Giám sát tài chính hiệu quả nhằm ổn định nền tài chính

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nhìn vào diễn biến trên thị trường tài chính Việt Nam có thể thấy, sau hơn hai thập kỷ cải cách tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn tồn tại nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay tiềm ẩn các rủi ro về sở hữu chéo giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Từ thực tế này đòi hỏi cần phát triển hệ thống giám sát tài chính hợp nhất nhằm mục tiêu ổn định nền tài chính, phát triển kinh tế.

Giám sát tài chính hiệu quả nhằm ổn định nền tài chính
Việt Nam nên xây dựng mô hình giám sát tài chính hợp nhất. Nguồn: internet

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường tài chính Việt Nam không chỉ gia tăng về số lượng các chủ thể tham gia trên thị trường, đa dạng của các sản phẩm dịch vụ cung cấp, đóng góp đối với sự tăng trưởng kinh tế, mà ngược lại là sự cạnh tranh khốc liệt hơn, mức độ rủi ro cao hơn, bất ổn nhiều hơn, là những mối quan hệ đan xen chằng chịt hơn giữa các chủ thể tham gia thị trường. Tính đến 30.6.2013, chủ thể tham gia thị trường tiền tệ gồm 5 ngân hàng thương mại, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 34 ngân hàng cổ phần, 18 công ty tài chính, 1000 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở… Trong lĩnh vực chứng khoán có tới 694 công ty niêm yết trên sàn giao dịch và 137 công ty đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, 106 công ty  chứng khoán, 47 công ty quản lý quỹ trong nước, 11 ngân hàng lưu ký…

Tuy nhiên, từ chỗ phát triển quá nóng, quản trị nội bộ chưa được coi trọng, trong khi giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước còn bất cập, nên một số ngân hàng thương mại rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản, nợ xấu tăng cao, tiềm ẩn rủi ro hệ thống lớn. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu 9 ngân hàng thương mại yếu kém phải xử lý bằng hình thức và biện pháp khác nhau. Sau hơn 1 năm đã có 2 vụ sáp nhập của 5 ngân hàng, nhưng năng lực của các ngân hàng này vẫn còn yếu.

Về lâu dài, theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính Vũ Nhữ Thăng, nền kinh tế có nhiều bước phát triển, tuy nhiên, hoạt động kinh tế và tài chính doanh nghiệp, tài chính quốc gia có nhiều biến động, đặt ra vấn đề giám sát tài chính quốc gia cần phải bảo đảm tính an toàn, an ninh tài chính quốc gia ở tầm vi mô và vĩ mô. Đó là giám sát tài chính công, thị trường tài chính và tài chính doanh nghiệp, hoàn thiện khung khổ pháp lý trong thời gian tới, bộ chỉ tiêu, công cụ đánh giá, đặc biệt vấn đề công khai minh bạch cơ sở dữ liệu ra công chúng.

Thực tế hiện nay, việc thanh tra, giám sát thị trường tài chính đang thực hiện theo phương thức, các cơ quan quản lý đưa ra quy định gì thì yêu cầu các định chế thực hiện đúng như vậy, điều này có thể gây ra rủi ro từ nhiều khía cạnh. Quy định của chúng ta có khi quá ngặt nghèo hoặc quá lỏng lẻo, nên việc chấp hành có thể khiến tình hình tài chính xấu hơn.

Thậm chí, theo đại diện Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, những rủi ro khác có thể xuất phát ngay từ nội tại các tổ chức, định chế tài chính hay từ nền kinh tế. Những điều này hiện vẫn chưa được xem xét trong cách quản lý, giám sát tài chính. Việc giám sát những rủi ro chéo còn yếu kém do thiếu phối hợp, liên thông của các cơ quan giám sát. Điều này xuất phát từ việc các cơ quan giám sát hiện đang hoạt động độc lập, chỉ giám sát theo chuyên ngành hoặc định chế. Đặc biệt hiện vẫn chưa có cơ quan giám sát tài chính vĩ mô đủ thẩm quyền và năng lực để có thể cảnh báo, ngăn ngừa và xử lý hữu hiệu các loại rủi ro của hệ thống tài chính.

Theo Chuyên gia tài chính cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam Sameer Goyal, Việt Nam nên xây dựng mô hình giám sát tài chính hợp nhất thay vì việc giám sát phân tán như hiện tại. Việc chuyển đổi này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề luật pháp, nhân sự, kỹ thuật, tài chính nhưng hoàn toàn có thể thực hiện dần dần nếu có lộ trình phù hợp. Tiếp tục có những thay đổi trong việc giám sát các hoạt động kinh tế thông qua việc xử lý các dữ liệu. Sử dụng công nghệ thông tin là rất cần thiết và WB đang có nhiều dự án để hỗ trợ Việt Nam trong việc giám sát tài chính công.

Bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia, thực hiện giám sát có hiệu quả hoạt động của nền tài chính quốc gia là yêu cầu không thể thiếu đối với bất kỳ quốc gia nào. Đối với nước ta, Chiến lược Tài chính đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó việc xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, bảo đảm giữ vững an ninh tài chính, tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính cũng được xác định những nhiệm vụ quan trọng cần hướng đến trong giai đoạn tới. Để thực hiện được các mục tiêu này, đòi hỏi cơ chế giám sát tài chính cần tiếp tục được hoàn thiện và đổi mới.