Hàng Việt khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường

Theo daibieunhandan.vn

Sau 6 năm triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Việt đã có chỗ đứng khá vững chắc khi có 90% hàng sản xuất tại Việt Nam được bán tại các cơ sở phân phối. Đây là thông tin được Bộ Công thương nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 và phương hướng triển khai trong 6 tháng cuối năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Huy động mọi nguồn lực

Hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đã tích cực vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động đưa hàng vào siêu thị và các vùng nông thôn, miền núi. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giày, dép và túi xách đã vào cuộc với tinh thần sáng tạo và năng động, vừa hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu vừa mở rộng thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp đầu tư mở cửa hàng, siêu thị quy mô lớn bán giày dép sản xuất trong nước.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tham gia đưa sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phù hợp về vùng nông thôn, miền núi và hải đảo. Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho biết, với dung lượng thị trường 90 triệu dân, tiêu thụ khoảng 130 đến 180 triệu đôi giày thì doanh số của thị trường nội địa rất lớn chiếm đến 4 - 5 tỷ USD. Việc người tiêu dùng tập trung tiêu dùng sản phẩm nội địa mang lại giá trị rất lớn đối với doanh nghiệp không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà còn tại thị trường nội địa nữa. Thông qua cuộc vận động, nhiều doanh nghiệp đã được tham gia và xây dựng chương trình đào tạo hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng về kỹ năng bán hàng và xây dựng thương hiệu.

Trong 6 tháng đầu năm, các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của Bộ Công thương tiếp tục được tổ chức rộng khắp trên các lĩnh vực như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới…

Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước, Bộ Công thương đã phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia gồm 223 đề án với tổng kinh phí 100 tỷ đồng, trong đó có 157 đề án xúc tiến thương mại nội địa với tổng kinh phí là trên 34 tỷ đồng. Năm 2015, tiếp tục ưu tiên cho các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa. Đặc biệt, tạo lập kênh phân phối ở nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn.

Khẳng định chỗ đứng trên thị trường

Sau 6 năm triển khai, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tâm lý tin dùng hàng Việt có bước tiến bộ đáng kể, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh: hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp trong nước mà còn của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Hiện nay, tỷ trọng hàng sản xuất tại Việt Nam bán ra tại các cơ sở này đang chiếm khoảng 90%.

Người tiêu dùng Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước. Tại các vùng nông thôn, người dân bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình đào tạo để nâng cao năng lực đội ngũ làm quản lý thương mại và bán hàng. Đặc biệt, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng gian, hàng nhái, hàng giả sẽ được đẩy mạnh để tạo sự cạnh tranh minh bạch và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp…

Mặc dù vậy, hàng Việt vẫn đang đứng trước những thách thức khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Các sản phẩm sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng và được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài. Trong khi đó, hàng hóa sản xuất trong nước còn hạn chế về chủng loại, chất lượng, chưa đủ sức cạnh tranh... Những quy định hiện hành cũng chưa tạo thuận lợi cho việc sử dụng hàng Việt Nam.

Chính vì vậy, theo Bộ Công thương, có 3 nhóm việc cần tập trung thực hiện những tháng cuối năm là: tiếp tục thúc đẩy kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại nội địa; tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa; tổ chức các chương trình Tuần nhận diện hàng Việt Nam, trong đó, tập trung vào các nhóm hàng nông sản, hàng tiêu dùng, sản phẩm cơ khí… để tăng tiêu thụ trong nội địa.

6 tháng đầu năm 2015, Bộ Công thương đã tổ chức thực hiện được 50 đề án, trong đó phần lớn là các đề án phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Mỗi phiên chợ có khoảng từ 15 - 25 doanh nghiệp tham gia với 20 đến 40 gian hàng, doanh số đạt trên 500 triệu đồng.

__________________________

Qua khảo sát năm 2014, có tới 92% người tiêu dùng được hỏi cho biết rất quan tâm tới cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 63% người tiêu dùng ưu tiên cho hàng Việt Nam sản xuất (gấp đôi so với thời kỳ đầu) và 54% người tiêu dùng cho biết, ngoài ủng hộ còn vận động mọi người cùng mua hàng Việt Nam.