Hiệp định Thương mại Tự do: Cơ hội và thách thức

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Theo thống kê của Ban Thư ký WTO, hiện có 214 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đăng ký với WTO đang còn hiệu lực. Trong đó, 173 FTA có hiệu lực sau năm 1995, thời điểm WTO ra đời. Xu hướng đàm phán các thỏa thuận khu vực tiếp tục gia tăng sau năm 2002.

Hiệp định Thương mại Tự do: Cơ hội và thách thức
Theo thống kê của Ban Thư ký WTO, hiện có 214 FTA đăng ký với WTO đang còn hiệu lực. Nguồn: internet
Lợi ích của “thương vụ FTA”

Xét về tổng thể, FTA đem lại cho các thành viên những cơ hội phát triển tiềm tàng. Các rào cản được dỡ bỏ tạo thuận lợi cho luân chuyển hàng hóa, dịch vụ và vốn. Nhờ vậy các chỉ số kinh tế cơ bản của quốc gia như: Kim ngạch xuất khẩu, đầu tư, năng xuất lao động, thu nhập quốc dân... đều tăng. Thách thức đối với một số khu vực kinh tế và nhóm dân cư liên quan phá sản, thất nghiệp trong những ngành năng lực cạnh tranh hạn chế. Tuy nhiên, lợi ích tổng thể đối với nền kinh tế được cho là chiếm ưu thế.

Đơn cử trường hợp Mexico. Sau 10 năm tham gia Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), các chỉ số kinh tế cơ bản của Mexico đều được cải thiện. Dưới tác động của NAFTA, kim ngạch xuất khẩu của Mexico tăng gấp 4 lần, GDP trung bình tăng 3,3%/năm so với mức 2,9% những năm trước, nguồn tiền do lao động tại Hoa Kỳ chuyển về mỗi năm 14 tỷ USD trở thành nguồn ngoại tệ quan trọng của Mexico.

Tuy nhiên, giống như mọi mối quan hệ vật chất khác, lợi ích của “thương vụ FTA” không chia đều. Các nền kinh tế lớn hơn, các khu vực có lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng cao hơn cũng như các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh hơn sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ các FTA. Với việc thiết lập NAFTA, Hoa Kỳ đã đạt được những lợi ích to lớn về cả kinh tế, chính trị.

Cùng với việc chuyển các ngành sản xuất dùng nhân công rẻ, ảnh hưởng môi trường sang vùng biên giới của Mexico, các doanh nghiệp Hoa Kỳ còn tiếp cận và chiếm lĩnh các ngành dịch vụ quan trọng, đem lại nhiều lợi nhuận như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm... Sự thâm nhập mạnh mẽ của các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào các lĩnh vực trọng yếu đã góp phần quan trọng cải thiện năng lực của nền kinh tế nhưng đồng thời cũng khiến kinh tế Mexico lệ thuộc hơn vào Hoa Kỳ.

Từ kinh nghiệm quốc tế có thể rút ra một số nhận định:

Thứ nhất, năng lực thực thi của quốc gia thành viên là yếu tố quyết định những gì sẽ thu được từ FTA. Việc phát triển nguồn lực, củng cố năng lực cạnh tranh quốc gia phải được coi là điều kiện “cần”. FTA là điều kiện “đủ” để các yếu tố nội lực được phát huy. Các nhà kinh tế đều khuyến cáo: Không nên quá kỳ vọng vào các hiệu ứng từ FTA mà coi nhẹ cải cách trong nước bao gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đào tạo nguồn lực, phát triển khoa học công nghệ. Trong chiến lược phát triển của quốc gia, FTA chỉ nên nhìn nhận là giải pháp hỗ trợ cho các cải cách trong nước.

Thứ hai, phải có chiến lược rõ ràng trong đàm phán FTA. Trong đó, xác định rõ các định hướng và lộ trình phù hợp với năng lực của nền kinh tế. Nhiều nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc cảnh báo: Các nước đang phát triển cần tránh tham gia vào các FTA theo phong trào, do tâm lý không muốn bị “đứng ngoài”. Bởi điều này dễ dẫn đến việc ký kết các thỏa thuận không thực sự phù hợp với năng lực và nhu cầu phát triển của quốc gia.

Một câu hỏi thường được đặt ra là: FTA với cơ cấu như thế nào sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn cho các nước đang phát triển, giữa các nước phát triển và đang phát triển (Bắc- Nam) hay giữa các nước đang phát triển với nhau (Nam- Nam)?

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, FTA Bắc- Nam có cơ hội đem lại nhiều lợi ích hơn cho các nước thành viên so với FTA Nam- Nam. Do cơ cấu kinh tế bổ trợ cho nhau nên các nước thành viên FTA Bắc- Nam sẽ phát huy tốt hơn lợi thế so sánh. Đồng thời các nước đang phát triển có cơ hội tiếp nhận chuyển giao công nghệ qua đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, quan điểm khác cho rằng các nước phát triển vốn đã có hàng rào thuế quan thấp, nên khi tham gia FTA với các nước này, các nước đang phát triển sẽ ít được hưởng lợi từ cắt giảm thuế trong khi lại phải mở cửa mạnh thị trường của mình.

Thực tế, trong bối cảnh ranh giới phát triển giữa các nước đang thu hẹp, khái niệm Bắc, Nam chỉ mang ý nghĩa tương đối. Điều cơ bản để một quốc gia phải làm trước khi tham gia một FTA là phải chuẩn bị kỹ về nguồn lực và có những cân nhắc cẩn trọng về lợi ích trước khi tiến hành đàm phán cũng như đặt bút ký kết.