Hệ thống thuế Việt Nam với nhiều loại thuế phù hợp với thông lệ quốc tế

PV.

Trên đây là một trong những nội dung được cho là ưu điểm của hệ thống thuế Việt Nam trong kết quả nghiên cứu Báo cáo Công bằng thuế Việt Nam 2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện.

Hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu Báo cáo Công bằng thuế Việt Nam 2017
Hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu Báo cáo Công bằng thuế Việt Nam 2017

Báo cáo Công bằng thuế Việt Nam 2017 do VEPR thực hiện (đánh giá hệ thống thuế Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây) dựa trên cơ sở áp dụng khung nghiên cứu và bộ công cụ Giám sát Công bằng Thuế do Tổ chức Oxfam toàn cầu xây dựng và chuẩn hoá.

Báo cáo của Chỉ số Công bằng thuế nhằm mục tiêu mang lại cái nhìn một cách đầy đủ về hệ thống thu ngân sách Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà phát triển và hoạt động xã hội. Báo cáo tập trung chủ yếu vào đánh giá tính công bằng của hệ thống thuế.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng có một phần nhất định đánh giá về chi ngân sách và các vấn đề hành chính thuế, sự tham gia của người dân trong việc lập và thực thi các chính sách thuế. Từ các phân tích, nhóm nghiên cứu Công bằng thuế Việt Nam 2017 đã nhận định, chỉ rõ nhiều ưu, nhược điểm của hệ thống thuế Việt Nam.

Về ưu điểm, hệ thống thuế của Việt Nam được thành lập với nhiều loại thuế khác nhau phù hợp với thông lệ quốc tế. Lộ trình ban hành thuế nói chung phù hợp với tốc độ và mức độ phát triển kinh tế.

Thêm vào đó, các chính sách thuế cũng có tính đến các vấn đề phân phối lại, ưu đãi và miễn giảm thu nhập thấp, hoặc cho các doanh nghiệp mới thành lập và các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao, có tác động môi trường tốt hoặc được thực hiện từ xa khu vực miền núi, hoặc các đảo. Hệ thống thuế của Việt Nam đã loại bỏ sự phân biệt thuế giữa các thành phần kinh tế khác nhau cũng như các đối tượng khác nhau trong nước và nước ngoài.

Về quản lý hành chính thuế, Việt Nam đã ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ thông tin trong thu thuế. Cơ sở dữ liệu điện tử, hệ thống khai báo điện tử và hồ sơ thuế điện tử... đã được phát triển, cải tiến và đưa vào sử dụng góp phần nâng cao hiệu quả và giảm thủ tục hành chính cũng như thời gian và chi phí cho cả người nộp thuế và người thu thuế. Nguyên tắc thu thuế là cá nhân và tổ chức tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, các tổ chức thu thuế đã nhất quán từ trung ương đến địa phương (bao gồm các lĩnh vực và các thành phần kinh tế).

Về nhược điểm, hệ thống thuế của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, chủ yếu nằm trong việc trốn tránh thuế và nợ thuế. Lý do khách quan cho điều này là do các giao dịch trong nền kinh tế chủ yếu dùng tiền mặt, ít dùng hóa đơn và hợp đồng. Thêm vào đó, một số chính sách miễn giảm thuế và hoàn thuế dễ dàng bị lợi dụng để trốn thuế và tránh thuế.

Mặt khác, việc phòng, chống chuyển giá vẫn chưa hiệu quả; Chưa có thống kê chính thức về con số thất thu do miễn giảm thuế gây ra; Chưa có những đánh giá bài bản về lợi ích và chi phí của việc ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn đa quốc gia…

Việt Nam đang tiến hành cải cách thuế theo hướng loại bỏ các chính sách xã hội ra khỏi hệ thống thuế nhưng theo khuyến nghị của Báo cáo Công bằng thuế Việt Nam 2017 do VEPR thực hiện thì chi tiêu thuế cho người nghèo vẫn cần phải được cải thiện nhiều hơn nữa, nhất là trong y tế.