Gỡ mớ bòng bong sở hữu chéo

Lê Đăng Doanh

Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã có quá trình phát triển vượt bậc cả về số lượng các ngân hàng lẫn về tổng mức tín dụng trong những năm qua. Số ngân hàng thương mại cổ phần lên đến 84 ngân hàng năm 1997 và được sắp xếp lại còn 35 ngân hàng thương mại cổ phần tính đến ngày 15-6-2012 , tỷ lệ tín dụng trên GDP đã từ 35% năm 2000 tăng vọt lên 125% năm 2010, một tỷ lệ thuộc loại cao nhất khu vực.

Gỡ mớ bòng bong sở hữu chéo

Thực trạng và hệ lụy chưa được làm rõ đầy đủ

Nhiều ngân hàng tỉnh đã được nâng cấp thành ngân hàng quốc gia, có số vốn tăng nhanh đáng ngạc nhiên, trong đó có góp phần của sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, công ty đầu tư. Bức tranh rất phức tạp và nhiều biến động này hiện nay cần được làm rõ.

Trước hết phải nhắc đến là trong cao trào đầu tư ra ngoài ngành chính, cốt lõi của mình, nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước đã đầu tư vào các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, bất động sản. Thí dụ như tập đoàn Điện lực EVN đầu tư vào Ngân hàng An Bình với 24,3%, tập đoàn Dầu khí Petro Việt Nam đầu tư vào Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu, hai tập đoàn kinh tế nhà nước là Than-Khoáng sản và tập đoàn Cao su có phần hùn trong Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội với tỷ lệ mỗi tập đoàn sở hữu hơn 6%, tập đoàn Dệt - May, tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT đều có đầu tư vào các ngân hàng thương mại.

Mặt khác các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đều sở hữu các ngân hàng thương mại cổ phần khác. Sở hữu chéo ở đây là sở hữu của một pháp nhân hay thể nhân kinh doanh ngành chính phi ngân hàng nhưng đầu tư có cổ phần đa số hay có khả năng chi phối, kiểm soát ngân hàng đó.

Trong khu vực tư nhân, bức tranh còn phức tạp hơn rất nhiều. Thí dụ như Ngân hàng TMCP ACB đang góp vốn vào các ngân hàng TMCP khác như Đại Á, Kiên Long, Việt Nam Thương Tín.

Gỡ mớ bòng bong sở hữu chéo - Ảnh 1Trước hết, sở hữu chéo như thế đã cho phép nhiều ngân hàng cấp tỉnh lách được quy định của Nghị định 141/2006/NĐ-CP về mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng, theo đó vốn điều lệ thực góp của các ngân hàng phải đạt 1.000 tỉ đồng vào năm 2008 và 3.000 tỉ đồng vào năm 2010.

Thông qua sở hữu chéo, cổ đông của ngân hàng A có thể vay tiền ngân hàng B thông qua một công ty đầu tư tài chính của mình để góp vốn vào ngân hàng A và cổ đông của ngân hàng B cũng sử dụng công ty đầu tư tài chính của mình để vay ngược lại ngân hàng A.

Chính điều này đã tạo ra luồng vốn tưởng là góp “tiền tươi, thóc thật” (equity) nhưng thực chất là vốn vay lẫn nhau. Điều này tạo nên lượng “vốn ảo” trong hệ thống ngân hàng thương mại mà quy mô thực của nó chưa được làm rõ.

Hệ lụy thứ hai rất quan trọng mà Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng hiện hành có quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần: một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ một số trường hợp đặc biệt; cổ đông và những người liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng nhằm hạn chế sự thâu tóm ngân hàng trái pháp luật. Kinh nghiệm thực tế cho thấy thông qua những pháp nhân và thể nhân khác, một cá nhân có thể sở hữu vượt quy định này.

Sở hữu chéo cho phép một doanh nghiệp (hay ngân hàng) có tỷ lệ cổ phần lớn trong các ngân hàng thương mại có thể gây áp lực (một cách hợp pháp như qua bỏ phiếu trong hội đồng quản trị với vị thế cổ đông chiến lược) để ngân hàng này cấp vốn đầu tư vào những dự án (dưới chuẩn ) của doanh nghiệp hay ngân hàng “sân sau” của mình. Nguy cơ là quy định bị “vượt rào”, bộ máy sàng lọc theo tiêu chí hiệu quả đầu tư vốn rất nghiêm ngặt của hệ thống ngân hàng thương mại có thể bị tê liệt hay trở nên hình thức. Nguy cơ này đang tiềm ẩn trong vô số các dự án bất động sản đã mọc lên như nấm trong những năm gần đây và nay đang đối mặt với nguy cơ không thể trả được nợ.

Điều các nước rất thận trọng là tách bạch rõ ràng giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại. Thông tư 13/2010/TT-NHNN cũng quy định  hoạt động ngân hàng đầu tư phải được tách bạch khỏi hoạt động của ngân hàng thương mại. Theo đó, ngân hàng không được cấp tín dụng cho công ty trực thuộc hoạt động kinh doanh chứng khoán. Sử dụng quyền sở hữu chéo, ngân hàng A có thể dễ dàng lách quy định này bằng cách tác động qua các kênh khác nhau để ngân hàng B (mà ngân hàng A đang đồng sở hữu) mua trái phiếu của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ của ngân hàng A. Tình trạng “rối loạn” tài chính đã trở thành hiện thực. Cách kinh doanh của ông Nguyễn Đức Kiên đã được báo chí phanh phui trong khi lập ba công ty, lập dự án kinh doanh khống để vay vốn ngân hàng có thể coi là một “đỉnh núi băng” lộ ra trên mặt nước.

Sở hữu chéo cũng cho phép ngân hàng A giấu nợ xấu của mình bằng cách không khai báo nợ xấu mà nhờ ngân hàng B (mà ngân hàng A có sở hữu) cho vay, qua đó giảm được mức nợ xấu phải khai báo và không phải trích dự phòng rủi ro tương ứng. Đó cũng là một trong những lý do khiến Ngân hàng Nhà nước khó nắm được chính xác số nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Chắc chắn rằng còn có thể tiếp tục bổ sung thêm những hệ lụy khác nữa như họ có thể liên kết với nhau để thao túng tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, song các điều này cũng đã đủ để làm an toàn của hệ thống ngân hàng và chất lượng tín dụng của nước ta bị giảm sút đáng kể. Cũng phải lưu ý là chính khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ năm 2008 và ở châu Âu hiện nay đều đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ nhanh chóng lan rộng thành khủng hoảng kinh tế với giá rất đắt về kinh tế và xã hội.

Giải pháp gì?

Câu hỏi đề ra là tại sao có quy định pháp luật tương đối đầy đủ trên giấy tờ nhưng việc lách luật lại có thể diễn ra trên quy mô lớn và lâu đến như vậy? Có “lợi ích nhóm” và “tư duy nhiệm kỳ” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến trong trường hợp này không?

Chắc chắn rằng đề án tái cấu trúc ngân hàng thương mại của Ngân hàng Nhà nước sẽ không chỉ giải quyết khoản nợ xấu đang cản trở dòng lưu thông vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp mà còn phải đề cập đến nhiều vấn đề trọng yếu khác, trong đó có việc sở hữu chéo này. Hiện nay, cơ quan giám sát tài chính-ngân hàng-chứng khoán-bất động sản chưa liên thông, mỗi mảng do một cơ quan riêng biệt đảm trách nên bức tranh toàn cảnh của sở hữu chéo khó được phát hiện và chấn chỉnh. Cải cách thể chế nhà nước quản lý, giám sát hệ thống tài chính - ngân hàng phải được thực hiện đồng bộ, bảo đảm sự giám sát thông suốt giữa ngân hàng-chứng khoán-bất động sản là rất cần thiết để làm rõ bức tranh phức tạp đã hình thành và tìm cách ngăn chặn sự lặp lại sở hữu chéo trong tương lai.