mọi người có vốn, có kinh nghiệm quản lý tự đầu tư hoặc liên kết liên doanh, tạo các hình thức kinh tế hỗn hợp có hiệu quả trong công nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó, cần có chính sách thuế ưu đãi đối với công nghiệp nông thôn để các DN có lợi nhuận và tích lũy vốn phát triển kinh doanh. Tạo môi trường pháp lý và điều kiện thuận lợi để khai thác có hiệu quả nguồn vốn từ các tổ chức, nguồn vốn vay từ nước ngoài. Các cơ sở sản xuất kinh doanh tích lũy vốn đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở hạ tầng.

Thứ ba, đào tạo và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp nông thôn.

Huyện cần đào tạo bổ sung đồng bộ đội ngũ cán bộ để tăng cường năng lực quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất kinh doanh; Bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp nâng cao tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng, tin học, ngoại ngữ và sau đại học để nâng cao năng lực chỉ đạo, tổ chức, điều hành thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra.

- Có chính sách đãi ngộ thoả đáng nhằm thu hút lực lượng lao động có trình độ cao về nông thôn.

Thứ tư, tăng cường áp dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tạo động lực phát triển công nghiệp nông thôn

Huyện cần có chính sách và biện pháp phát triển mạnh nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ. Thực hiện các biện pháp để trẻ hoá đội ngũ cán bộ khoa học ở các trạm y tế, khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y…; Có chế độ ưu đãi và thu hút lực lượng chuyên gia làm công tác chuyển giao tri thức và chuyển giao công nghệ về huyện.

Đồng thời, công nghệ và thiết bị phải tận dụng được các nguồn lực sẵn có, đảm bảo không có hoặc chỉ có ít phế thải, không gây ô nhiễm môi trường.

Thứ năm, mở rộng và phát triển thị trường sản phẩm cho công nghiệp nông thôn.

Huyện Nam Đông cần chỉ đạo các phòng ban chuyên môn kết hợp chặt chẽ với các xã, các tiểu vùng nghiên cứu đặc thù thế mạnh của từng nơi để quy hoạch những vùng chuyên canh các loại cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày; hoặc quy hoạch những vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm… tạo vùng cung cấp nguyên liệu ổn định; Cần hỗ trợ các cơ sở sản xuất quảng cáo, triển lãm, cung cấp các thông tin về thị trường, hướng dẫn và giới thiệu về công nghệ mới, nâng cao tay nghề cho người lao động.

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch bố trí sử dụng các cơ sở sản xuất làm gia công cho các doanh nghiệp đô thị và khu công nghiệp tập trung. Đây là hướng đi quan trọng vừa kết hợp được quy mô công nghệ khác nhau, vừa kết hợp được sức mạnh của các thành phần kinh tế giúp cho CNNT có khả năng phát triển một cách bền vững.

Thứ sáu, tiếp tục phát huy và tạo động lực cho các thành phần kinh tê đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn.

- Phát triển và hoàn thiện tổ chức hệ thống kinh tế hợp tác theo luật HTX kiểu mới. Chủ yếu là các hợp tác xã nông nghiệp để thực hiện CNH,HĐH nông nghiệp, nông thôn theo hướng đa dạng hoá loại hình kinh doanh-dịch vụ để giúp cho hộ gia đình phát triển ngành nghề sản xuất CN-TTCN từ khâu bảo đảm đầu vào đến đầu ra, từ sản xuất đến chế biến, sơ chế và tiêu thụ các loại nông sản hoặc hàng hoá làm ra cho nông dân.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân, hộ cá thể phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong phát triển ngành nghề CNNT. Đây là hình thức phát triển năng động, nhạy bén trong cơ chế thị trường. Là biện pháp có thể đưa lại hiệu quả lớn hơn mà không cần vốn đầu tư nhiều. Nó không những giải quyết việc làm cho dân cư nông thôn mà còn có thể tranh thủ được công nghệ hiện đại, thích hợp để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất CN-TTCN đăng ký sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển và chuyển đổi thành các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc tham gia hợp tác xã. Tạo môi trường bình đẳng cho hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp như cho thuê đất, vay vốn tín dụng, xuất khẩu, hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ, dịch vụ và kỹ thuật.

- Hình thành hệ thống chuyên môn hoá trong sản xuất cùng ngành hàng của hộ ngành nghề nông thôn. Chẳng hạn, hộ chuyên đảm nhận khâu cung cấp nguyên liệu, hộ chuyên sản xuất, hộ chuyên tiêu thụ sản phẩm. Hình thành các cụm, trung tâm CN-TTCN và dịch vụ nông thôn, tiến đến mỗi xã có một cụm và có những sản phẩm tiêu biểu thể hiện bản sắc riêng của mình.

Thứ bảy, chú trọng công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Để phục hồi, tồn tại và phát triển các làng nghề truyền thống huyện cần mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ, đồng thời đưa tiến bộ khoa học vào các làng nghề, từ khâu khai thác nguyên liệu, cải tiến công nghệ đến hoàn thiện sản phẩm. Mặt khác, cần thực hiện việc đào tạo đội ngũ thợ về kiến thức khoa học, nâng cao tay nghề khả năng thẩm mỹ, có tâm huyết với nghề. Phương pháp đào tạo có thể theo gia tộc, cha truyền con nối, theo làng xóm, nghiên cứu phục hồi những bí quyết nghề nghiệp đã bị thất truyền…

- Các cấp, các phòng ban ngành hữu quan cần có các chính sách để phát triển như: Cho vay vốn, đầu tư khoa học, công nghệ, khuyến khích tài năng… Đó là những giải pháp nhằm khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống.

- Cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để hình thành và mở rộng các làng nghề mới. Hiện nay, toàn địa bàn huyện có các cơ sở sản xuất như đan lát, thêu ren, tơ tằm, mộc gia dụng… tuy nhiên, do mới thành lập nên năng suất lao động chưa cao, tay nghề còn yếu và cần nhiều vốn đầu tư. Trong thời gian tới huyện cần quan tâm và có sự ưu tiên đối với các ngành này.

Thứ tám, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với công nghiệp nông thôn.

- Tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở sản xuất CNNT trong cơ chế thị trường, chỉ đạo các cấp nhất là cấp lãnh đạo các xã, thị trấn theo dõi và nắm chắc các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, nhằm giúp cơ quan cấp trên có được những thông tin chính xác, đưa ra quyết định đúng đắn mang tính khả thi. Từ đó, có kế hoạch phát triển mạnh mẽ những ngành nghề mang lại hiệu quả thiết thực, nhằm khai thác một cách hợp lý, đầy đủ các lợi thế về lao động, về tài nguyên trên địa bàn Huyện.

- Khuyến khích các tổ chức, các cơ sở sản xuất thực hiện đăng ký sản xuất kinh doanh, tạo công bằng cho các loại hình sản xuất.

- Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước đối với CNNT, đảm bảo có khả năng quản lý có hiệu lực. Trước mắt cần bổ sung lực lượng (cả số lượng và chất lượng) cho phòng công thương huyện.

- Nâng cao vai trò của chính quyền cấp xã, thị trấn và các hội nghề nghiệp để quản lý và giúp đỡ các hộ gia đình trong việc chuyển đổi nghề nghiệp phát triển nghề mới, trưng bày và giới thiệu sản phẩm, chứng nhận và cấp giấy phép hành nghề…

- Cần tìm kiếm kêu gọi các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, phối hợp các dự án một cách có hiệu quả để dần dần khôi phục, phát triển CNNT Huyện.

Tài liệu tham khảo:

1. Kenichi Ohno, Nguyễn Văn Thường (2005), Hoàn thiện chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, NXB.  Lý luận chính trị, Hà Nội;

2. Lê Văn Sơn (2009), Bảo tồn và phát triển làng nghề ở tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới”, Đại học Quốc gia Hà Nội;

3. Lê Văn Sơn (2009), Phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, Luận văn Thạc sỹ kinh tế, Hà Nội;

4. Nguyễn Mạnh Dũng (2004), Phát triển ngành nghề ở nông thôn, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội;

5. Phòng Thống kê huyện Nam Đông, Niên giám thống kê huyện Nam Đông năm 2016.