Giải quyết sở hữu chéo sẽ hạn chế được nợ xấu

Q. Nguyễn (TTVN).

Sự tham gia của NH ngoại là chiến lược hay phi chiến lược cũng là một lựa chọn hữu ích để tăng năng lực cạnh tranh cho NH ngoại. Đổi lại hệ thống NH Việt sẽ tăng minh bạch qua đó hạn chế nợ xấu

Giải quyết sở hữu chéo sẽ hạn chế được nợ xấu
Giải quyết sở hữu chéo sẽ hạn chế được nợ xấu?

Xác định được quy mô nợ xấu của các ngân hàng là điều không dễ dàng. Vì vậy, thông qua nợ xấu rất khó để kết luận được sức mạnh vốn của các ngân hàng là như thế nào, cũng như không xác định được giá trị các khoản tài sản thế chấp là bao nhiêu.

Thêm vào đó, cần bao nhiêu nguồn lực tài chính để có thể giải quyết vấn đề nợ xấu của ngân hàng, và nguồn lực này được huy động từ đâu.

Các nhà tham luận đồng tình rằng, các nhà đầu tư trong nước/nhà đầu tư nước ngoài sẽ là một phần nguồn lực tài chính để giải quyết nợ xấu. Nhưng để làm được điều này bắt buộc các nhà đầu tư phải làm rõ được ai thực sự sở hữu ngân hàng, các ngân hàng sở hữu chéo nhau ở mức độ như thế nào, cuối cùng, ai là người có ý kiến quyết định.

Từ phía bên ngoài, nếu một ngân hàng nước ngoài hay NĐT nước ngoài muốn đầu tư vào một ngân hàng Việt Nam, vấn đề sở hữu chéo là một quan ngại lớn. Bởi cuối cùng họ không biết được ngân hàng đó do những ai sở hữu. Nếu mà không nắm rõ người sở hữu ngân hàng là ai sẽ rất khó cho họ đưa ra quyết định đầu tư vốn lớn vào một ngân hàng cụ thể.

Đầu tư vào ngân hàng Việt như một lựa chọn hữu ích để tăng năng lực cạnh tranh cho ngân hàng ngoạiThực tiễn ở Việt Nam cho thấy vai trò của ngân hàng nước ngoài trong hoạt động của ngân hàng Việt Nam là rất quan trọng.

Tuy nhiên, vai trò này quan trọng đến đâu, đóng góp như thế nào lại tùy vào từng ngân hàng cụ thể, và tùy vào quản lý của ngân hàng Việt Nam. Trong một số trường hợp, ngân hàng nước ngoài cần phải nắm tỷ lệ CP lớn mới thực sự tham gia và thay đổi hẵn hoạt động/chiến lược của ngân hàng Việt Nam.

Sự hợp tác giữa ngân hàng nước ngoài với ngân hàng Việt Nam thông qua hình thức góp vốn, cử đại diện tham gia vào HĐQT đã mang đến ít nhiều thành công cho các ngân hàng Việt. Bởi ít nhất, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào ngân hàng đã góp phần nâng cao tính minh bạch của tổ chức, của ngân hàng.

Trong khi đó, từ phía ngân hàng nước ngoài, đại diện của Citibank cho rằng sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài mang tính chất chiến lược hay phi chiến lược thì đây là một lựa chọn hữu ích để tăng năng lực cạnh tranh cho ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Đồng tình quan điểm này, CEO ANZ thừa nhận: Các ngân hàng nước ngoài rất quan tâm đến việc tham gia đầu tư vào ngân hàng Việt Nam. Đúng là các ngân hàng nước ngoài không quan tâm nhiều lắm đến việc nắm quyền chi phối tại các ngân hàng Việt mà họ tham gia, ngoài trừ Mizuho đầu tư vào VCB.

Nên hay không nên tăng “room” cho NĐT nước ngoài trong ngân hàng Việt Nam?

Hầu hết các ngân hàng nước ngoài/tổ chức tài chính quốc tế tham gia đầu tư khoảng từ 10 – 20% vào ngân hàng Việt Nam để có sự kiểm soát/tham gia điều hành/quản lý trong ngân hàng. Nhưng Việt Nam có nên cho phép tăng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại ngân hàng Việt trong thời gian gần tới đây hay không?

Đại diện ANZ cho rằng việc nâng tỷ lệ sở hữu của người nước ngoài liên quan đến từng trường hợp cụ thể, những tính toán trong chiến lược của các ngân hàng cũng như nhà đầu tư và theo lộ trình cụ thể của từng quốc gia.

Triển vọng về việc tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam như thế nào? Theo CEO Citibank Việt Nam, động lực cho việc tăng room là có. Bởi các ngân hàng bao gồm các ngân hàng trên thế giới đều có nhu cầu vốn lớn hơn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn Basel III.

Tăng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài để hạn chế sở hữu chéo ở các ngân hàng Việt

Cho đến nay Citibank chưa có ý định đầu tư vào ngân hàng Việt nào. Theo Tổng giám đốc của Citibank – ông Brett, sở hữu chéo ở Việt Nam quá là phức tạp cho nên sự tham gia của một ngân hàng nước ngoài vào ngân hàng Việt Nam và tăng tỷ lệ sở hữu của ngân hàng nước ngoài có thể giúp giảm tỷ lệ sở hữu chéo giữa các ngân hàng trong nước.

Sự tham gia nhiều hơn của nhà đầu tư nước ngoài vào ngân hàng Việt có thể hỗ trợ cho Nhà nước/Cơ quan quản lý Nhà nước có thể quản lý tốt hơn hệ thống ngân hàng – thị trường sẽ minh bạch hơn, cũng như vấn đề sở hữu chéo và nợ xấu của các ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải đưa ra hướng dẫn thông tư nào đó để xây dựng và làm cho thị trường Việt Nam minh bạch hơn từ quan điểm giám sát và kiểm soát ngân hàng. Xét về lâu dài, việc minh bạch hơn sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam giải quyết các vấn đề nợ xấu tốt hơn.