Hàng Việt tìm chỗ đứng trong siêu thị ngoại

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Các kênh bán lẻ hiện đại ở nước ta hiện đã chiếm khoảng 20% thị trường bán lẻ và dự kiến năm nay sẽ tăng lên 40%. Mong muốn ngành sản xuất hàng hóa có thêm thị trường để phát triển, nhưng liệu có bao nhiêu sản phẩm hàng hóa của DN Việt Nam đủ sức để cạnh tranh, tìm chỗ đứng so với hàng ngoại ở các kênh bán lẻ hiện đại này, khi phân phối quyết định sản xuất?

Các kênh bán lẻ hiện đại ở nước ta hiện đã chiếm khoảng 20% thị trường bán lẻ và dự kiến năm nay sẽ tăng lên 40%. Nguồn: internet
Các kênh bán lẻ hiện đại ở nước ta hiện đã chiếm khoảng 20% thị trường bán lẻ và dự kiến năm nay sẽ tăng lên 40%. Nguồn: internet
Theo báo cáo về mức độ sôi động của các thị trường bán lẻ khu vực châu á - Thái Bình Dương 2014 do CBRE công bố, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng được đánh giá cao vào bậc nhất khu vực, do sức mua ngày càng được cải thiện. Trong đó, Hà Nội là 1 trong 3 thành phố có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu á - Thái Bình Dương, hai thành phố dẫn đầu thuộc về Bắc Kinh và Thượng Hải của Trung Quốc.
 
Tính đến năm 2015 này, thị trường bán lẻ ở nước ta sẽ mở cửa hoàn toàn để thực hiện một trong những nội dung cam kết gia nhập WTO. Theo đó, hàng loạt các “đại gia” có thể mạnh về vốn, kinh nghiệm và vị thế trong khu vực và trên thế giới sẽ tham gia khá mạnh vào thị trường bán lẻ. Điều đó có nghĩa là nhà bán lẻ nước ngoài đến đâu, hàng hóa ngoại nhập sẽ phủ đến đó. Có thể dễ dàng nhận thấy ở các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài như Lotte, BigC..., phần lớn những mặt hàng như điện gia dụng, mỹ phẩm, túi xách, rượu… thì hàng ngoại vẫn chiếm ưu thế. Hàng Việt chỉ có mặt nhiều ở lĩnh vực thực phẩm thiết yếu và phải chịu mức chiết khấu trên 25%, cao hơn rất nhiều so với các kênh phân phối khác. Vì thế, đa số các DN vừa và nhỏ không chịu nổi mức chiết khấu này. Còn DN lớn, có kênh phân phối riêng thì chỉ đưa hàng vào siêu thị một ít để quảng bá sản phẩm. Cho nên, việc hàng Việt xuất hiện khá khiêm tốn ở các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài cũng là điều dễ hiểu.
 
Thực tế, cũng đã có những DN như Thuận Phương Group (TP. Hồ Chí Minh) - công ty chuyên cung cấp các sản phẩm thêu, dệt đã mở rộng được kinh doanh ở Mỹ thông qua việc bán hàng trực tiếp cho Tập đoàn bán lẻ Walmart của Mỹ trong thời gian qua. Mới đây nhất, tập đoàn bán lẻ Aeon - một “ông lớn” khác trong ngành bán lẻ Nhật Bản dự kiến tới 2020 sẽ mở 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Tận dụng tâm lý tin cậy và thích dùng hàng Nhật của người tiêu dùng Việt, Aeon sử dụng phương án dùng 1/3 hàng Nhật, 1/3 hàng Việt Nam và 1/3 hàng nhập từ các nước khác. Đây chính là cơ hội để hàng Việt bước chân vào hệ thống siêu thị danh tiếng này.
 
Tuy nhiên, để hàng hóa Việt bước chân vào siêu thị lớn có vốn đầu tư nước ngoài, đòi hỏi các sản phẩm phải bảo đảm các thủ tục về giấy chứng nhận, kiểm định nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế... Đặc biệt những yêu cầu cao về chất lượng sẽ là dịp để các nhà sản xuất trong nước hoàn thiện mình, đồng thời đây sẽ là cú hích để các DN Việt tự cấu trúc lại, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt để chiếm lĩnh thị trường mới. Còn với các nhà quản lý có điều kiện để hoàn thiện các chính sách cho thị trường, tiếp cận các kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, phát triển dịch vụ, quảng bá thương hiệu, chăm sóc khách hàng...
 
Cụ thể hơn, hàng hóa Việt cần sản xuất theo nhu cầu và phát huy thế mạnh đặc trưng của từng vùng, miền để đảm bảo tiêu thụ dễ hơn. Muốn làm được điều này, phải có bài toán quy hoạch tổng thể của từng vùng miền, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu nguồn cung cho siêu thị. Ngoài ra, các DN Việt cũng cần tập trung hơn ở sản xuất đầu nguồn và thượng tầng trong chuỗi giá trị, thay vì chỉ ở khâu gia công, đồng thời cần đầu tư công nghiệp hỗ trợ tương xứng hơn. Hiện người tiêu dùng có thể ủng hộ hàng Việt thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng bản chất của vấn đề là phải sản xuất hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh, nguồn cung ổn định thì mới cạnh tranh bền vững với hàng ngoại nhập.