Giảm tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc: Hướng vào thị trường nội địa

Theo Nguyễn Ngọc/daibieunhandan.vn

Tại tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II chiều 11/7, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhấn mạnh: Độ mở rất lớn của nền kinh tế Việt Nam đặt ra nhiều thách thức nếu kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ suy giảm vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Để tăng nội lực của nền kinh tế, giải pháp khả thi là doanh nghiệp tập trung hơn vào thị trường nội địa khi sức mua trong nước càng lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Nguyễn Ngọc/daibieunhandan.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: Nguyễn Ngọc/daibieunhandan.vn

Lạm phát cao, tăng trưởng chậm

Nhóm nghiên cứu của VEPR cho biết, lạm phát bật tăng trong quý II, đạt mức 4,67% vào cuối tháng 6 do sự gia tăng của giá thực phẩm và xăng dầu. Trong khi đó, lạm phát lõi giữ mức ổn định 1,37%, phản ánh chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Thương mại tăng trưởng chậm lại. Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, đạt 63,5 tỷ USD vào cuối quý, ngang với mức khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, dao động mạnh của tỷ giá có thể khiến NHNN phải giảm dự trữ để can thiệp bình ổn thị trường...

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cao bất thường trong khi số việc làm mới suy giảm. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, thu nhập thấp cùng với tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 khiến bức tranh lao động của Việt Nam trở nên đáng lo ngại đối với nhân công giá rẻ. Đặc biệt là nhóm lao động nữ làm việc trong ngành gia công có nguy cơ thất nghiệp cao khi bước đến tuổi 35.

Mặt khác, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng có xu hướng leo thang khiến đồng Nhân dân tệ giảm giá do chính sách trừng phạt của Mỹ. Đối với Việt Nam, việc đồng Nhân dân tệ giảm giá dẫn tới hàng Trung Quốc có thể nghẽn lại. Chính vì vậy, Việt Nam phải chủ động do hàng Trung Quốc có thể cạnh tranh với hàng nội địa.

Các chuyên gia cũng đánh giá, độ mở của nền kinh tề Việt Nam rất lớn (ở mức trên 190%) cũng đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nếu kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ suy giảm vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Do đó, để gia tăng nội lực cho nền kinh tế, giải pháp khả thi là doanh nghiệp tập trung hơn vào thị trường nội địa khi sức mua của thị trường này càng lớn. Nếu bỏ qua thị trường nội địa đầy tiềm năng, khả năng doanh nghiệp nội mất thị phần là rất lớn khi rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

Khó kiểm soát lạm phát ở mức 4%

Trong bối cảnh giá thực phẩm và nhiên liệu không ngừng gia tăng, nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% Quốc hội đặt ra là khó khăn. Muốn đạt mục tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực hết sức của các cấp, đặc biệt là chính sách tiền tệ chặt chẽ của NHNN.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, để có thể tăng trưởng 6,7 - 6,8% thì phải chấp nhận để lạm phát cao hơn mục tiêu đặt ra. Chỉ có như vậy mới tạo được công ăn việc làm cũng như nâng cao mức sống cho người dân, giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển qua bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn hiện nay. Chính phủ nên có chính sách nới lỏng tiền tệ để giúp kinh tế đất nước tăng trưởng, ông Hiếu kiến nghị.

Bên cạnh đó, để đối phó với tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam nên theo đuổi chính sách tỷ giá mềm dẻo, giảm giá đồng Việt Nam so với USD nhưng không giảm mạnh bằng nhân dân tệ.

Với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời có lợi thêm từ việc xuất khẩu sang Mỹ. Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể đồng thời tận dụng hai thị trường lớn này để cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại.

Cho rằng Việt Nam còn phải đối mặt nhiều thách thức trong ổn định kinh tế vĩ mô, nhóm nghiên cứu của VEPR khuyến nghị, bất kỳ đề xuất tăng các khoản thuế tiêu dùng nào (thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt…) cũng cần được xem xét thận trọng trong bối cảnh nguồn thu nước ta ngày càng phụ thuộc vào các loại thuế.

Thay vào đó, Chính phủ nên nghĩ tới việc cải cách các loại thuế tài sản vì tỷ trọng đóng góp vào ngân sách còn khiêm tốn. Tuy nhiên, do các loại thuế này dễ gây cảm giác “đau đớn” cho người nộp thuế, nên trước khi tăng, Chính phủ cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách để có thể thuyết phục người dân.