Hạn chế rủi ro tỷ giá bằng hợp đồng phái sinh

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trên thị trường thế giới, giá USD đang tăng so với nhiều đồng tiền khác, trong đó có euro. Đây lại là hai trong số những đồng tiền giao dịch chính thức trong các hợp đồng xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp nên sử dụng các dịch vụ phái sinh tiền tệ để giảm rủi ro trong hoạt động xuất, nhập khẩu.

Hạn chế rủi ro tỷ giá bằng hợp đồng phái sinh - Ảnh 1
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
Phóng viên: Ông bình luận thế nào về tác động của việc tăng giá đồng USD đến thị trường trong nước?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Giá USD trên thị trường thế giới đã tăng vài ngày, nhưng giá USD trong nước hiện vẫn ổn định. Bởi, các yếu tố trên thị trường hiện không ảnh hưởng và gây phá giá đồng Việt Nam. Cung - cầu vẫn đang ổn định, cán cân vãng lai thặng dư. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã dự trữ ngoại hối từ 30 - 40 tỷ USD. Hơn nữa, nhu cầu nhập khẩu hiện chưa tăng đột biến, tuy vẫn đang nhập siêu, nhưng chưa có nhu cầu ngoại tệ lớn đột biến. Do vậy, chưa cần phá giá VND ở thời điểm này.

Tuy nhiên, nhiều nước hiện đã hạ giá đồng tiền của mình so với USD?

Có khoảng 20 nước đã hạ giá đồng tiền, chủ yếu là để hỗ trợ phục vụ hoạt động xuất khẩu. Với một số nước, việc giảm giá trị đồng tiền của họ so với đồng tiền nước khác sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của họ. Nhiều quốc gia ở khu vực châu Âu hay Nhật Bản, Trung Quốc đang tỏ ra lo ngại phát triển kinh tế không đạt như kỳ vọng nên muốn đẩy mạnh xuất khẩu. Khi đó, các quốc gia này đã thực hiện chính sách giảm giá đồng tiền trong nước.

Một số chuyên gia kinh tế lo ngại, có khả năng xảy ra chiến tranh tiền tệ. Trong khi các nước hạ giá đồng tiền mạnh mà nước ta lại không hạ giá đồng Việt Nam, thì các doanh nghiệp nước ta sẽ gặp bất lợi về xuất khẩu. Đây là vấn đề cần quan tâm, song chúng ta vẫn chưa cần thiết phải thực hiện phá giá đồng tiền của ta, bởi các yếu tố thị trường cho thấy chưa cần thiết và vẫn nên ổn định tỷ giá ở thời điểm này. Đầu năm đã thực hiện phá giá 1%, từ nay đến cuối năm chỉ còn dư địa 1% theo mục tiêu đề ra của NHNN là không phá giá quá 2% tỷ giá trong năm nay.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện thanh toán bằng nhiều đồng tiền chính như euro, yen Nhật, USD. Vậy, đồng USD tăng giá tác động đến doanh nghiệp như thế nào?

Điều này tác động đến doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu theo những mức độ khác nhau. Nếu một doanh nghiệp nhập khẩu thanh toán bằng USD, lo ngại giá USD sẽ tăng mạnh trong những tháng tới và VND sẽ mất giá, thì có thể mua một hợp đồng tương lai tại ngân hàng. Đây là loại hợp đồng mua ngoại tệ tương lai trong vòng 30, 60 hoặc 90 ngày tới. Theo đó, doanh nghiệp phải cam kết mua vào một lượng ngoại tệ trong 60 ngày tới với ngân hàng, 1 triệu USD chẳng hạn, để thực hiện thanh toán hợp đồng nhập khẩu. Giá mua USD được doanh nghiệp và ngân hàng thỏa thuận và xác định rõ trong hợp đồng. Đây là phương thức giúp các doanh nghiệp tránh rủi ro của việc tỷ giá biến động mạnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trong nước vẫn chưa sử dụng loại hợp đồng này bởi chưa thực sự hiểu và nắm bắt thông tin về hợp đồng tương lai. Ngoài ra, tỷ giá của nước ta hiện vẫn được giữ ổn định qua nhiều năm, nên các doanh nghiệp chưa nhận thức đủ về rủi ro này.

Còn các doanh nghiệp thanh toán, giao dịch bằng cả USD và euro, phải chịu nhiều tác động cùng lúc, cần phải làm gì, thưa Ông?

Có những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ châu Âu, thanh toán bằng euro, nhưng sau đó lại bán thành phẩm sang Hoa Kỳ, nhận tiền bằng USD. Như vậy, doanh nghiệp phải mua euro tại ngân hàng để trả cho đối tác ở châu Âu. Tuy nhiên, hợp đồng này phải liên kết với hợp đồng bán hàng sang Hoa Kỳ. Cụ thể, khi doanh nghiệp nhận được một khoản USD từ hợp đồng bán hàng thì khoản tiền này sẽ dùng để chi trả cho việc mua euro trước đó. Đây là kiểu hợp đồng hoán đổi. Có nghĩa là, liên kết nhiều loại đồng tiền với nhau, thực hiện hoán đổi ngoại tệ. Điều này giúp tránh công đoạn phức tạp khi phải thực hiện đổi từ tiền USD sang tiền VND sau đó mới mua euro, rồi bán USD… Doanh nghiệp cũng sẽ phải chịu nhiều biến động từ tỷ giá giữa VND với euro và với USD và độ rủi ro cũng sẽ tăng cao.

Ông dự báo thế nào về biến động của đồng USD trong thời gian tới?

Một trong những yếu tố tác động đến kinh tế toàn cầu cũng như tỷ giá, đó là giá dầu. Giá dầu đang xuống rất thấp và có thể còn lao dốc. Bên cạnh đó, giá vàng có thể tiếp tục giảm. Ngoài ra, các nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản... hiện đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong năm nay, nên các quốc gia này sẽ giảm giá đồng tiền của mình để thúc đẩy xuất khẩu, tác động đến tỷ giá các đồng tiền khác trên thế giới.

Với Hoa Kỳ, có thể Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ điều chỉnh tăng lãi suất vào tháng 10 năm nay, tùy thuộc vào tỷ lệ thất nghiệp. Nếu tỷ lệ thất nghiệp cao thì không đẩy lãi suất lên, do lãi suất tăng thì đầu tư giảm và thất nghiệp tăng. Còn tỷ lệ thất nghiệp giảm thì FED sẽ tăng lãi suất lên, và khi đó, giá USD sẽ tăng lên so với nhiều đồng tiền khác, trong đó có VND. Đây là các yếu tố mà doanh nghiệp trong nước cần tính đến khi thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu.

Xin cám ơn Ông!