Giải pháp thu hẹp khoảng cách số trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

ThS. Nguyễn Thị Loan – Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải Thái Nguyên

Trong bức tranh tổng thể toàn cầu, khoảng cách số đang dần được tạo ra khi các nền kinh tế phát triển đạt được nhiều tiến bộ nhờ vào nỗ lực đổi mới công nghệ thông tin và truyền thông.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực tế cho thấy, nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam vẫn chưa nắm bắt triệt để các cơ hội này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh. Bài viết đề xuất một số giải pháp giúp Việt Nam thu hẹp “khoảng cách số” trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam đối với 275 cơ quan, đơn vị tham dự Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam 2017 (diễn ra tại Hà Nội trong tháng 9/2017) cho thấy, có 35,2% tổ chức đã chuẩn bị và sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, trong đó phần đông là các doanh nghiệp (DN) thuộc khối ngân hàng, một số DN công nghệ thông tin (CNTT) và chiếm số đông nhất là các DN, cơ quan quản lý CNTT; 58,7% đã tìm hiểu nhưng chưa biết chuẩn bị gì, chỉ có 6,1% là chưa tìm hiểu gì và chưa biết chuẩn bị như thế nào để đón đầu các cơ hội cũng như ứng phó với tác động từ cuộc CMCN 4.0.

Doanh nghiệp chưa mặn mà với ứng dụng diện toán đám mây

Điện toán đám mây đang là xu thế công nghệ tất yếu của thời đại và là một thành phần nền tảng của cuộc CMCN 4.0. Cụ thể, “khoảng cách số” đang dần lớn khi các nền kinh tế phát triển đạt được nhiều tiến bộ nhờ vào nỗ lực đổi đầu tư và mới CNTT và truyền thông.

Thực tế, dịch vụ điện toán đám mây được đưa ra lần đầu tiên bởi Amazon vào năm 2006 và chỉ chưa đầy 10 năm kể từ khi ra đời, đến năm 2015 điện toán đám mây  đã đảm nhiệm khoảng 75% tổng khối lượng tính toán của các máy chủ.

Tỷ trọng này dự kiến tăng lên 92% năm 2020. Trong giai đoạn 2015-2020, số lượng máy chủ giành cho điện toán đám mây  tăng 15%/năm, trong khi số lượng máy chủ truyền thống giảm 11%/năm. Dung lượng chứa của các trung tâm dữ liệu tăng gần 5 lần (từ 382 Exabytes năm 2015, với điện toán đám mây  chiếm tỷ trọng 65%, lên 1.842 Exabytes năm 2020, với điện toán đám mây  chiếm tỷ trọng 88%).

Trong khi đó, tại Việt Nam vẫn chưa nắm bắt triệt để các cơ hội từ cuộc CMCN 4.0, đầu tư ứng dụng điện toán đám mây sâu rộng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh. Trong một đánh giá mới đây của PGS. Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Singapore, mức chi tiêu cho điện toán đám mây  của Việt Nam hiện nay còn rất thấp (chỉ 1,7 USD/năm 2016). Mức chi này thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan; 1,3 lần so với Philippines.

Kết quả khảo sát nhanh về thực trạng và nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh thực hiện tháng 5/2017 cũng cho thấy, có tới 20% người tiêu dùng/DN chưa sử dụng dịch vụ này bao giờ; 38% DN quan tâm đến tính bảo mật, độ sẵn sàng… của các trung tâm điện toán đám mây và hạ tầng mạng.

Việc tập trung dữ liệu thông qua dịch vụ điện toán đám mây  được xem như là phương thức mới giúp DN giảm thiểu chi phí đầu tư hạ tầng, chuyển qua ứng dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, đa số DN Việt Nam vẫn lo ngại về việc sau khi sử dụng dịch vụ này, nếu xảy ra sự cố bị tấn công hoặc đột nhập, toàn bộ dữ liệu sẽ bị chiếm dụng. Một số người dùng cũng còn e ngại về tính bảo mật khi chuyển toàn bộ dữ liệu riêng tư lên “đám mây”. Họ vẫn yên tâm hơn khi lưu trữ dữ liệu trong máy tính để bàn, laptop, smartphone...

Tận dụng thế mạnh của Việt Nam trong kỷ nguyên Cách mạng 4.0

Đánh giá về thế mạnh của Việt Nam trong CMCN 4.0, các chuyên gia về Công nghệ thông tin – Truyền thông cho rằng: Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh trong CMCN 4.0, nổi trội có 3 lợi thế/thế mạnh quan trọng sau: Nguồn nhân lực; nhận thức và quyết tâm hành động của Chính phủ và hạ tầng CNTT và viễn thông.

Tuy nhiên, để phát huy được những lợi thế trên, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào 3 nội dung cụ thể sau: Đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo. Các DN, tổ chức cũng đề xuất, Việt Nam nên tập trung vào một số ngành nước ta có lợi thế trong CMCN 4.0, bao gồm: CNTT, du lịch, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng và logistic… Cụ thể:

Một là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ cao và các công nghệ số trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tăng cường ứng dụng CNTT trong đổi mới thể chế pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy nhanh cấp độ ứng dụng CNTT xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tạo tiện lợi, văn minh cho người dân trong giao dịch với cơ quan nhà nước và tiếp cận dịch vụ công; xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và DN.

Hai là, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội; đầu tư nâng cao năng lực tiếp thu và làm chủ công nghệ nhất là các công nghệ mới theo xu hướng của cuộc cách mạng số và cuộc CMCN 4.0. Phát triển ngành công nghiệp CNTT Việt Nam thành trung tâm công nghiệp phần mềm, ứng dụng di động và trung tâm dịch vụ an toàn bảo mật thông tin của thế giới.

Ba là, thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp là con đường nhanh nhất để phát triển lực lượng DN, đặc biệt là DN công nghệ cao và tạo những nhân tố phát triển đột phá trong nền kinh tế số. Xóa bỏ mọi rào cản, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mạnh DN tư nhân trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng bậc nhất của nền kinh tế.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực số, biến lợi thế “dân số vàng” thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, tăng nhanh về số lượng và chất lượng đạt chuẩn quốc tế, bắt kịp với các xu hướng công nghệ.

Năm là, các cấp, các ngành, các địa phương, DN và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng số, đồng thời, quyết liệt đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị hoạt động của mình. Đây phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu trong các cơ quan tổ chức của Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương.   

Tài liệu tham khảo:

1. TS. Nguyễn Văn Hùng, Thư viện số trên nền tảng điện toán đám mây;

2. Điện toán đám mây – Xu hướng công nghệ mới tại Việt Nam,
https://www.thongtincongnghe.com/article/23640;

3. Các website: InfoWorld.com, IBM.com, SalesForce.com, Amazon.com, Cloud Academy.com…