Giao thương với Trung Quốc: Không thể “đánh cờ nước một”

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Bộ Công Thương đang tích cực xác minh thông tin quả vải Trung Quốc tràn ngược vào thị trường Việt Nam là đúng hay sai. Ngày 30/6, TS. Hàn Mạnh Tiến (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) trao đổi rằng, những giải pháp mà Việt Nam đưa ra trong mối quan hệ thương mại với các nước lớn, trong đó có Trung Quốc chỉ là "đánh cờ nước một”, trong đó có chuyện trái vải.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Phóng viên: Thưa ông, ông có thể xác định thông tin quả vải Trung Quốc tràn ngược vào thị trường Việt Nam và ảnh hưởng của nó?

TS. Hàn Mạnh Tiến: Nếu điều đó là có thực thì chúng ta phải xét xem ảnh hưởng như thế nào, để rồi có bước đối phó để người nông dân không bị ảnh hưởng. Thông tin tôi có được, nhập khẩu ngược quả vải đang là diễn biến khó lường.

Hiện nay, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thô. Quả vải ngoài việc xuất đi Trung Quốc, có xuất đi Úc, đi các nước khác, và được đưa liên kết tiêu thụ ở các tỉnh miền Nam. Và trong 3 hướng đi này việc xuất sang Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn.

Vì vậy, khi quả vải Trung Quốc tràn ngược vào Việt Nam khiến cho 3 giải pháp mà chúng ta đang thực hiện sẽ giảm hiệu quả. Người nông dân trồng vải cả  1 năm chỉ mong đến ngày thu hoạch, trong khi công nghệ chế biến sau thu hoạch còn hạn chế. Có thêm quả vải Trung Quốc thì giá quả vải trong nước giảm xuống, người nông dân ta lại thiệt thòi. 

Nhiều mặt hàng Trung Quốc đang tràn ngược vào Việt Nam, ngay cả khi đó là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, Việt Nam hoàn toàn có thể làm ra. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Thực ra, rất khó chặn buôn bán tiểu ngạch. Đối với quả vải, hiện nay cơ quan quản lý đang xác minh đúng hay sai thông tin này, để đưa ra các biện pháp quản lý thị trường sâu hơn; trong đó phải hạn chế con đường tiểu ngạch. Bên cạnh đó chúng ta cần có nghiên cứu kỹ thị trường. Tuy nhiên, theo tôi, không chỉ mặt hàng quả vải mà phải là cả những mặt hàng nông sản, các linh kiện, phụ kiện thậm chí là hàng nguyên liệu để xuất khẩu nữa. 

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Chúng ta hay nói nông sản xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Chúng ta cũng nói hơn 70%  nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu nhập từ Trung Quốc. 6 tháng đầu năm Trung Quốc vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với kim ngạch thương mại ước đạt 20,4 tỷ USD, nhập siêu từ thị trường Trung Quốc lên tới 13,1 tỷ USD. Song cần phải làm rõ và nghiên cứu kỹ, đưa ra các thông số cơ cấu nhập: Chúng ta nhập những mặt hàng chúng ta không làm ra được là bao nhiêu, nhập những hàng chúng ta sản xuất ra được là bao nhiêu.

Nếu phân tích kĩ mới thấy chính xác nền kinh tế chúng ta phụ thuộc vào vào Trung Quốc như thế  nào. Còn nói chung chung thì rất khó. Bây giờ các giải pháp đưa ra để đưa nền kinh tế giảm lệ thuộc không chỉ là những giải pháp như kiểu "đánh cờ nước một”. Cần  có cách nhìn toàn cục và lâu dài. Khi diễn biến thương mại bất thường, chúng ta phải dự báo các tình huống xấu nhất, đưa ra bước đi, cách đối phó để không bị động, không lệ thuộc.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự kiện giàn khoan Hải dương 981 đang diễn ra trên Biển Đông không làm ảnh hưởng tới tình hình sản xuất nội địa, thậm chí có thể thúc đẩy sản xuất phát triển?

Tôi cho rằng điều này vừa đúng vừa sai. Chắc chắn hoạt động giao thương kinh tế sẽ ảnh hưởng nhưng mở ra cơ hội buộc các doanh nghiệp nội địa phải thay đổi, phải hướng tới nền sản xuất giảm lệ thuộc.

Trân trọng cảm ơn ông!