Những yếu tố tiềm ẩn sự thiếu bền vững

Hệ thống ngân hàng Việt Nam trong những năm qua đã phát triển nhanh và  cung cấp một lượng vốn khá lớn cho các nhu cầu đầu tư và tiêu dùng. Các hoạt động dịch vụ ngân hàng đã ngày càng đa dạng, phong phú và tiện ích hơn. Nhiều cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng đã đi vào cuộc sống, nhiều đổi mới về tổ chức và công nghệ đã được triển khai. Tuy nhiên, những biểu hiện của sự phát triển thiếu bền vững cũng không ít:

Thứ nhất, về vấn đề tiền tệ hóa: Nếu như trước đây nền kinh tế nước ta còn chứa đựng các yếu tố trao đổi hiện vật thể hiện ở vấn đề tiền tệ hoá ở mức thấp (M2/GDP chỉ ở mức 20-25%) thì trong một số năm gần đây, tốc độ tăng tiền tệ hóa của nền kinh tế đã ở mức rất cao. Tốc độ tăng tiền tệ hóa ở nước ta bình quân hàng năm trong 20 năm từ năm 1991 đến năm 2011 ở mức trên 9,5% và nếu tính mức tăng bình quân trong 5 năm từ năm 2001 đến năm 2006 là 7,5%, 5 năm từ năm 2006 đến năm 2010 là 7,2%. Nếu lấy năm gốc là năm 1991 thì hệ số tiền tệ hóa của nước ta năm 2011 tăng 360,8% và năm gốc là năm 2001 thì hệ số tiền tệ hóa năm 2011 tăng 91,2%. Những con số này thể hiện chính sách tiền tệ của chúng ta quá lỏng lẻo. Cùng những năm đó thì chính sách tiền tệ của các nước tương đối hợp lý, không quá lỏng và cũng không chặt chẽ hoàn toàn. Tốc độ tăng hệ số tiền tệ hóa của Trung Quốc bình quân 5 năm 2001 -2006 là 2,8%, Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 4,8%, Hàn Quốc tăng 2,0%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 2,2%, Malaysia tăng 4,2%, Singapore tăng 1,4%. Đặc biệt, ở Thái Lan, tốc độ tăng hệ số tiền tệ hóa bình quân hàng năm từ năm 2001 đến năm 2006 là -3,1% và nếu lấy năm gốc là năm 2001 thì hệ số tiền tệ hoá của Thái Lan năm 2006 so với năm 2001 giảm -9,2%. Điều này cho thấy chính sách tiền tệ của Thái Lan khá chặt chẽ.

Hình 1: HỆ SỐ TIỀN TỆ HOÁ (M2/GDP) CỦA NỀN KINH TẾ NƯỚC TA

Hệ thống ngân hàng hướng đến sự phát triển bền vững - Ảnh 1

Như vậy, có thể nói, hệ thống ngân hàng nước ta đã tạo ra tình trạng tiền tệ hóa quá nóng. Điều này cho thấy nền kinh tế nước ta đã thị trường hóa rất nhanh và hệ thống ngân hàng đang trong tình trạng phát triển thiếu bền vững do tốc độ tự do hoá tài chính của chúng ta tiến nhanh hơn tiềm năng và thực tế phát triển của nền kinh tế.

Thứ hai, về tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán: Tổng phương tiện thanh toán tăng ở mức 20-30% trong các năm 2001-2006, tăng đột biến trong năm 2007 với mức khoảng 43,7% so với năm 2006 và các năm 2008-2011 ở mức 17-30%. Những con số trên nói lên hiện tượng luợng cung tiền tệ tăng quá mức cần thiết của nền kinh tế. Những năm trước đây, tổng phương tiện thanh toán hàng năm tăng ở mức 20-23% như kế hoạch đề ra là phù hợp.

Hình 2: TỐC ĐỘ TĂNG TỔNG PHƯƠNG TIỆN THANH TOÁN, CPI VÀ TỐC ĐỘ TĂNG HỆ SỐ TIỀN TỆ HOÁ

Hệ thống ngân hàng hướng đến sự phát triển bền vững - Ảnh 2

Thứ ba, về huy động vốn:  Nếu tính từ năm 2001 đến nay, tốc độ tăng huy động vốn của nền kinh tế luôn ở mức cao: năm 2001 là 23,5%, năm 2002 là 22,5%, năm 2003 là  24,7%, năm 2004 là 20,9%, năm 2005 là 27,5%, đặc biệt trong năm 2006 tốc độ tăng huy động vốn đã là 34,6% và năm 2007 là 39,6%. Con số này từ năm 2008 đến năm 2011 cũng ở mức cao.

Nếu xét về nỗ lực huy động vốn cho nền kinh tế thì đây là một thành tích đáng kể của hệ thống ngân hàng nhưng tốc độ tăng huy động vốn như trên gây ra áp lực tăng lãi suất tiền gửi,  ảnh hưởng không tốt đến tình hình đầu tư và hiệu quả của nền kinh tế.

Thứ tư, về dư nợ tín dụng: Nhìn lại tốc độ tăng dư nợ tín dụng từ năm 2001 đến năm 2010, có thể thấy việc thực hiện chính sách tín dụng lỏng lẻo trong một thời gian tương đối dài đã tạo ra yếu tố rủi ro cao cho hệ thống ngân hàng và làm cho hệ thống ngân hàng phát triển thiếu tính bền vững. Tăng trưởng tính dụng trung bình từ năm 2001 đến năm 2010 lên tới 29,4%, riêng trong 5 năm từ năm 2006 đến 2010 lên tới 33,5%, cá biệt có năm lên đến 50%.

Dư nợ tín dụng tăng mạnh nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong các năm qua không tương xứng thể hiện hiệu quả sử dụng đồng vốn của nền kinh tế nước ta không cao. Hệ số ICOR của nước đang ở mức 6-8 cho thấy hiệu quả đầu tư của nền kinh tế còn thấp. Dư nợ tín dụng tăng quá cao cộng với khả năng sinh lời cả các doanh nghiệp hạn chế dẫn đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp vì thế mà cũng kém đi, từ đó nguy cơ không thu hồi được nợ của các ngân hàng thương mại tăng cao và đây chính là mối lo đe dọa sự an toàn của các ngân hàng hay là yếu tố làm cho hệ thống ngân hàng phát triển thiếu bền vững trong thực tế.

Mặt khác, hệ thống ngân hàng phát triển thiếu bền vững còn do nhiều yếu tố gây ra. Đó là hệ quả của nhiều vấn đề tích tụ mà một trong những điều đó là vấn đề thành lập quá nhiều ngân hàng thương mại trong khi quy mô của nền kinh tế nước ta còn khá nhỏ bé. Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại được thành lập chứa đựng nhiều yếu kém. Khả năng huy động vốn và thanh toán của nhiều ngân hàng thương mại còn thấp nên mỗi khi nền kinh tế "có vấn đề" là một só ngân hàng nhỏ lại đối mặt với rủi ro thanh toán.

Sự phát triển thiếu bền vững của hệ thống ngân hàng còn thể hiện ở nhiều  khâu như tổ chức, quản lý, điều hành của hệ thống ngân hàng nước ta chưa tốt, năng lực quản trị hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao...

Hình 3: Tốc độ tăng dư nợ tín dụng và hệ số tiền tệ hóa của nền kinh tế

Hệ thống ngân hàng hướng đến sự phát triển bền vững - Ảnh 3

Những giải pháp khắc phục

Có thể nói, yếu tố tiền tệ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, tuy nhiên, yếu tố này đang có một số biểu hiện  gây bất ổn cho nền kinh tế như vấn đề nợ xấu... Để hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh, vững chắc, cần có những đổi mới căn bản, cụ thể là cần có những bước đi mạnh mẽ trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng:

Thứ nhất, cần xuất phát từ chính sách tiền tệ lành mạnh. Tiền tệ hóa quá nhanh so với yêu cầu phát triển nền kinh tế là hậu quả của chính sách tiền tệ lỏng lẻo nhiều năm . Tình trạng lạm phát cao trong những năm qua là hậu quả của một số quan điểm và nhận thức cho rằng để nền kinh tế tăng trưởng cao cần tăng mạnh tiền tệ, trong đó có tăng mạnh tín dụng ngân hàng. Kết quả cuối cùng của tình trạng này là tăng trưởng kinh tế giảm sút và nền kinh tế tiềm ẩn sự mất ổn định và thiếu bền vững. Như vậy, có thể thấy chính sách tiền tệ cần giữ ở mức phù hợp mà cụ thể là tổng phương tiện không để tăng cao (nên ở mức 13-15% hàng năm là phù hợp). Kinh nghiệm của Trung Quốc và một số nước, tổng phương tiện thanh toán tăng trong các năm luôn ở mức 12-15%.

Thứ hai, giữ tốc độ tăng dư nợ tín dụng hàng năm ở mức dưới 20%. Thực tế, nền  kinh tế rất cần vốn và hành động đầu tiên của các cá nhân và tổ chức kinh tế là mong dễ dàng vay được vốn ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy càng dễ dàng vay vốn được ngân hàng thì hiệu quả sử dụng vốn càng không cao. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế vay vốn ngân hàng rất nhiều nhưng lại không có khả năng trả nợ. Hoạt động của hệ thống ngân hàng đang có tình trạng lỏng lẻo, chất lượng tín dụng thấp, nguy cơ không kiểm soát được đồng vốn cho vay lớn. Do vậy, trước mắt cần bảo đảm hoạt động tín dụng phải thật lành mạnh; Kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, đổi mới mạnh mẽ cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho những ngành có hiệu quả và có khả năng trả nợ cao. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tín dụng, cần tiến hành kiểm soát và phân tích những ngân hàng thương mại cổ phần có dư nợ tín dụng tăng cao với các loại hình tín dụng, dự án, lãi suất, thời hạn và sự bảo đảm an toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước cần có những thông tin chính xác về hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần để làm cơ sở cho việc phân tích và điều hành tiền tệ phù hợp. Với diễn biến tiền tệ và tín dụng trên thị trường có phần ngày một phức tạp, đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải tổ chức tốt hơn khâu kiểm tra, giám sát, cung cấp thông tin trung thực và minh bạch

 Thứ ba, điều hành chính sách lãi suất và tỷ giá ổn định và phù hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế. Cần có chính sách mua bán ngoại tệ nhịp nhàng với một kế hoạch và tính khoa học cao; Điều hành chính sách lãi suất theo cơ chế thị trường, tránh hiện tượng độc quyền, đẩy lãi suất lên cao. Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm kiểm soát các ngân hàng thương mại cổ phần có lãi suất huy động và cho vay quá cao để tìm ra thực chất hoạt động tiền tệ của các ngân hàng này có lành mạnh hay ẩn chứa đầu cơ nhằm cảnh báo sớm và có giải pháp kịp thời để đối phó.

Thứ tư, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng mà trước tiên đánh giá một cách đầy đủ thực trạng các ngân hàng thương mại hiện nay, tiếp theo là sáp nhập những ngân hàng yếu kém, khả năng thanh toán không cao, quy mô hoạt động nhỏ lại với nhau. Cương quyết không để tồn tại quá nhiều ngân hàng thương mại như hiện nay; Kiểm soát chặt chẽ tiến trình sát nhập các ngân hàng thương mại bảo đảm không để mất và thất thoát vốn. Vấn đề xử lý nợ đọng, nợ khó đòi là khâu vô cùng quan trọng để các ngân hàng thương mại phát triển bền vững. Không cho phép xử lý nợ qua hình thức bơm tiền của Nhà nước vào các ngân hàng yếu kém mà cần đòi hỏi các ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm với chính mình về việc để mất vốn do nợ xấu quá lớn. Những tổ chức tín dụng, những ngân hàng thương mại yếu kém, không có khả năng thu hồi vốn vay và mất khả thanh toán, không thể trở lại hoạt động bình thường thì nên xóa tên bằng hình thức nhập hoặc ghi danh vào ngân hàng khác để tránh xáo trộn hay biến động trên thị trường tiền tệ. 

Thứ năm, xây dựng hệ thống cảnh báo an toàn của hệ thống ngân hàng sớm. Đặc biệt, vào những thời điểm lãi suất huy động và lãi suất cho vay tăng cao, cần có kiểm soát các ngân hàng thương mại chặt chẽ, trước hết là kiểm soát chặt chẽ lợi nhuận của các ngân hàng thương mại. Trong thời điểm này, cần bắt các ngân hàng thương mại dành một phần lớn số lợi nhuận thu được trước đó ra sử dụng vào vấn đề xử lý nợ xấu. Đồng thời, có chính sách để các ngân hàng thương mại chia sẻ lợi ích và trách nhiệm với các doanh nghiệp vay nợ lớn không trả được nợ.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ cán bộ ngân hàng, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ ngân hàng. Hiện đại hóa công nghệ và tin học của hệ thống ngân hàng.

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang còn có nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao như mong muốn, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản và nguy cơ mất khả năng trả nợ ngân hàng của nhiều doanh nghiệp đang lộ dần, tính thiếu bền vững trong hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng bộc lộ rõ nét. Do vậy, tập trung nâng cao hiệu quả và tính bền vững trong hoạt động của hệ thống ngân hàng là một quyết sách sống còn bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh và ổn định.

Bài đăng Tạp chí Tài chính số 11-2012

Hệ thống ngân hàng hướng đến sự phát triển bền vững

PGS., TS. Lê Quốc Lý

(Tài chính) Trong những năm qua hệ thống ngân hàng nước ta đã có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam còn bộc lộ một số hạn chế và nhìn chung vẫn còn đang trong tình trạng phát triển thiếu bền vững.

Xem thêm

Video nổi bật