Hạn chế những bấp cập trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

PV.

Các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản pháp luật liên quan thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, các chính sách và việc tổ chức thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp này còn một số hạn chế, bất cập.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những hạn chế trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo các chuyên gia và nhận định từ phía cơ quan quản lý nhà nước, về chính sách, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP nhưng chịu sự điều chỉnh của các luật trong các ngành, lĩnh vực khác (như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu, Luật Khoa học và Công nghệ, các Luật về thuế…). Vì vậy, hiệu lực thực thi của Nghị định số 56/2009/NĐ-CP chưa cao, dẫn đến việc thực hiện hỗ trợ DNNVV trong thực tiễn chưa hiệu quả.

Các chính sách quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể dẫn đến kết quả hỗ trợ còn hạn chế, chính sách hỗ trợ chưa đi vào cuộc sống. Điển hình là các chính sách hỗ trợ tài chính, mặt bằng sản xuất, hỗ trợ mua sắm công, ươm tạo DN...

Bên cạnh đó, Nghị định số 56/2009/NĐ-CP quy định kế hoạch và chương trình trợ giúp phát triển DNNVV, song lại không quy định nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện, chưa tạo ra cơ chế hình thành nguồn kinh phí dành riêng hỗ trợ DNNVV mà chủ yếu lồng ghép vào các chương trình, chính sách hiện hành theo ngành, lĩnh vực.

Về tổ chức thực hiện, việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp DNNVV còn chậm. Một số chính sách như bảo lãnh tín dụng tại các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV các tỉnh, thành phố và qua hệ thống Ngân hàng phát triển Việt Nam, hỗ trợ tài chính thông qua Quỹ Phát triển DNNVV… mặc dù đã được ban hành từ nhiều năm trước nhưng khi thực hiện còn nhiều vướng mắc.

Một số chương trình mất nhiều thời gian để xây dựng các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện, từ 2 đến 3 năm, trong khi thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 5 năm.

Nội dung nhiều chương trình trợ giúp DNNVV còn dàn trải, chưa tập trung hoặc chưa gắn kết với nhau làm cho các DNNVV chưa tiếp cận hay nhận được sự hỗ trợ một cách thuận lợi. Trong khi đó, đối với một DN, muốn phát triển bền vững thì phải có đầy đủ các yếu tố tài chính, công nghệ, thông tin, thị trường… do đó, cần có sự hỗ trợ mang tính tổng thể, toàn diện, liên kết chặt chẽ đồng thời có trọng tâm của Nhà nước.

Cơ chế điều phối hoạt động hỗ trợ DNNVV giữa các Bộ ngành, giữa Trung ương và địa phương cũng chưa hiệu quả. Hệ thống cơ quan, tổ chức thực hiện hỗ trợ DNNVV từ Trung ương đến địa phương chưa được hình thành đầy đủ, nhất quán. Cơ chế báo cáo, công khai minh bạch thông tin, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ chưa được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ.

Bên cạnh đó, một vấn đề tồn tại khác là chưa có cơ chế thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với việc xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV trong khi nguồn ngân sách nhà nước hạn chế. 

Những hạn chế nêu trên được đã làm cho những chính sách và chương trình hỗ trợ của Nhà nước chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ phát triển của cộng đồng DNNVV. Trong khi đó, các DNNVV rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tích cực vào việc tạo ra việc làm và thu nhập, đóng góp vào quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tạo ra một nền kinh tế năng động và hiệu quả.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Yêu cầu cấp bách từ thực tiễn

Hỗ trợ DNNVV là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tại kỳ họp Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó có nhiều nội dung nhằm hỗ trợ đối tượng DN này phát triển.

Theo Dự thảo Luật, chương trình hỗ trợ trọng tâm DNNVV mang tính chọn lọc, chuyên biệt nhằm góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế, bao gồm: chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành.

Dự thảo Luật cũng dành một chương làm rõ nội dung về quản lý nhà nước và nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Luật tập trung nguồn lực ưu tiên cho các DN như DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, DN chuyển từ hộ kinh doanh, DNNVV trong lĩnh vực sản xuất chế biến, DNNVV tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực, địa bàn và khả năng nguồn lực của quốc gia trong từng thời kỳ.

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chương II của dự thảo luật quy định cụ thể gồm hỗ trợ gia nhập và rút khỏi thị trường, tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ.

Ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Đây là những hỗ trợ cơ bản, thiết yếu đối với tất cả các DNNVV. Trừ nội dung giảm thuế thu nhập, các nội dung hỗ trợ còn lại tại chương này không hỗ trợ tài chính trực tiếp, không bao cấp cho DNNVV. Những hỗ trợ cơ bản này được thực hiện thông qua cơ chế chính sách để hỗ trợ các tổ chức, DN trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV. Những hỗ trợ này không vi phạm những cam kết quốc tế vì đối tượng là DNNVV được loại trừ trong các cam kết mà Việt Nam là thành viên”.

Ông Dũng cho hay, dự thảo luật quy định về ngân sách hỗ trợ và dự toán ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV và huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cho hỗ trợ DNNVV. Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định cơ chế điều phối công tác hỗ trợ DNNVV, cơ chế công khai, giám sát và đánh giá hỗ trợ DNNVV.