Thu ngân sách năm 2012 - Thành công và bài học kinh nghiệm

Năm 2012 được đánh giá là một trong những năm mà nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) gặp nhiều khó khăn nhất. Ngành Tài chính đã thực hiện chủ trương: “Giảm thuế, nuôi dưỡng nguồn thu để tăng thu” thông qua việc đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Với việc triển khai Nghị quyết 13/NQ-CP, NSNN giảm thu 1,2% dự toán tổng thu cả năm 2012 và tổng giá trị thực tế doanh nghiệp (DN) được hưởng tương đương 1% GDP dự tính so với quy mô xấp xỉ 10% GDP của gói kích thích kinh tế năm 2009.

Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, đến hết tháng 11/2012, ngành Thuế đã xử lý miễn, giảm, gia hạn tiền thuế theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ cho khoảng 457.500 lượt DN và hộ sản xuất, hộ gia đình và cá nhân, với số tiền khoảng 19.025 tỷ đồng; trong đó: Thực hiện miễn và gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với khoảng 216.450 lượt DN và hộ sản xuất, hộ gia đình và cá nhân, với số tiền khoảng 11.160 tỷ đồng; Thực hiện miễn, giảm và gia hạn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoảng 203.550 lượt DN, với số tiền khoảng 4.940 tỷ đồng; Gia hạn tiền sử dụng đất cho trên 340 DN, với số tiền gần 2.470 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho khoảng 3.610 DN, với số tiền 445 tỷ đồng; Miễn thuế môn bài năm 2012 cho 33.510 hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối, với số tiền khoảng 10 tỷ đồng…

Giải pháp thu ngân sách nhà nước năm 2013: Nhìn từ bài học năm 2012 - Ảnh 1

Cùng với các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN thì hàng loạt các biện pháp cải thiện và chống thất thu NSNN cũng được triển khai như: cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên đôn đốc kịp thời người nộp thuế; tích cực thanh tra, kiểm tra thuế; chống gian lận thuế, nhất là chống chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI…

Hàng loạt giải pháp nói trên đã mang lại kết quả tích cực cho thu NSNN năm 2012. Tính đến 31/12/2012, tổng thu NSNN cả nước đạt 741.500 tỷ đồng, tức vượt 1.000 tỷ đồng so với dự toán kế hoạch là 740.500 tỷ đồng. Thu từ dầu thô ước đạt ước đạt 128,7% so với dự toán - tăng 1,6% so với thực hiện năm 2011, đạt khoảng 112.000 tỷ đồng. Thu NSNN từ các hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa ước đạt 467.200 tỷ đồng, đạt 96,4 % dự toán và tăng 10,7 % so với số thực hiện năm 2011. Tuy nhiên, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu theo ước tính chỉ đạt khoảng 82 % dự toán và thu từ đất đai ước tính chỉ đạt hơn 65 % dự toán thu. Số thu này cũng phản ánh đúng tình trạng kinh tế năm 2012.

Tình trạng “đóng băng” của thị trường bất động sản đã tác động mạnh đến thu NSNN từ đất đai, đặc biệt là thu ở các địa phương có số thu từ đất đai lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Hầu hết các địa phương đều không đạt dự toán thu NSNN từ đất như Đà Nẵng năm 2012 chỉ đạt 37,1% dự toán thu từ đất.

Đánh giá về tình hình thu NSNN năm 2012, có thể rút ra một vài bài học:

Một là, sự chỉ đạo điều hành kịp thời với những thay đổi của tình hình kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi dự toán NSNN. Chủ trương giảm thuế để tăng thu NSNN của Chính phủ với Nghị quyết 13/NQ-CP là lý do quan trọng giải thích cho sự thành công của năm tài khóa 2012.

Hai là, ngay trong bối cảnh khó khăn kinh tế thì việc tăng cường kiểm tra, giám sát trong quản lý thu thuế, chống thất thu thuế; tập trung xử lý các khoản nợ đọng thuế; triển khai các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi nợ đọng và hạn chế phát sinh số nợ thuế mới cần đặc biệt được quan tâm.

Giải pháp thu ngân sách nhà nước năm 2013: Nhìn từ bài học năm 2012 - Ảnh 2

Ba là, công tác lập dự toán thu NSNN cần có điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn. Lập dự toán năm 2012 trong bối cảnh lạm phát cao của năm 2011 dễ bị thổi phồng nguồn thu, gây áp lực lên điều hành thu NSNN. Do nhiều khoản thuế có tương quan cao với mức giá nên khi mức giá tăng thấp sẽ khó thu đạt dự toán. Hơn nữa, sự sụt giảm của thị trường bất động sản là yếu tố đã được dự đoán từ cuối năm 2011, song nhiều địa phương vẫn lập dự toán thu NSNN quá cao từ nguồn này.

Một số giải pháp thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2013

Theo dự toán NSNN năm 2013 đã được Quốc hội phê chuẩn thì số thu cân đối ngân sách dự kiến là 816.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 545.500 tỷ đồng (thu từ nhà đất dự kiến là 45.707 tỷ đồng), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 166.500 tỷ đồng và từ dầu thô là 99.000 tỷ đồng, bội chi dự kiến là 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 % GDP.

Phân tích tình hình kinh tế và dự toán NSNN năm 2013, có thể thấy việc thực hiện thu NSNN có một số thuận lợi như sau:

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ có thể thoát ra khỏi giai đoạn suy giảm vào giữa năm 2013, góp phần làm tăng thu ngân sách. Năm 2013, hệ số ICOR theo mục tiêu giảm (từ gần 6,7 lần xuống 5,5 lần), do tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm xuống (30% so với 33,5%), do tốc độ tăng trưởng GDP cao lên (5,5% so với 5,03%); tốc độ tăng năng suất lao động cũng cao lên (năm 2012 tăng gần 2,3%, mục tiêu năm 2013 tăng lên 2,7%). Theo ước tính, nếu GDP năm 2013 tăng trưởng đạt 5,5 – 6% thì tăng thu NSNN có thể tăng từ 9-10% so với thực hiện năm 2012, tức là đạt mức theo dự toán.

Thứ hai, các DN và cả nền kinh tế được kỳ vọng sẽ từng bước hồi phục khi lạm phát được kiểm soát và lãi suất cho vay giảm đi. Các biện pháp hỗ trợ DN qua miễn, giảm thuế sẽ từng bước có tác dụng khôi phục lại hoạt động của DN. Điều này góp phần vào việc tăng nguồn thu cho NSNN. Hơn nữa, do lạm phát năm 2012 thấp nên việc lập dự toán thu theo số danh nghĩa cho năm 2013 cũng không bị thổi phồng như đã xảy ra với dự toán năm 2012. Nói cách khác là dự toán thu NSNN năm 2013 sẽ sát với thực tiễn hơn.

Tuy nhiên, thực hiện dự toán thu NSNN năm 2013 cũng sẽ đối mặt với những thách thức không nhỏ:

Thứ nhất, rủi ro của các yếu tố bên ngoài có thể tác động xấu đến tăng trưởng làm giảm nguồn thu NSNN.

Kinh tế Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc khá lớn vào tình hình biến động của kinh tế thế giới (độ mở của nền kinh tế, tính theo quy mô ngoại thương/ GDP trong giai đoạn gần đây lên đến 150%). Tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu khi kinh tế khu vực EU và Mỹ khó khăn thì kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Theo dự báo của IMF vào tháng 12/2012 thì kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 3,6% trong năm 2013 và nhóm các nước phát triển chỉ tăng trưởng ở mức 1,6 %.

Thứ hai, nguồn thu giảm do chính sách miễn giảm thuế của Chính phủ:

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013, tháo gỡ khó khăn cho DN trong đó có gia hạn thời hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế TNDN. Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân mới với sự thay đổi về ngưỡng chiết trừ gia cảnh và thang thu nhập chịu thuế dự kiến sẽ làm giảm thu NSNN. Thu thuế xuất nhập khẩu cũng có thể giảm đi khi Việt Nam tiếp tục cắt giảm thuế suất theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hoạt động xuất nhập khẩu bị tác động của suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, rủi ro kinh tế khiến một số nguồn thu khó đạt dự toán

Việc giải quyết nợ xấu trong hệ thống các ngân hàng thương mại và của hệ thống DN sẽ đòi hỏi chi phí không nhỏ. Về ngắn hạn, các chính sách này có thể làm giảm nguồn thu từ thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân.

Một trong những nguồn thu quan trọng là thu NSNN từ dầu thô cũng sẽ khó tăng khi dự báo giá dầu năm 2013 sẽ ít có biến động mạnh, thậm chí có thể giảm đi nếu tình hình khu vực Trung Đông ổn định.

Thị trường bất động sản chưa khởi sắc sẽ làm nguồn thu từ đất đai tiếp tục khó đạt mục tiêu đặt ra. Theo dự toán, thu NSNN từ đất đai năm 2013 tăng 7,7 % so với dự toán 2012, song trong bối cảnh hiện nay và thực tế tình hình năm 2013 thì cũng sẽ không dễ thực hiện được số thu này.

Bài học từ thực tiễn điều hành thu NSNN năm 2012 và những năm trước đây cho thấy để thực hiện tốt dự toán thu NSNN năm 2013, cần tiếp tục hoàn thiện các giải pháp sau:

Một là, cần tiếp tục thực hiện phương châm “khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu”, bởi tỷ lệ giữa tổng thu NSNN/GDP, mặc dù đã giảm so với năm trước (còn 25,1%), nhưng vẫn còn cao hơn so với định hướng 22- 23%. Ngành Tài chính cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác thực thi các chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi tối đa cho DN, tạo niềm tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực, đảm bảo phương châm hành động theo Tuyên ngôn ngành Thuế :“Minh bạch, chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới” đi vào thực chất. Tổ chức thực hiện tốt 02 Luật thuế mới sửa đổi bổ sung có hiệu lực trong năm 2013; tham mưu trình Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện tuyền truyền, phổ biến rộng rãi trong xã hội; đồng thời nâng cấp đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin; bổ sung, sửa đổi quy trình quản lý để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý thuế.

Theo dự toán NSNN năm 2013 đã được Quốc hội phê chuẩn, số thu cân đối ngân sách dự kiến 816.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 545.500 tỷ đồng (thu từ nhà đất dự kiến là 45.707 tỷ đồng), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 166.500 tỷ đồng và từ dầu thô là 99.000 tỷ đồng, bội chi dự kiến là 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 % GDP.

Ba là, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu ngân sách, thường xuyên kiểm tra, rà soát để nắm bắt kịp thời số lượng, tình trạng hoạt động của DN, hộ kinh doanh trên địa bàn để đưa vào diện quản lý. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, chú trọng việc thanh tra đối với các chuyên đề như: chuyển giá, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, hoàn thuế, hộ kinh doanh cá thể; thanh tra đối với các DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Bốn là, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế nhằm hạn chế nợ mới phát sinh, động viên kịp thời nguồn lực cho NSNN.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh triển khai thực hiện các đề án thuộc Chiến lược phát triển hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, đảm bảo lộ trình và yêu cầu đã đề ra.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính – Dự toán NSNN (nhiều năm);

2. Bộ Tài chính – Quyết toán NSNN (nhiều năm);

3. Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội;

4. Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/05/2012 về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường;

5. “Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 – Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” - Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô (2012);

6. Vũ Sỹ Cường (2011) “La réforme fiscale et les recettes budgétaires : évaluer la flexibilité du système fiscal au Vietnam” - International Conference in Foreign Trade University Vietnam 12/2011.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 2 - 2013

Giải pháp thu ngân sách nhà nước năm 2013: Nhìn từ bài học năm 2012

TS. Vũ Sỹ Cường – Học viện Tài chính

(Tài chính) Việc thực hiện hàng loạt biện pháp tài khóa và tiền tệ chặt chẽ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24/2/2011 của Chính phủ đã mang lại nhiều tác động tích cực đến bình ổn nền kinh tế trong năm 2012 song cũng có những tác động phụ, ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước. Bài viết nhìn lại một số nét khái quát về tình hình thu ngân sách năm 2012, đề xuất những bài học và giải pháp cho thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2013.

Xem thêm

Video nổi bật