Hiệp định TPP: Cơ hội ẩn trong thách thức

TS. VÕ TRÍ THÀNH - Phó Viện trưởng CIEM

(Tài chính) Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không chỉ là một hiệp định thương mại tự do khu vực siêu lớn, bao trùm gần 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, mà còn được xem là khuôn mẫu liên kết kinh tế của thế kỷ XXI.

 Hiệp định TPP: Cơ hội ẩn trong thách thức
TPP được xem là khuôn mẫu liên kết kinh tế của thế kỷ XXI. Nguồn: internet
Đàm phán TPP có thể được hoàn tất vào cuối năm 2013 hoặc 2014. Đối với Việt Nam, còn rất nhiều câu hỏi về hiệp định này: Có thể kỳ vọng gì về tác động của TPP đối với nền kinh tế? Những thách thức nào Việt Nam phải đối mặt? Những giải pháp nào để tận dụng tốt nhất cơ hội TPP đem lại cũng như giảm thiểu phí tổn có thể phát sinh?...

Với cam kết là một liên kết khu vực mở, phạm vi điều chỉnh của TPP có 4 đặc trưng cơ bản.

Một là, TPP là một hiệp định loại bỏ các rào cản thông thường trong một thời gian xác định tại tất cả các thành viên.

Hai là, TPP phải xử lý những vấn đề chính sách mới, liên quan đến thương mại điện tử, phân khúc của quá trình sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng hiện đại.

Ba là, TPP tìm cách duy trì sự liên kết giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển, điều mà Vòng đàm phán Doha thất bại. TPP né tránh các biện pháp đối xử đặc biệt nhưng tạo điều kiện để các nền kinh tế thu nhập thấp tham gia. Bốn là, TPP đề cập nhiều vấn đề sau đường biên giới, đảm bảo chính sách, quy chế minh bạch và có khả năng dự báo.

TPP kỳ vọng có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, xuất khẩu và GDP có thể tăng thêm 68 tỷ USD và 36 tỷ USD hay 28,4% và 10,5% vào năm 2025, so với kịch bản không tham gia TPP hồi năm 2007. Có 3 lý do chính đằng sau tác động tích cực này.

Thứ nhất, TPP gồm nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam, như Mỹ, Nhật Bản, Úc..., những thị trường mà các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Nhiều mặt hàng có khả năng mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu do thuế suất giảm sâu.

Ví dụ, ngành dệt may vào Mỹ chiếm khoảng 1/2 tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, hiện thuế suất trung bình 17,3%, cao nhất 32% thì xuất khẩu có thể tăng mạnh khi thuế giảm xuống 0%.

Thứ hai, dòng vốn FDI từ nhiều nước thành viên TPP tăng với sự phát triển về công nghệ, kỹ năng quản lý. Sự gia tăng vai trò của nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể góp phần đối với sự phát triển các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn.

Thứ ba, quan trọng nhất xét về dài hạn, việc thực thi cam kết cùng cải cách sẽ tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch và cạnh tranh, qua đó không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư mà còn tạo nền tảng phân bổ các nguồn đầu tư hiệu quả, dù đó là vốn trong nước hay nước ngoài.

Tuy nhiên, lập luận trên mới chỉ ra tiềm năng, cơ hội TPP có thể mang lại. Bài học sau 7 năm gia nhập WTO của Việt Nam cho thấy, cơ hội có khi là thách thức nếu thiếu chính sách thích hợp, thiếu những cải cách bên trong cần thiết.

Tận dụng cơ hội cũng tùy thuộc vào việc Việt Nam có vượt qua được những thách thức lớn trong thực thi cam kết. Tác động tổng thể của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam có thể rất tích cực, nhưng không có nghĩa đúng với mọi ngành, mọi doanh nghiệp.

Việt Nam phải mở cửa mạnh hơn nên cạnh tranh cũng gay gắt hơn. Những ngành vốn được bảo hộ, những doanh nghiệp kém cạnh tranh sẽ phải giảm sản xuất, thậm chí thu nhỏ hoặc phá sản. Đối với doanh nghiệp, ngành hàng, lợi ích cũng không tự đến. Ngay với những ngành hàng được xem là có lợi thế khi gia nhập TPP cũng có thể vấp phải không ít rào cản.

Ví dụ, hàng dệt may phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ, một tỷ lệ đầu vào kể từ sợi, phải nhập từ các nước thành viên TPP để được hưởng thuế suất 0%. Với thủy sản, thuế suất không còn là rào cản chính nhưng các biện pháp kiểm dịch SPS có thể lại ngặt nghèo hơn. Các vấn đề xã hội có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện TPP, Việt Nam cần quan tâm, giải quyết.

Cải cách của Việt Nam hiện nay không còn là tự thân như đầu những năm 1990 mà tương tác mạnh hơn nhiều với tiến trình hội nhập. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế chuyển đổi, trình độ phát triển thấp, trong khi khoảng cách giữa đòi hỏi của TPP và năng lực thực tế của Việt Nam không hề nhỏ.

Vì vậy, Việt Nam cần nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế, pháp lý, chế tài thực thi, để có thể đáp ứng cam kết TPP, mà trước mắt là khôi phục, tạo dựng lòng tin đối với thị trường, đối với các nhà đầu tư.

Các ngành hàng, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị chu đáo, phải nắm được những cam kết cụ thể liên quan đến ngành hàng, sản phẩm của mình. doanh nghiệp phải chuyển dần cách thức cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh phi giá, đồng thời phải học cách kết nối.

Thiếu kết nối, doanh nghiệp sẽ không thể "chạy" cùng sự dịch chuyển nhanh của các nhân tố quyết định khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, thời điểm này, rất cần thông tin, đối thoại đầy đủ hơn từ các bộ, ngành và Chính phủ về TPP.