Hài hòa giữa hiệu quả tài chính và xã hội trong tài chính vi mô

Thái Hằng

(Tài chính)“Sự hài hòa giữa hiệu quả tài chính và xã hội trong tài chính vi mô (TCVM)” chính là mục tiêu mà các tổ chức TCVM luôn luôn trăn trở trong quá trình hoạt động của mình.

Các tổ chức TCVM hoạt động trên thị trường Việt Nam chỉ mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của người nghèo. Nguồn: internet.
Các tổ chức TCVM hoạt động trên thị trường Việt Nam chỉ mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của người nghèo. Nguồn: internet.

Tìm hướng tiếp cận mới

Theo nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các khoản tín dụng của TCVM nhỏ ở Việt Nam tương đương 4% GDP. Tuy nhiên, các tổ chức TCVM hoạt động trên thị trường Việt Nam chỉ mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của người nghèo, 60% còn lại với khoảng hơn 12 triệu người còn lại với khoảng hơn 12 triệu người nghèo chưa tiếp cận được những dịch vụ này.

Trước đây, nhiều tổ chức TCVM quan tâm quá nhiều đến hiệu quả tài chính của hoạt động nên ảnh hưởng đến lợi ích của các thành viên tham gia. Minh chứng thường thấy là lãi suất quá cao vượt quá khả năng chi trả của người vay hoặc là cho vay vượt quá khả năng hoàn trả đã dẫn đến việc người nghèo bị rơi vào bẫy nợ nần khó có khả năng trả.

Thậm chí, hiện còn có rất nhiều dự án phát triển khác cũng sử dụng TCVM như một công cụ đòn bẩy kinh tế cho những nhóm yếu thế trong xã hội nhưng lại thiên nhiều về xã hội như cho vay không lãi suất hoặc lãi xuất quá thấp (bao cấp) hay vay mà không tính đến yếu tố quay vòng, không chú trọng đến tính bền vững về mặt tài chính của hoạt động TCVM.

Chưa kể hiện nay, số lượng TCVM không đủ đáp ứng nhu cầu tín dụng nhỏ, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đã được thành lập hơn 15 năm chỉ chiếm 1/10 số xã, phường trong nước. Số thành viên cũng chỉ chiếm 1/10 hộ gia đình tham gia. Từ đó có thể thấy rằng, sự thiếu tin cậy của người dân, chính quyền, các địa phương đối với phong trào hợp tác xã.

Mô hình tài chính vi mô đang ngày càng hoàn thiện song song với quá trình bùng nổ của lĩnh vực tài chính hết sức đặc biệt này. Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để phát triển nhiều hơn nữa ngành tài chính vi mô. Hoàn thiện nguồn cung tài chính, khơi dậy nguồn cầu tài chính và hướng đến việc sử dụng bền vững, hiệu quả các khoản tiền vi mô là những điều tài chính vi mô Việt Nam trong tương lai cần hướng tới.
Nguồn: INFI.

Đa số ý kiến đều cho rằng thị trường TCVM truyền thống tại Việt Nam là chỉ để phục vụ cho số người nghèo và những người thu nhập thấp và hộ thu nhập thấp hiện nay. Ngân hàng chính sách xã hội, một số Quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức TCVM bán chính thức vẫn là những nhà cung cấp tín dụng chủ yếu.

Lĩnh vực TCVM đang trong giai đoạn phát triển và từng ngày từng giờ những tổ chức này vẫn đang tìm tòi những hướng đi tốt để tiếp cận sâu rộng hơn tới cộng đồng những người yếu thế. Tuy nhiên, để làm được điều này theo ông Sebastian Dinjens, Giám đốc mạng lưới trao đổi về chuyên môn TCVM ở khu vực châu Á (INFI) cho rằng, những tổ chức TCVM cần phải chuyên nghiệp hóa hơn trong quản lý hiệu quả xã hội và thiết kế những sản phẩm phù hợp đặc biệt với nhu cầu của những người nghèo và yếu thế.

Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Tiêu chuẩn quản lý hiệu quả xã hội (SPM) đã ra đời và việc áp dụng bộ tiêu chuẩn này sẽ là một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này. “Bộ tiêu chuẩn phản ánh một mối quan ngại rằng các tổ chức TCVM đã không còn tập trung vào khách hàng. Hầu hết các tổ chức này đều khẳng định tăng cường lợi ích cho các khách hàng, nhưng trong hai thập kỷ qua nhiều tổ chức đã tập trung vào bền vững tài chính hơn là nhu cầu của khách hàng. Nhiều tổ chức trong số đó tập trung vào kết quả tài chính vì họ chỉ quản lý hiệu quả tài chính. Còn các tổ chức có mục tiêu xã hội cũng phải quản lý hiệu quả xã hội của mình. Bằng việc định nghĩa và đẩy mạnh quản lý hiệu quả xã hội, bộ tiêu chuẩn sẽ góp phần hướng sự tập trung của các tổ chức trở lại vào khách hàng”, Ông Sebastian Dinjens, Giám đốc INFI chia sẻ.

Để người nghèo không phải đối mặt với rủi ro

Trong bối cảnh hiện nay, với việc các loại hình làm ăn kinh doanh lớn nhỏ khác nhau đều chấp nhận và khuyến khích phát triển, việc hỗ trợ các nhóm đối tượng chịu thiệt thòi tiếp cận với nền kinh tế thị trường là điều phù hợp, thay cho cách tiếp cận mang tính nhân đạo trước đây. Nhiều chương trình và dự án sử dụng các công cụ tài chính để giúp những người yếu thế trong quá trình phát triển kinh tế có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Ông Sebastian Dinjens cho biết, rất nhiều tổ chức đang làm việc với những người dân ít được đào tạo, thậm chí là mù chữ. Họ thường sống ở những vùng nông thôn với nền kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, cho nên việc gia tăng thương mại với các nước đang mở ra nhiều cơ hội nhưng những người dân không có vốn để sản xuất ở dạng quy mô lớn đáp ứng cho thị trường này. Trong khi đó những khoản họ có thể tiết kiệm được lại thường không đủ cho những nhu cầu đầu tư. Đây chính là lúc mà TCVM có thể tác động bằng cách đưa ra những khoản vay để người dân đầu tư và phát triển làm ăn mà không phải đối mặt với nhiều rủi ro. Tuy nhiên điều này cũng yêu cầu các tổ chức TCVM phải có kiến thức về nhu cầu của những khách hàng và sẵn sàng đầu tư vào những mối làm ăn nhỏ của người dân nghèo Việt Nam.

Trên tinh thần đó, các hoạt động can thiệp về TCVM của INFI hiện nay, chủ yếu nhằm mục đích cải thiện sinh kế cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và cộng đồng. Trong một số trường hợp, các hoạt động TCVM cũng hướng đến việc tạo ra tính bền vững về mặt tài chính cho các chương trình, dự án.

“Trong các chương trình và dự án của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam và INFI thực hiện, đã có 115 quỹ tín dụng vi mô và tiết kiệm được thành lập, cung cấp vốn vay cho hơn 7.000 hộ gia đình với tổng số vốn lên tới 14 tỷ đồng tính đến năm 2013. Ban đầu, nhiều người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn không dám vay vốn hoặc không quen với việc sử dụng vốn vay. Đến nay họ đều có khả năng sử dụng đồng tiền vay mượn và tiền tiết kiệm để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đầu tư kinh doanh nhỏ hay mở rộng quy mô sản xuất. Trong tương lai, chúng tôi không chỉ hướng đến việc tăng cường phát triển doanh nghiệp vi mô cá thể và nhóm, mà còn hỗ trợ các nhóm sản xuất để giúp các nhóm này phát triển thành các doanh nghiệp nhỏ có khả năng tạo ra nhiều cơ hội việc làm và cải thiện sinh kế cho những đối tượng chịu thiệt thòi”, ông Sebastian Dinjens thông tin.