Giảm thuế: Động lực mới cho doanh nghiệp và thị trường chứng khoán

Theo Đầu tư Chứng khoán

Những cải cách trong dự thảo phương án sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tạo ra động lực mới hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường chứng khoán (TTCK).

 Giảm thuế: Động lực mới cho doanh nghiệp và thị trường chứng khoán
Ảnh min họa. Nguồn: Internet
Bước tiến trong hỗ trợ doanh nghiệp

Cải cách chính sách nhằm tạo động lực hiệu quả, qua đó, hình thành dư địa tốt hơn cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, là nền tảng quan trọng số một cho sự phát triển sôi động, bền vững của thị trường chứng khoán. Điều này phần nào hé lộ qua kịch bản sửa đổi Luật Thuế thuế thu nhập doanh nghiệp, mà Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo đang tiếp tục hoàn chỉnh.

Bước cải cách nổi bật nhất trong dự thảo Luật so với quy định hiện hành là giảm thuế suất chung từ 25% xuống 23%, riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ được áp dụng mức thuế suất 20%. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn mức thuế suất 20% áp dụng đại trà cho tất cả doanh nghiệp, chứ không chỉ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, trong lộ trình cải cách của ngành Thuế, đến năm 2020, thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 20%, nhưng nếu áp dụng mức này ngay từ năm 2014 (dự kiến Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực), thì sẽ tác động tiêu cực đến thu ngân sách nhà nước. Bởi vậy, việc sử dụng bước đệm 23% là hợp lý.

Dự thảo Luật cho phép doanh nghiệp sau khi bù trừ lãi lỗ giữa thu nhập từ chuyển nhượng: bất động sản, dự án đầu tư, quyền tham gia dự án đầu tư... với nhau mà vẫn còn lỗ, thì số lỗ đó doanh nghiệp được bù trừ với thu nhập từ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong kỳ tính thuế.

Theo Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, quy định này sẽ khắc phục được bất cập hiện hành là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản, khi phát sinh lỗ không xử lý được do không được chuyển lỗ vào thu nhập từ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Ccác doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ nhiều năm nay từng có kiến nghị về việc bỏ quy định khống chế trần chi phí quảng cáo, tiếp thị hoặc nới rộng mức trần. Dự thảo loại bỏ một số khoản chi ra khỏi diện chi phí khống chế và nâng trần chi phí cho quảng cáo, tiếp thị từ 10% lên 15% (mức hiện hành chỉ áp dụng cho doanh nghiệp thành lập mới trong 3 năm đầu).

Lần đầu tiên vấn đề vốn mỏng, tình trạng doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, trong khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản rất nhỏ cũng được đưa vào đối tượng điều chỉnh trong lần sửa đổi Luật lần này. Quy định này, ngoài góp phần đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp, chống chuyển giá, còn tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và sòng phẳng hơn.

Thêm kênh tạo tiền cho thị trường chứng khoán

Ngoài các quy định góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp “khỏe” hơn, một nội dung mới trong Dự thảo Luật là bổ sung quy định khoản chi đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện, hoặc quỹ an sinh xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Đáng chú ý, trong Tờ trình Chính phủ về Dự án Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhấn mạnh lý lẽ của việc bổ sung quy định này là Việt Nam đang trong quá trình hình thành mô hình quỹ đầu tư mới và có xu hướng phát triển trong tương lai là quỹ hưu trí tự nguyện. Quỹ này góp phần phát triển thị trường chứng khoán, hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội, giảm bớt gánh nặng chi tiêu ngân sách nhà nước.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia, ngoài miễn thuế đối với các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động của các quỹ này, còn có quy định cho tính vào chi phí được trừ khoản đóng góp vào quỹ. Quy định này tạo ra sự đồng bộ với quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Thu nhập cá nhân, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Theo đó, Luật này quy định, tiền lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả cho người lao động là thu nhập được miễn thuế; đồng thời, thu nhập tính thuế không bao gồm phần đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện. Chính phủ sẽ quy định mức tối đa được trừ đối với khoản đóng góp quỹ này.

Bước chuyển động trên cùng với việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự kiến sẽ triển khai thí điểm mô hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào giữa năm 2013, theo lãnh đạo một công ty quản lý quỹ, sẽ hình thành nền tảng đồng bộ cho ngành Quỹ phát triển sôi động trong những năm tới.

Theo thông lệ quốc tế, các quỹ mở có vị trí rất quan trọng khi triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Hệ thống quỹ mở (gồm quỹ trái phiếu, quỹ thị trường tiền tệ và các loại quỹ cổ phiếu) sẽ tạo nền móng căn bản cho các chương trình hưu trí tự nguyện. Nguồn vốn từ chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện, sẽ được phân bổ đầu tư qua hệ thống quỹ mở chuyên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, thị trường tiền tệ, thị trường cổ phiếu…, do các công ty quản lý quỹ quản lý và vận hành.

Điều này không chỉ mở ra kênh tạo tiền mới lành mạnh cho thị trường chứng khoán, mà còn giúp các công ty quản lý quỹ có nhiều lựa chọn hơn trong triển khai các hình thức đầu tư.