Giám sát cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước: Giảm đầu mối, bảo đảm hiệu quả quản lý

Theo daibieunhandan.vn

Tuần qua, Đoàn giám sát của Quốc hội (QH) đã làm việc với các bộ, ngành về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Sắp xếp, tổ chức bộ máy và phân cấp cho địa phương là hai trong nhiều nội dung được Đoàn giám sát quan tâm khi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT). Đoàn giám sát cho rằng, các bộ cần tính toán kỹ khi sắp xếp tổ chức, cũng như phân cấp để đồng thời đạt được 2 mục đích: Giảm đầu mối và bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Phân cấp chưa đồng bộ

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN - MT), Bộ NN - PTNT là những bộ, ngành tích cực đẩy mạnh thực hiện phân cấp cho địa phương theo quy định của các luật, nghị định liên quan. Như chia sẻ của Bộ trưởng Bộ TN - MT Trần Hồng Hà, về cơ bản, các công tác để thực hiện trách nhiệm của Nhà nước với người dân trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường đều đã được chuyển giao cho cấp chính quyền gần dân.

Với ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Hà Công Tuấn cho biết, bên cạnh phân cấp quản lý giữa Bộ và chính quyền địa phương trên tiêu chí “cấp tốt nhất” để thực hiện quản lý chuyên ngành, cũng đã có sự phân định nhiệm vụ giữa Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành ở Trung ương với các phòng, ban thuộc Sở NN - PTNT các địa phương.

Từ tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, các bộ đều khẳng định, việc phân cấp cho UBND các cấp đã giúp phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền mỗi cấp trong giải quyết các công việc quản lý nhà nước, phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Nhờ phân cấp, Bộ có điều kiện tập trung hoàn thiện thể chế, quản lý vĩ mô, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật.

Còn địa phương có thêm điều kiện để chủ động thực hiện quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, phân cấp trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường đã giúp người dân, doanh nghiệp được lợi nhiều hơn trong thực hiện các thủ tục hành chính, do giảm đi lại cũng như thời gian chờ đợi.

Đánh giá cao sự tích cực trong thực hiện phân cấp quản lý nhà nước của các bộ, song Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng, thành viên Đoàn giám sát, chỉ rõ: Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định chỉ thực hiện phân cấp, ủy quyền khi bảo đảm điều kiện thực thi nhiệm vụ phân cấp, phân quyền đó.

Vậy sự phân cấp, ủy quyền của các bộ cho địa phương đã bảo đảm điều kiện thực hiện chưa? Việc phân cấp, ủy quyền cần những điều kiện đi kèm nào để bảo đảm sự thống nhất cũng như hiệu quả của quản lý nhà nước?

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ TN - MT Trần Hồng Hà cho biết, việc phân nhiệm vụ cho các địa phương hiện được thực hiện theo quy định tại các luật, nghị định liên quan. Nhìn chung, mới phân cấp về nhiệm vụ, chưa đồng bộ về tài chính, nhân sự, thậm chí phân cấp có lúc chưa phù hợp với điều kiện thực hiện tại địa phương.

Và thực tế cũng chưa thẩm định để phân rõ đâu là nhiệm vụ quản lý nhà nước, đâu là dịch vụ công có thể huy động đơn vị sự nghiệp hoặc xã hội hóa tham gia, nên hầu như chưa thực hiện được việc giao đơn vị ngoài thực hiện dịch vụ công. “Để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, cùng với phân cấp cần bố trí con người và kinh phí thực hiện”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị. 

Tăng biên chế, tăng bộ máy

Báo cáo của Bộ TN - MT, Bộ NN - PTNT đều khẳng định, mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực là phù hợp, tạo gắn kết chặt chẽ hơn trong thực hiện nhiệm vụ, cũng như tăng tính chủ động khi cần chia sẻ nguồn lực giữa các đơn vị.

Vừa qua, việc sắp xếp cơ cấu tổ chức của hai Bộ này đều thể hiện rõ mô hình của một Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, khắc phục căn bản sự trùng lặp, chồng chéo trong phân công, hoặc tổ chức thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị trực thuộc.

Dẫu vậy, từ góc nhìn của Đoàn giám sát, nhiều ý kiến cho rằng, việc cơ cấu, sắp xếp tổ chức bộ máy tại mỗi Bộ còn phải chú ý đến mục tiêu giảm đầu mối quản lý, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Với mục tiêu này, các thành viên Đoàn giám sát nhận thấy có sự khác biệt giữa Bộ TN - MT, Bộ NN - PTNT. Trong giai đoạn 2011 - 2016, nhờ sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức, Bộ TN - MT giảm được 2 đầu mối, chưa kể còn điều chuyển nhiệm vụ giữa các đơn vị giúp giải quyết công việc thông suốt, nhanh chóng hơn.

Còn Bộ NN - PTNT có khoảng 116 đầu mối, và mới thành lập thêm Tổng cục Phòng, chống thiên tai (dù Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã yêu cầu ổn định tổ chức, không thành lập tổ chức mới). Như vậy, về số lượng rõ ràng là có giảm về đầu mối, nhưng trong các cấp như tổng cục lại để tồn tại những vụ có chức năng tương tự như vụ tham mưu tổng hợp của Bộ. Thực tế này gây băn khoăn về mối quan hệ của các đơn vị cấp vụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung lưu ý.

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành chỉ rõ, hiệu quả hoạt động của 4 Tổng cục thuộc Bộ NN - PTNT chưa cao, thậm chí theo số liệu báo cáo còn dẫn tới tăng biên chế, tăng bộ máy. Trong bối cảnh một số bộ, ngành khác (trong đó có Bộ TN - MT) thực hiện sáp nhập đơn vị sự nghiệp về cơ quan quản lý (tổng cục, cục) để tránh cắt khúc, thì Bộ NN - PTNT lại chuyển 4 viện từ các tổng cục về Bộ. Chưa kể, việc thành lập Tổng cục Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ cũng cần xem lại, vì việc thành lập thêm một tổ chức mới, có thể sẽ gây cắt khúc trong quản lý nhà nước ngay trong Bộ.

Việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong mỗi bộ, cũng như phân cấp, ủy quyền cho địa phương đều nhằm giúp tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả, hiệu lực. Và cả hai biện pháp này đều hướng đến việc giảm đầu mối quản lý, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Như cách nói của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Khắc Định, mỗi Bộ cần bám sát Nghị quyết của Đảng, các Luật trong quá trình tổ chức, sắp xếp bộ máy của cơ quan, đơn vị mình. Khi phân cấp, ủy quyền nhiệm vụ cho chính quyền địa phương phải tính đến điều kiện thực hiện, thậm chí chủ động đề xuất với QH nếu việc phân cấp, ủy quyền ấy vượt ngoài thẩm quyền của bộ.