Mối lo nợ xấu

Thị trường tiền tệ mà cụ thể là tín dụng luôn có vai trò quyết định đến kết quả tăng trưởng kinh tế đất nước. Dòng chảy tín dụng tại Việt Nam trong thời gian qua xuất hiện sự “nghẽn mạch” đã và đang đe dọa đến “cơ thể” nền kinh tế, khi kết thúc quý I/2013, GDP chỉ tăng 4,89%, kèm theo đó là một loạt chỉ tiêu quan trọng khác đang phát đi những tín hiệu chưa tích cực. Tăng trưởng của các khu vực “xương sống” đóng góp vào GDP như công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp… đều thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ 3 năm liên tiếp gần đây. Dư nợ tín dụng gần như vẫn đóng băng khi chỉ tăng 0,03%... Báo cáo tại Phiên họp Thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa qua cũng cho thấy, doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động trong quý I tăng tới 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số DN thành lập mới giảm 6,8%.

Tổng kết lại tất cả các yếu tố tác động xấu đến thị trường tiền tệ nói riêng và nền kinh tế nói chung trong thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế đã kết luận, đó là do nợ xấu trong nền kinh tế Việt Nam hiện chưa được xử lý hiệu quả. Ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, đây là hệ quả của nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đến DN không tìm ra hướng đầu tư và kinh doanh. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng mất đà và hình thành trạng thái “ngủ quên” trong hoạt động kinh tế. Khi đã rơi vào tình trạng này, thì ngay cả khi có điều kiện thuận lợi, DN, cũng như nền kinh tế phải cần khá nhiều thời gian để lấy lại đà phát triển.

Ông Tuyển cũng cho rằng, trong bối cảnh này, đòi hỏi đặt ra là cần phải có giải pháp xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả, từ đó sẽ khơi thông dòng chảy tín dụng; đồng thời, phải có “phác đồ” điều trị hữu hiệu, không thể kéo dài quá trình “thăm khám”, “hội chẩn” như hiện tại. “Tình trạng này là mối lo chung của xã hội, nếu còn kéo dài sẽ khiến nền kinh tế càng rơi vào suy kiệt. Khi đó muốn cứu cũng không dễ và sẽ tốn kém thêm nhiều chi phí lẫn thời gian. Tuy nhiên, khơi thông dòng chảy tín dụng cũng cần phải đặt vấn đề an toàn thị trường tiền tệ lên hàng đầu, các cơ quan quản lý cần phải có những giải pháp mạnh mẽ để quản lý và xử lý tình trạng này.” – Ông Tuyển nhấn mạnh.

Giải phóng mối lo

Sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhằm xử lý nợ và hạn chế những rủi ro do nợ xấu tác động đến thị trường tiền tệ, DN nói riêng và nền kinh tế nói chung trong thời gian qua là rất quyết liệt. Một trong những giải pháp hạn chế rủi ro cho thị trường tiền tệ đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện mới đây nhất là: Buộc các ngân hàng liệt kê thêm nhiều khoản tín dụng vào dạng nợ xấu theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN ban hành ngày 21/1/2013.

Tinh thần chung của Thông tư 02/2013/TT-NHNN là “siết” chặt hơn để hạn chế rủi ro cho ngân hàng và mở rộng đối tượng phải trích lập dự phòng trong hoạt động tín dụng. Quy định này được kỳ vọng sẽ đưa hệ thống ngân hàng “còn nhiều lỏng lẻo vào trật tự” và “tiệm cận với chuẩn quốc tế”. Đánh giá về những quy định này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là “một cuộc cách mạng” trong quyết tâm xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, thay vì nợ xấu 3-4% thì ở một số ngân hàng có thể sẽ tăng thêm vài ba chục phần trăm.

Trước mắt, NHNN vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN để nhận diện đúng hơn về con số thực, bản chất nợ xấu; Còn lộ trình áp dụng đối với DN thì NHNN không hối thúc thực hiện ngay mà sẽ có lộ trình phù hợp.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình

Tuy nhiên, quy định cũng đã nảy sinh một số vấn đề tác động đến tình trạng nợ xấu của mỗi ngân hàng. Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Agribank: Thời điểm này nếu áp dụng quy định của Thông tư 02/2013/TT-NHNN thì nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng cao và vượt quá sức chịu đựng của hệ thống. Chuẩn mới sẽ khiến nợ xấu tăng và xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp, người dân cũng xấu hơn và họ càng khó tiếp cận vốn. Như Agribank có lượng lớn khách hàng là hộ sản xuất và khoảng 30% số này sẽ khó khăn hơn trong tiếp cận vốn vay.

Bên cạnh các quy định pháp lý mang tính giải pháp mạnh nhằm hạn chế rủi ro từ nợ xấu tác động đến nền kinh tế đã được các cơ quan quản lý triển khai trong thời gian qua, các chuyên gia cũng đưa ra một số giải pháp cơ bản trong xử lý nợ xấu tại các ngân hàng và DN. Những kiến nghị này sẽ góp thêm tiếng nói đến các cơ quan hữu quan, các ngân hàng, DN trong thực thi nhằm giải tỏa mối lo nợ xấu trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể:

Một là, chủ nợ tự tổ chức quản lý hoặc bàn giao khoản nợ xấu cho công ty quản lý nợ trực thuộc để tiếp tục theo dõi các khoản nợ nhằm thực hiện thu hồi nợ thông qua việc xử lý các tài sản đảm bảo khoản nợ, khai thác tài sản đảm bảo, tiếp tục theo đuổi các vụ kiện để thu hồi một phần nợ từ thanh lý tài sản của DN phá sản... Đây là hướng đi được một số ngân hàng thực hiện. Tuy nhiên, thực hiện giải pháp này, các chủ nợ vẫn mất nhiều thời gian và tiền bạc để thu hồi nợ xấu, vẫn phải duy trì một bộ máy, bộ phận riêng để quản lý nợ xấu, cho nên không khả thi.

Hai là, thu nợ có chiết khấu. Đây là hình thức giảm giá trị khoản nợ phải trả cho DN khách nợ, giá trị triết khấu do chủ nợ và DN thoả thuận nhưng theo hướng có lợi cho DN nhằm thúc đẩy khách nợ thanh toán dứt điểm khoản nợ, chủ nợ tuy chịu thiệt một chút nhưng cũng sớm thu hồi được một phần vốn và cắt bỏ được “cục nợ” dây dưa này.

Ba là, bán nợ cho các tổ chức có chức năng mua - bán nợ chuyên nghiệp, đây là phương án xử lý nợ xấu nhanh nhất giúp chủ nợ thu hồi một phần vốn kinh doanh để phục vụ cho các nhu cầu và cơ hội kinh doanh mới, nhằm cải thiện tình hình tài chính. Hiện nay, mới chỉ có Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thực hiện nghiệp vụ này.

Một hướng đi mới trong việc xử lý nợ xấu là chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cấu trúc DN, đây là hoạt động khá mới tại Việt Nam và cũng chỉ có DATC đã thực hiện thành công hoạt động này. Sau khi mua nợ từ các chủ nợ, DATC đàm phán với chủ sở hữu, cổ đông khác của DN để chuyển nợ thành vốn góp. Sau khi trở thành cổ đông, DATC thực hiện các giải pháp tái cấu trúc DN như xoá một phần nợ và lãi, hoãn trả nợ, thay đổi thời gian trả nợ, hỗ trợ về thị trường, quản trị, hỗ trợ về tài chính như cho vay, bảo lãnh… nhằm phục hồi từ DN kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán thành DN hoạt động kinh doanh có lãi, chính hiệu quả hoạt động của DN sẽ tạo nguồn trả nợ cho DATC. Các DN đã được DATC tái cấu trúc thành công đến nay đều hoạt động kinh doanh có lãi, đã trả hết nợ ngân sách, nợ bảo hiểm xã hội, trả gần hết nợ cho DATC, đặc biệt một số đơn vị đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn khoảng 30%.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 5 - 2013

"Giải phóng" mối lo nợ xấu

(Tài chính) “Nợ xấu của hệ thống tín dụng phải tính cả khoản nợ xấu tiềm ẩn và sẽ phát sinh trong tương lai gần nếu không có các giải pháp xử lý hữu hiệu. Nếu tính cả những khoản này, thì tỷ lệ nợ xấu phải ở mức rất cao. Điều này đồng nghĩa, xử lý nợ xấu càng trở thành vấn đề cấp bách và là mối lo không của riêng ai…”, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định về tình trạng nợ xấu hiện nay.

Xem thêm

Video nổi bật