Hệ thống ngân hàng Việt Nam sau 6 năm gia nhập WTO: Thực trạng và một số khuyến nghị

Theo ncseif.gov.vn

(Tài chính) Sau 6 năm Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nền kinh tế đã đạt được những thành tựu bước đầu. Môi trường và thể chế hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam có những chuyển biến tích cực với những thành công đáng ghi nhận về khung điều tiết; quản trị nội bộ; tổ chức bộ máy, chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển của các dịch vụ ngân hàng hiện đại.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam sau 6 năm gia nhập WTO: Thực trạng và một số khuyến nghị
Môi trường và thể chế hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam có những thành công đáng ghi nhận. Nguồn: internet
Song đi sâu vào quá trình phát triển này cho thấy những bất cập chưa có tiền lệ nảy sinh, hệ thống ngân hàng Việt Nam dễ bị tổn thương trước các biến động của môi trường bên trong và bên ngoài. Thực trạng hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Hơn 6 năm tham gia vào sân chơi thế giới không chỉ tạo cơ hội cho các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước tiếp cận vốn quốc tế dễ dàng hơn, đưa năng lực tài chính của nhiều ngân hàng tăng lên, mà còn tạo cơ hội và thúc đẩy các NHTM nói riêng và các doanh nghiệp (DN) trong nước nói chung tích cực cạnh tranh thị trường để tồn tại và phát triển, không chỉ ở trong nước mà còn mở rộng hoạt động ra khu vực và thế giới.

Có thể thấy, cơ cấu và giá trị vốn điều lệ của hệ thống NHTM đã tăng lên đáng kể. Hầu hết các ngân hàng đều đạt được mức vốn pháp định là 3.000 tỷ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong đó, một số ngân hàng còn có số vốn điều lệ khá cao như: Vietinbank, Agribank, Vietcombank, BIDV, Techcombank…

Giá trị tổng tài sản của các NHTM cũng tăng mạnh, trong giai đoạn từ năm 2007-2010, quy mô tài sản của các NHTM đã tăng gấp đôi, từ 1.069 nghìn tỷ lên 2.690 nghìn tỷ đồng và đạt khoảng 3.600 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2012…

Việc áp dụng các mô thức quản trị ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế; triển khai hệ thống kiểm tra, kiểm soát và kiểm toán nội bộ; sắp xếp lại mô hình theo khối, tách bạch khối quản lý rủi ro theo ba vòng kiểm soát, coi trọng đầy đủ các loại rủi ro trong ngân hàng, cấu trúc lại các công ty con, cùng với việc đưa ra một số tiêu chí bước đầu phục vụ cảnh báo sớm rủi ro kinh doanh ngân hàng...là những kết quả đáng ghi nhận.

Nó không chỉ là sự đòi hỏi khách quan của mỗi NHTM hướng đến sự phát triển ổn định, mà còn là đòi hỏi của nền kinh tế, của khách hàng. Để quản lý, giám sát hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam thì các văn bản luật, cơ chế, chính sách của các Bộ/Ngành trong thời gian qua hầu như đã phủ kín các hoạt động chính của ngân hàng, tạo điều kiện cho các NHTM hoạt động.

Chính điều này đã góp phần to lớn vào việc duy trì sự phát triển của nền kinh tế, của doanh nghiệp (DN), cải thiện đời sống của dân cư, góp phần đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nước có thu nhập thấp vào năm 2009.Tuy nhiên, rất dễ nhận ra, những điểm yếu của hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng bộc lộ rõ hơn khi tham gia vào sân chơi WTO. Sự chuẩn bị chưa kỹ càng khi bước vào hội nhập, với tâm thế của người đi sau muốn vượt lên trước nên không ít NHTM rơi vào trạng thái suy giảm sau thời gian “hưng phấn” ban đầu.

Hiện Việt Nam đang có quá nhiều ngân hàng nhưng chưa có một ngân hàng thực sự mạnh tầm cỡ quốc tế. Các ngân hàng đã đua nhau mở rộng quy mô mạng lưới để huy động nhiều vốn (phát triển theo chiều rộng). Việc này dẫn đến tình trạng các tổ chức tín dụng cạnh tranh quyết liệt với nhau trong hoạt động tín dụng mà quên mất các sản phẩm và dịch vụ tiện ích kèm theo.

Không những thế, các ngân hàng mở rộng quy mô nhưng do thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cho nên công tác quản trị lại không theo kịp quy mô phát triển. Khủng hoảng kinh tế kéo dài suốt từ năm 2008 đến nay cũng đem đến rất nhiều khó khăn cho ngành ngân hàng. Một số ngân hàng đã không thể duy trì được mức tăng trưởng trong năm vừa qua.

Đây chính là cơ sở để nhiều chuyên gia về sáp nhập (M&A) đưa ra nhận định rằng xu hướng sáp nhập trong ngành ngân hàng đang đến gần. Hiện tại, những khó khăn nội tại của hệ thống ngân hàng Việt Nam là một thách thức lớn đối với cả nền kinh tế. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là yêu cầu cấp thiết, nhưng cũng là một lộ trình đầy gian nan.

Một số khuyến nghị về cơ chế chính sách

Một là, nâng cao năng lực thể chế, rà soát các cơ chế chính sách theo hướng thị trường, tạo môi trường cho hệ thống ngân hàng và DN hoạt động. Cụ thể: Khung pháp lý về thành lập ngân hàng theo hướng tốt nhất; sửa đổi, bổ sung Luật phá sản cho phù hợp với lộ trình hội nhập; cho phép ngân hàng được phép tịch biên tài sản nếu DN cố tình chây ì trả nợ; nhanh chóng áp dụng các chuẩn mực về phân loại nợ  và trích dự phòng rủi ro theo thông lệ quốc tế; rà soát vốn thực có của các NHTM để giám sát tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu…

Những văn bản này phải được điều chỉnh phù hợp với lộ trình cam kết quốc tế về lĩnh vực ngân hàng và phải tương đối ổn định để các NHTM chủ động và tiên liệu được những rủi ro nảy sinh khi thay đổi chính sách.

Mặt khác, thông qua chức năng vai trò của nhà nước trong việc điều tiết khắc phục những khuyết tật của thị trường theo hướng tạo môi trường lành mạnh cho các ngân hàng hoạt động theo luật, không bao cấp cho NHTM, nhưng cũng không nên tạo ra những rủi ro cho ngân hàng bằng cơ chế chính sách hay các mệnh lệnh hành chính; sử dụng cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm cho các ngân hàng tham gia thị trường tuân thủ “luật chơi” đã qui định. Đây là cơ sở quan trọng nhất đảm bảo cho nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập hiệu quả.

Hai là, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đối với các NHTM cổ phần yếu kém, cần thực hiện sáp nhập, hợp nhất, mua lại...NHNN cần đưa ra những tiêu chí và lộ trình cụ thể cần đạt được sau tái cấu trúc (về vốn, trình độ quản trị, công nghệ thông tin, mức độ an toàn vốn, tính minh bạch).

Đối với các NHTM cổ phần Nhà nước, cần tiếp tục giảm tỷ trọng phần vốn Nhà nước ở mức hợp lý, bằng việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tại mỗi ngân hàng lên 30% – 40% – 49% tùy theo qui mô của từng ngân hàng. Giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động ngân hàng, buộc các ngân hàng phải minh bạch trong kinh doanh, chịu trách nhiệm về sự tồn tại và phát triển của chính ngân hàng.

Hiện nay, để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng trước hết và cần thiết phải giải quyết triệt để nợ xấu. Xử lý nợ xấu phải trở thành một chương trình hành động Quốc gia, phải có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của NHNN, sự tham gia của chính các NHTM. Vừa qua NHTM cơ cấu lại khoản nợ xấu cũng là một biện pháp để giảm nợ xấu trước mắt. Nhưng nếu nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, DN được cơ cấu lại nợ, được tiếp tục vay mới... sau đó lại không trả được nợ ngân hàng, thì nợ xấu ở những giai đoạn tiếp theo sẽ tăng cao.

Vì thế, việc thành lập Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) cũng là một trong những giải pháp cần thiết, nhưng phải nhanh chóng triển khai một cách hiệu quả. Một vấn khác, đó là quan hệ sở hữu vốn đan xen lẫn nhau,  giữa TCTD với các tổng công ty, tập đoàn kinh tế (sở hữu chéo). Chính điều này không dễ đưa ra được con số chính xác về nợ xấu của hệ thống. Do đó, phải chỉ ra tận gốc của sở hữu chéo, khoản sở hữu nào là hợp lý sở hữu nào là không hợp lý, nếu để dễ gây bất ổn hệ thống và có biện pháp phù hợp mới có khả năng khơi thông tín dụng cho nền kinh tế.

Ba là, xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu đảm bảo thông tin cung cấp là tin cậy. Trong hoạt động ngân hàng, không phải mọi thông tin đều có thể công bố công khai. Nhưng càng minh bạch thông tin, đảm bảo tính cập nhật, độ chuẩn xác, sẽ càng củng cố được niềm tin của dân cư. Chỉ khi có được hệ thống thông tin minh bạch sẽ giảm bớt được tin đồn và khi năng lực bên trong của từng ngân hàng được cải tổ theo hướng chất lượng, uy tín thực sự, thì lòng tin giữa các DN, giữa ngân hàng và DN sẽ tốt lên.
 
Như vậy, sau 6 năm tham gia vào “sân chơi toàn cầu” với “luật chơi” khắt khe hơn và nhiều đối thủ mạnh hơn, bên cạnh những cơ hội, thì hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng phải đối mặt với bất ổn kinh tế trong, ngoài nước tác động. Vì vậy đổi mới mạnh mẽ hệ thống ngân hàng phải được coi là yêu cầu cấp bách hướng tới sự phát triển bền vững.