Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong TOP 10 thành phố năng động nhất thế giới

Theo TTXVN

Kể từ khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhóm họp vào tháng 1/2016 ở Davos, nhiều biến động lớn về chính trị có lên quan tới chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên dường như đã định hình lại các khu vực trên thế giới với tốc độ đáng kinh ngạc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, các thành phố ủng hộ và nuôi dưỡng những thay đổi công nghệ cũng đã thể hiện động lực đáng kể và đóng một vai trò nổi bật hơn trong việc định hình môi trường của chúng ta.

Đổi mới và công nghệ là then chốt

Khả năng đón nhận thay đổi nhanh chóng của một thành phố quyết định khả năng cạnh tranh của thành phố đó trên thế giới, cả hiện nay và trong tương lai, theo Chỉ số Động lực Thành phố (CMI) năm 2017 của JLL.

Với việc hơn một nửa dân số thế giới hiện đang sống tại các thành phố, và đô thị hóa đang gia tăng theo cấp số nhân, thành công của các đô thị càng trở nên cấp thiết. Các yếu tố nổi bật đặc trưng cho các thành phố năng động nhất trên thế giới là công nghệ và đổi mới - và các thành phố hấp thụ, thích ứng và cân bằng các động lực này tốt nhất sẽ trở nên nổi trội.

Mặc dù các thành phố năng động nhất được trải đều khắp thế giới, song hơn một nửa trong số 30 thành phố đầu tiên trong bảng xếp hạng năm 2017 là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bangalore, trung tâm công nghệ của Ấn Độ, xếp ở vị trí thứ nhất. Trên thực tế, Ấn Độ đã chiếm vị trí dẫn đầu từ tay Trung Quốc để trở thành nơi có những thành phố thay đổi nhanh nhất thế giới, khi có 6 thành phố nằm trong danh sách, so với 5 thành phố của Trung Quốc.

Hai thành phố lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều có tên trong tốp 10 thành phố năng động nhất, trong đó thành phố mang tên Bác đứng ở vị trí thứ 2.

Danh sách các thành phố năng động nhất thế giới theo Chỉ số động lực thành phố (CMI) của JLL năm 2017:

1. Bangalore (Ấn Độ)
2. TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam)
3. Thung lũng Silicon (Mỹ)
4. Thượng Hải (Trung Quốc)
5. Hyderabad (Ấn Độ)
6. London (Anh)
7. Austin (Mỹ)
8. Hà Nội (Việt Nam)
9. Boston (Mỹ)
10. Nairobi (Kenya)

Điều đã trở nên rõ ràng là việc các thành phố này đang ngày càng mang tính mạng lưới và phần lớn đang phát triển vượt trội so với các nền kinh tế quốc gia của mình. 

Dù là các trung tâm công nghệ khu vực mới như Nairobi, các cửa ngõ toàn cầu lâu đời như London, hay các thành phố toàn cầu đang lên như Thượng Hải, những thành phố này đã tích hợp sự thay đổi và công nghệ vào DNA của mình.

Hơn nữa, các thành phố thành công nhất tìm cách duy trì động lực và sự đổi mới bằng việc nuôi dưỡng các khả năng nghiên cứu và giáo dục của mình, và bằng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Môi trường và nhà ở là các yếu tố bổ sung

Khả năng sinh sống cũng đang nổi lên như một động lực ngày càng quan trọng, vì đó là chìa khóa để thu hút nhân tài. Ví dụ, các giới hạn về khả năng chi trả và không gian ở San Francisco (số 21) đóng góp vào việc đẩy thành phố này ra khỏi tốp 20 lần đầu tiên và đẩy Hong Kong ra khỏi tốp 30.

Môi trường cũng đang ngày càng trở thành một yếu tố quyết định then chốt trong chỉ số. Mặc dù nằm trong tốp 30, nhưng Delhi (số 23) và Bắc Kinh (số 15) đã bị cản trở bởi số điểm môi trường thấp.

CMI không phải là một thước đo các thành phố “tốt nhất” để đầu tư. Mục đích của nó là xác định sự thay đổi và chỉ ra các thành phố hay khu vực đô thị nào chuẩn bị tốt nhất để cạnh tranh trong môi trường kinh tế luôn thay đổi ngày nay.

Mặc dù thứ tự các thành phố thay đổi qua từng năm, song chỉ có 3 thành phố là London, Thượng Hải và Thung lũng Silicon là luôn có mặt trong tốp 10 kể từ khi chỉ số này được công bố lần đầu vào năm 2014.

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong TOP 10 thành phố năng động nhất thế giới - Ảnh 1


Động lực ngắn hạn so với động lực dài hạn 

Chỉ số xem xét 42 biến số của 134 thành phố hoặc khu vực đô thị. Các yếu tố này có thể được nhóm thành 3 khu vực: 2 phản ánh sức mạnh cho các thay đổi ngắn hạn và 1 được sử dụng để xác định tính bền vững kinh tế dài hạn.

Bộ yếu tố đầu tiên, chiếm 40% điểm số chung, bao gồm các yếu tố kinh tế-xã hội như GDP, dân số, hành khách hàng không, trụ sở công ty và đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Bộ yếu tố thứ hai, chiếm 30%, tập trung vào động lực bất động sản thương mại, bao gồm các thay đổi liên quan tới xây dựng, giá thuê nhà, đầu tư và tính minh bạch, khu vực bán lẻ và khách sạn.

Nhóm thứ 3 bao gồm khả năng đổi mới và sức mạnh công nghệ, quyền tiếp cận giáo dục và chất lượng môi trường. Nó chiếm 30% chỉ số. Không có sự tập trung vào giáo dục và môi trường, không có các hoạt động kinh tế và kinh doanh mạnh mẽ khuyến khích các công ty khởi nghiệp và các ứng dụng mới, không có sự chuẩn bị cho tương lai, các thành phố này có thể bị thụt lùi.

Sự chuyển dịch về mô hình

Lùi lại một bước, ta sẽ nhận thấy một mô hình dựa trên vị trí của từng thành phố trên đường cong tiến triển. Ở một đầu là các thành phố “đã được thiết lập lâu đời” của thế giới, chẳng hạn như London (số 6), New York (số 14), Paris (số 17) và Los Angeles (số 27), vốn tiếp nhận các thay đổi và công nghệ hỗ trợ và bổ sung cho các doanh nghiệp đa dạng.

Các thành phố “giàu tiềm năng,” chẳng hạn như thành phố Hồ Chí Minh (số 2) và Hà Nội (số 8) - đều của Việt Nam. Các thành phố này tiếp tục thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đặt cược vào sự thay đổi từ hoạt động sản xuất thù lao thấp sang các hoạt động giá trị cao.

Nairobi (số 10) là một thành phố phát triển nhanh và đang trải qua thời kỳ phát triển bùng nổ, cũng nằm trong danh sách các thành phố có khả năng trở thành trung tâm công nghệ khu vực.

Mặc dù châu Á-Thái Bình Dương có nhiều đại diện nằm trong tốp 30, động lực phát triển của một số thành phố ở khu vực này đã chậm lại.

Tokyo và Seoul, vốn nằm trong tốp 20 năm ngoái, đang trải qua thời kỳ giảm tốc tăng trưởng kinh tế ngắn hạn và động lực bất động sản. Singapore và Hong Kong nằm trong số các thành phố cạnh tranh nhất thế giới. 

Tuy nhiên, Singapore đã bị cản trở bởi tăng trưởng trung bình về lực lượng lao động và các thị trường văn phòng và bán lẻ đình trệ. Phí cho thuê văn phòng giảm, mạng lưới cung cấp hoạt động yếu và các chỉ số cơ bản về bán lẻ bất động sản kém đã khiến thành phố này giảm điểm.

Trong một năm mà các kết quả chính trị có thể coi là kịch tính hơn các tiến bộ công nghệ, chỉ số này đã nêu bật những thay đổi kinh tế đáng kể nhất. Khi chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ quét qua nhiều nền kinh tế phát triển, các thành phố năng động nhất thế giới lại liên kết chặt chẽ hơn bao giờ hết và tiếp nối quá trình toàn cầu hóa.

Sự năng động, năng lượng và niềm khao khát thu hút, quyết định và tạo nên thay đổi đang định hình trải nghiệm đô thị và tương lai của nó. 

Đó không phải là một vai trò nhỏ khi xét tới việc đến năm 2050, dân số đô thị của thế giới dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với vào đầu thế kỷ. Điều này có các tác động về chính trị, khi các thành phố phô diễn sức mạnh của họ đối với tương lai của thế giới.

Nhìn về phía trước, ta nên theo dõi các tác động của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc và sự xuống cấp về môi trường lên các thành phố này và cách họ thích ứng với các thách thức đó. Ta cũng nên lưu ý tới đầu tư vào cơ sở hạ tầng, một yếu tố then chốt tác động lên chất lượng cuộc sống, kinh doanh và bất động sản.

Xét cho cùng, lịch sử chứa đầy những câu chuyện về các thành phố từng là vĩ đại lại tỏ ra trì trệ và quên đi sức mạnh của sự thay đổi. Khi những sức mạnh đó dồn dập đổ về từng giây một, giờ đây không thành phố nào được ngơi nghỉ, dù chỉ một tích tắc.