“Hậu” cổ phần hóa: Có nên tiếp tục ưu đãi cho Vietnam Airlines?

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Bản chất của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay là giảm dần vai trò của Nhà nước trong các doanh nghiệp đó, tiến dần đến thoái vốn nhà nước hoàn toàn khỏi các doanh nghiệp mà Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ. Vì thế, việc Vietnam Airlines xin ưu đãi sau cổ phần hóa là không công bằng với các doanh nghiệp khác, làm méo mó thị trường cạnh tranh.

“Hậu” cổ phần hóa: Có nên tiếp tục ưu đãi cho Vietnam Airlines?
Vietnam Airlines xin ưu đãi sau cổ phần hóa là không công bằng với các doanh nghiệp khác. Nguồn: internet

Cổ phần hóa, nhưng vẫn tiếp tục xin ưu đãi

Theo Đề án cổ phần hóa Vietnam Airlines đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ, thì Tập đoàn này sẽ giữ nguyên phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Tại thời điểm 31/3/2013, khi chốt sổ sách kế toán để xác định giá trị doanh nghiệp, Vietnam Airlines có giá trị thực tế theo sổ sách là hơn 57.000 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn nhà nước thực tế tại đây là hơn 10.000 tỷ đồng. Vietnam Airlines sẽ phát hành cổ phần lần đầu với số vốn điều lệ là 14.101 tỷ đồng, Nhà nước sẽ nắm giữ 75% và bán ra ngoài 25%, trong đó 20% dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Tại Đề án, Vietnam Airlines đề xuất 2 kiến nghị:

(1) Giữ lại toàn bộ phần thặng dư vốn phát hành thêm sau cổ phần hóa để bổ sung vốn mua máy bay. Theo quy định hiện hành, phần thặng dư sau khỉ IPO sẽ nộp 75% về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương và 25% để lại doanh nghiệp. Vì thế, nếu Chính phủ đồng ý với đề xuất giữ toàn bộ phần thặng dư, Vietnam Airlines sẽ được giữ lại khoảng 3129 tỷ đồng, trong trường hợp doanh nghiệp này bán thành công 25% cổ phần với mức giá 22.300 đồng/cổ phiếu).

(2) Sau cổ phần hóa, Chính phủ tiếp tục cho Vietnam Airlines được thực hiện một số cơ chế ưu đãi, như: bảo lãnh miễn phí 100% vốn khi mua máy bay và cho phép miễn áp dụng quy định về tài sản thế chấp khi vay tín dụng xuất khẩu và vay vốn hỗn hợp có bảo lãnh để tiếp tục mua máy bay như đã từng được Chính phủ cho phép trong thời điểm 2011-2015.

Thực hiện kế hoạch phát triển đội bay của Vietnam Airlines đến năm 2015, định hướng 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt cách đây 7 năm, Vietnam Airlines đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa. Theo đó, giai đoạn 2014-2018, tổng giá trị đầu tư mà doanh nghiệp cần là gần 70.000 tỷ đồng; trong đó có 63.297 tỷ để mua máy bay.

Dự kiến Vietnam Airlines sẽ tăng dần vốn điều lệ từ 14.101 tỷ đồng (2014) lên 26.320 tỷ đồng (2018). Nguồn vốn để tăng vốn điều lệ phải đến từ việc phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng hoặc cho các cổ đông sau cổ phần hóa, đảm bảo nhà nước nắm 75% vốn và các cổ đông còn lại nắm 25% vốn của doanh nghiệp. Tỷ lệ vốn nhà nước, nếu bán thành công sẽ giảm dần xuống mức 65% trong tương lai.

Sau cổ phần hóa, thì VietnamAirlines vẫn là hãng hàng không quốc gia, Nhà nước nắm tỷ lệ chi phối, nên việc đề xuất giữ phần thặng dư là thực hiện theo kế hoạch phát triển đội bay là có chấp nhận được.

Cũng cần lưu ý rằng, thực tế, đề xuất về việc giữ lại thặng dư vốn sau khi cổ phần hóa không phải là một ngoại lệ do Vietnam Airlines khởi xướng. Với ngành nghề kinh doanh hàng không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhất là đầu tư mua máy bay, doanh nghiệp mà Nhà nước nắm phần vốn chi phối lớn có thể đưa đề xuất này.

Quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 196/2011 cũng cho phép. Theo đó, đối với trường hợp giữ nguyên phần vốn nhà nước, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn thì số tiền thu được từ cổ phần hóa có thể được để lại doanh nghiệp phần giá trị tương ứng với số cổ phần phát hành thêm tính theo mệnh giá, sau khi trừ đi chi phí và hỗ trợ giải quyết chính sách cho người lao động.

Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay là đề xuất cho phép, tổng công ty sau IPO tiếp tục được thực hiện cơ chế Chính phủ bảo lãnh miễn phí vốn vay mua máy bay và miễn áp dụng quy định về tài sản thế chấp đối với các khoản vay xuất khẩu và vay hỗn hợp để đầu tư dự án mua máy bay A350 và B787 theo kế hoạch phát triển đội bay đến năm 2020.

Năm 2013, tại Nghị quyết số 83, Chính phủ đã đồng ý cho Vietnam Airlines hưởng ưu đãi này trong thời hạn từ 2011-2015. Vấn đề là nó sẽ chỉ được thực hiện khi Vietnam Airlines là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Chưa thoát khỏi tư duy dựa dẫm vào Nhà nước

Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, phương án cổ phần hóa của Vietnam Airlines vẫn chưa thoát khỏi tư duy dựa dẫm vào ô bảo trợ của Nhà nước với nhiều đề xuất xin thêm các chính sách ưu đãi.

TS. Cung phân tích, kết quả của cổ phần hóa phải làm thay đổi được bản chất của doanh nghiệp, cụ thể là thay đổi cơ cấu chiến lược, thay đổi quản trị nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn chứ không phải đơn giản là “làm đẹp” doanh nghiệp bằng những ưu tiên, ưu đãi của nhà nước.

Theo đó, một trong những nguyên tắc quản trị hiện đại là phải tách được chủ sở hữu ra khỏi những nguyên tắc, chức năng khác, thay đổi lại vị trí doanh nghiệp nhà nước, tách biệt chức năng kinh doanh và chức năng xã hội, chính trị và hoạt động theo cơ chế thương mại.

“Nếu chấp nhận những kiến nghị này, thì cuối cùng là không công bằng với các doanh nghiệp khác, là không áp đặt đầy đủ nguyên tắc thị trường, làm méo mó thị trường cạnh tranh. Nếu Vietnam Airlines  được chấp nhận các công ty hàng không khác có được Nhà nước bảo lãnh không? Nếu chỉ như thế thì rõ ràng là giúp Vietnam Airlines  khỏi thế cạnh tranh, chưa kể Vietnam Airlines vốn đang giữ thị phần lớn trong ngành”, vị chuyên gia này nói.

Đồng tình với ý kiến của TS. Cung, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Fullbright) thẳng thắn: "Trong phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines, có thể thấy rõ ý định trao đổi hay mặc cả quyền lợi, một bên đạt mục tiêu cổ phần hóa đúng lộ trình, một bên có thêm đặc quyền”.

Ông Tuấn chỉ rõ, tại phương án này, người có lợi chính là các cổ đông phi nhà nước hay nói cách khác người dân đang trợ cấp cho các cổ đông tiềm năng của Vietnam Airline.

Nhà nước cũng là một ông chủ của Vietnam Airline sau cổ phần hóa, chính vì vậy Nhà nước cũng có lợi. Tuy nhiên, Nhà nước khi đó cũng chỉ được chia 75% cái lợi đó mà thôi. Hơn nữa, cái lợi đó của Nhà nước cũng không chắc sẽ quay về ngân sách mà cuối cùng lại rơi tiếp vào Vietnam Airline như chính đề xuất giữ lại tiền thu bán cổ phần hóa của doanh nghiệp này.

“Nếu không dứt khoát, chính sách phân bổ nguồn lực của Chính phủ sẽ rất rủi ro, tạo tâm lý ỷ lại cho các DNNN sắp cổ phần khác. Cuối cùng, chúng ta sẽ rơi vào một mớ bòng bong không có lối thoát trong cổ phần hóa”, ông Tuấn lo ngại.