Giải pháp phát triển thị trường thẻ Việt Nam giai đoạn 2013-2014

Bùi Quang Tiên

Thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực; một số mặt có tốc độ tăng trưởng nhanh; tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức, thói quen của người dân và doanh nghiệp; đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Đáng chú ý là, hoạt động thanh toán thẻ ngân hàng đang ngày càng có những đóng góp quan trọng, được ưa chuộng bởi tính tiện ích và tiện lợi mang lại.

Giải pháp phát triển thị trường thẻ Việt Nam giai đoạn 2013-2014
Thanh toán bằng thẻ ngân hàng rất được ưa chuộng bởi tính tiện ích và tiện lợi mang lại. Nguồn:Internet

Thực trạng phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng

Một số kết quả đạt được

Về phát hành thẻ: Thẻ ngân hàng tiếp tục là phương tiện thanh toán đa dụng, tiện ích, được các ngân hàng thương mại (NHTM) chú trọng phát triển, có tốc độ phát triển nhanh chóng. Tính đến cuối tháng 03/2013, đã có 52 tổ chức đăng ký phát hành thẻ, số lượng thẻ được phát hành của 48 tổ chức đạt trên 57,1 triệu thẻ (tăng 38,5% so với cuối năm 2011) với khoảng 378 thương hiệu thẻ, trong đó hầu hết là thẻ ghi nợ (chiếm 93,6%), thẻ tín dụng (chiếm 3,1%); tỷ lệ sử dụng thẻ ngân hàng so với các phương tiện TTKDTM khác đang có xu hướng tăng lên. Dịch vụ thẻ ngân hàng phát triển đã giúp NHTM có thêm kênh huy động vốn và phát triển thêm các dịch vụ giá trị gia tăng với nhiều tiện ích khác nhau cung cấp cho khách hàng.

Bên cạnh việc phát triển số lượng thẻ, các NHTM ngày càng quan tâm đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ bằng việc tăng khả năng thanh toán cho chủ thẻ thông qua phát hành thẻ thanh toán đồng thương hiệu và đa ứng dụng có liên kết với các tổ chức khác, như trường học, hãng taxi, hãng hàng không…; chú trọng tăng độ an toàn, bảo mật của thẻ thanh toán như ứng dụng công nghệ Chip trong hoạt động phát hành và thanh toán thẻ, như phát hành và chấp nhận thanh toán thẻ chip chuẩn EMV.

Cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán thẻ tiếp tục được đầu tư và cải thiện: Đến cuối tháng 3/2013, có 46 NHTM đã trang bị máy ATM/POS với số lượng trên 14.300 ATM và hơn 101.400 POS. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các công ty chuyển mạch, các ngân hàng phát hành thẻ hoàn thành kết nối liên thông hệ thống ATM trên phạm vi toàn quốc, qua đó thẻ của một ngân hàng đã có thể sử dụng để rút tiền tại hầu hết ATM của các ngân hàng khác. Để thực sự phát huy tác dụng làm giảm tiền mặt trong việc sử dụng thẻ, NHNN đã chỉ đạo triển khai kết nối liên thông mạng lưới POS và phát triển thanh toán thẻ qua POS. Đến cuối năm 2012, về cơ bản hoàn thành kết nối về kỹ thuật trên toàn quốc, với trên 76.000 POS của trên 720 chi nhánh tổ chức tín dụng và 20.600 đơn vị chấp nhận thẻ đã được kết nối liên thông; số lượng và giá trị thanh toán qua POS tiếp tục tăng nhanh, đạt mức gần 21 triệu giao dịch và 95.000 tỷ đồng; nhận thức về thanh toán thẻ qua POS đã có sự chuyển biến tích cực ở các địa phương, việc sử dụng thẻ thanh toán qua POS đang dần trở nên phổ biến ở các thành phố lớn; nhận thức chung của xã hội về TTKDTM đang thay đổi, xu hướng thanh toán bằng thẻ của dân cư cũng bắt đầu gia tăng. Một số đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT) đã có những nhận thức tích cực về lắp đặt và chấp nhận thanh toán thẻ qua POS.

Hành lang pháp lý cho hoạt động thẻ tiếp tục được hoàn thiện: Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2453/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015, ban hành Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về TTKDTM; đây là các văn bản quan trọng định hướng trong lĩnh vực TTKDTM nói chung và hoạt động dịch vụ thẻ ngân hàng nói riêng. Ngày 28/12/2012, NHNN đã ban hành Thông tư quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa (Thông tư 35), trong đó quy định nguyên tắc thu phí, biểu khung phí theo lộ trình, tổ chức phát hành thẻ không được thu thêm phí ngoài biểu khung phí dịch vụ thẻ đã ban hành, đơn vị chấp nhận thẻ không được thu phí giao dịch POS đối với chủ thẻ, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển bền vững; ban hành Thông tư quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của ATM (Thông tư 36) nhằm thực hiện song hành đồng bộ với Thông tư 35 từ ngày 01/03/2013, qua đó tăng cường nghĩa vụ và trách nhiệm đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng ATM của các tổ chức cung ứng dịch thanh toán có trang bị ATM và các đơn vị liên quan. Liên quan đến hoạt động thẻ, trước đây Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 20/2007/QĐ-NHNN ngày 15/5/2007 về Quy chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng, Quyết định số 38/2007/QĐ-NHNN ngày 30/10/2007 về Quy chế cấp, sử dụng và quản lý mã tổ chức phát hành thẻ ngân hàng và Quyết định số 32/2007/QĐ-NHNN ngày 09/7/2007 về hạn mức số dư đối với thẻ trả trước vô danh.

Đối với dịch vụ ATM, NHNN thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở NHNN chi nhánh, các NHTM có trang bị ATM tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động, rà soát, bổ sung các quy trình, quy định cần thiết trong lắp đặt, sử dụng ATM; phát hiện, xử lý kịp thời những sự cố phát sinh; trong năm qua, mặc dù đôi khi vẫn còn xảy ra các trường hợp trục trặc, ngưng hoạt động, quá tải, gây bức xúc cho khách hàng, nhưng nhìn chung dịch vụ ATM đã đáp ứng khá tốt nhu cầu giao dịch của khách hàng, vấn đề chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn cho người sử dụng cũng đã được chú trọng cải thiện, số vụ phá hoại ATM giảm mạnh; hệ thống được vận hành khá thông suốt và hiệu quả, giảm bớt tình trạng phàn nàn từ phía khách hàng. NHNN đã triển khai một số hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin về các phương tiện, dịch vụ TTKDTM, nhất là kết quả triển khai Quyết định 2453, chủ trương thu phí dịch vụ thẻ nội địa, phát triển thanh toán thẻ qua POS, nhằm giúp cho công chúng, người sử dụng và các tổ chức trong xã hội hiểu, tiếp cận và sử dụng các phương tiện, dịch vụ TTKDTM một cách đầy đủ, kịp thời và tạo được sự chuyển biến bước đầu về thói quen sử dụng tiền mặt.

Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, đơn vị liên quan:

NHNN đã có văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan đề nghị chủ động triển khai hoặc phối hợp NHNN triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời làm đầu mối theo dõi, đôn đốc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra. Nhìn chung, công tác phối hợp giữa NHNN với các Bộ, ngành, địa phương được tăng cường và có chuyển biến tích cực hơn, nhất là phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố để chỉ đạo, triển khai, lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ của Quyết định 2453 vào các chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương.

Ngành Ngân hàng chủ động và tăng cường phối hợp với Bộ Công an, đặc biệt là Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), trong việc phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; thiết lập các kênh trao đổi thông tin để kịp thời phối hợp, xử lý nhiều vụ việc gian lận, lừa đảo trong thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, góp phần giảm bớt rủi ro trong thanh toán, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được kể trên, hoạt động thanh toán thẻ thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

- Cơ sở hạ tầng thanh toán phân bố chưa đều, tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị, nên phát triển dịch vụ thanh toán, nhất là thanh toán thẻ qua POS ở khu vực nông thôn, miền núi còn gặp nhiều trở ngại;

- Thanh toán thẻ nội địa qua POS chưa nhiều; hệ thống đường truyền đôi khi bị tắc nghẽn; doanh nghiệp, người dân còn chưa mặn mà với thanh toán qua POS, tình trạng đơn vị chấp nhận thẻ thu phụ phí của khách hàng thanh toán bằng thẻ chưa được khắc phục triệt để;

- Mặc dù số lượng tài khoản thẻ đã tăng lên đáng kể, nhưng việc sử dụng thẻ để thanh toán cho hàng hoá và dịch vụ chưa tăng tương xứng, do đó tác dụng giảm sử dụng tiền mặt trong thanh toán chưa nhiều, mặt khác làm tăng áp lực đối với việc duy trì hoạt động và tiếp quỹ tiền mặt cho ATM;

- Một số ngân hàng chưa tích cực hoàn thành việc chuyển đổi mã tổ chức phát hành thẻ để mở rộng các dịch vụ giá trị gia tăng cho thẻ thanh toán;

- Công tác thông tin-tuyên truyền về hoạt động thanh toán thẻ của các NHTM đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.

Mục tiêu và giải pháp phát triển thị trường thẻ thời gian tới

Mục tiêu phát triển thị trường thẻ

Mục tiêu phát triển TTKDTM đã được xác định tại Quyết định 2453 là: Đa dạng hóa dịch vụ thanh toán, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử, chú trọng phát triển TTKDTM trong khu vực nông thôn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt về tập quán thanh toán trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý nhà nước.

Phát triển thị trường thẻ ngân hàng đặt trong mối quan hệ và bối cảnh phát triển TTKDTM trong nền kinh tế, cụ thể: Phát triển dịch vụ thanh toán thẻ, trọng tâm là phát triển thanh toán thẻ qua điểm chấp nhận thẻ để giảm thanh toán bằng tiền mặt, tạo thói quen TTKDTM trong bộ phận lớn dân cư. Đến năm 2015, toàn thị trường có khoảng 250.000 thiết bị chấp nhận thẻ được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm.

Giải pháp trong thời gian tới

Để đẩy mạnh phát triển thanh toán thẻ trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn về các dịch vụ, phương tiện thanh toán mới, hiện đại, trong đó có sửa đổi, bổ sung Quyết định 20/2007/QĐ-NHNN, đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn về TTKDTM nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, khuyến khích phát triển thanh toán thẻ.

Thứ hai, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp về thuế hoặc biện pháp tương tự như ưu đãi về thuế đối với doanh số bán hàng hoá, dịch vụ thanh toán bằng thẻ qua POS để khuyến khích các đơn vị bán hàng hoá, dịch vụ tích cực chấp nhận thanh toán bằng thẻ, khuyến khích người dân sử dụng thẻ để thanh toán mua hàng hoá, dịch vụ, khắc phục rào cản, tạo cú huých đẩy nhanh phát triển thanh toán thẻ qua POS; phối hợp với Bộ Tài chính kiến nghị cấp có thẩm quyền quy định các chính sách ưu đãi rõ rệt về thuế (thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập doanh nghiệp) đối với hoạt động thanh toán thẻ qua POS theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, tập trung phát triển, bố trí hợp lý, sắp xếp lại mạng lưới POS, đảm bảo hoạt động hiệu quả, thực chất (nhằm đạt mục tiêu đến cuối năm 2015, toàn thị trường có khoảng 250.000 POS được lắp đặt); trước hết tăng cường lắp đặt, điều chỉnh lại địa điểm lắp đặt máy POS theo hướng tập trung vào những nơi có điều kiện và tiềm năng phát triển thanh toán thẻ như siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở phân phối hiện đại, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, du lịch…; lựa chọn một số địa bàn, thí điểm phát triển thanh toán thẻ qua POS phù hợp với điều kiện ở nông thôn.

- Tiếp tục triển khai và hoàn thành kết nối liên thông hệ thống POS trên toàn quốc trước 31/12/2013; nâng cao chất lượng kết nối liên thông hệ thống thanh toán thẻ, POS trên toàn quốc. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán qua POS bằng các biện pháp đồng bộ để việc thanh toán thẻ qua POS thực sự đi vào cuộc sống; nâng dần số lượng, giá trị giao dịch thanh toán qua POS qua từng năm; phát triển POS theo hướng làm từng bước vững chắc, triển khai tại các khu vực, đối tượng thuận lợi, có tiềm năng trước, tạo sự lan tỏa, mở rộng dần ra toàn xã hội. 

- Phối hợp với Bộ Công thương trong việc yêu cầu các điểm bán lẻ hàng hóa, dịch vụ có đủ điều kiện phải lắp đặt thiết bị POS và chấp nhận thanh toán bằng thẻ; không phân biệt giữa thanh toán bằng tiền mặt với thanh toán bằng thẻ. Quan tâm và xử lý đúng mức vấn đề thu phụ phí của khách hàng thanh toán thẻ qua POS theo đúng các quy định hiện hành; đồng thời nghiên cứu có chế tài, biện pháp xử lý có hiệu quả để đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định này trên thực tế.

- Khuyến khích phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng (để thu phí cầu đường, mua xăng dầu, mua vé xe buýt, đi taxi, chi trả bảo hiểm xã hội ...). Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm phát triển thẻ chi tiêu công.

- Để thúc đẩy phát triển thanh toán thẻ qua POS trong thời gian tới, góp phần thực hiện tốt mục tiêu của Quyết định 2453, NHNN xây dựng Chương trình tổng thể phát triển thanh toán thẻ qua POS giai đoạn 2013 - 2015 nhằm xác định các giải pháp, biện pháp một cách tương đối đồng bộ, xây dựng lộ trình, nhiệm vụ triển khai cụ thể, giao chỉ tiêu phù hợp theo từng năm để đạt được mục tiêu đề ra trong việc phát triển dịch vụ thanh toán thẻ, trọng tâm là phát triển thanh toán thẻ qua POS.

Thứ tư, tập trung thực hiện và hoàn thành Đề án xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán bù trừ tự động cho các giao dịch ngân hàng bán lẻ (ACH) nhằm tạo lập nền tảng kỹ thuật cơ bản cho phát triển thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, thúc đẩy TTKDTM trong khu vực dân cư.

Thứ năm, ban hành các quy định, tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán thẻ, ATM, POS và các phương thức thanh toán sử dụng công nghệ cao. Nghiên cứu, định hướng xây dựng tiêu chuẩn thẻ cho thị trường thẻ nội địa Việt Nam và lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động phát hành và thanh toán thẻ; mở ra cơ hội phát triển mới cho thẻ thanh toán, mở rộng các dịch vụ thanh toán thẻ; đảm bảo khả năng tích hợp giữa các hệ thống thanh toán thẻ.

Thứ sáu, hoàn thành việc chuyển đổi mã tổ chức phát hành thẻ (mã BIN) nhằm mở rộng tích hợp các ứng dụng giá trị gia tăng cho thẻ thanh toán của các ngân hàng phát hành thẻ.

Thứ bảy, NHNN, Hội thẻ ngân hàng và các thành viên Hội thẻ chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng trong việc đẩy mạnh, triển khai tốt hơn công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức về thanh toán thẻ nói chung và thanh toán thẻ qua POS nói riêng cho người sử dụng thẻ, đơn vị chấp nhận thẻ theo hướng tích cực, đầy đủ, tạo thuận lợi cho phát triển thanh toán thẻ qua POS đi vào cuộc sống.

Thứ tám, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiệp vụ phát hành, thanh toán thẻ cũng như kết nối các hệ thống chuyển mạch, thanh toán thẻ để có thể học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt xu hướng của thế giới nhằm ứng dụng có hiệu quả vào Việt Nam.