Hiệp định TPP và những tác động đến xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 6/2016

Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra giữa 12 quốc gia thành viên, đang đặt thế giới trước một sân chơi kinh tế mới với những thay đổi và điều khoản mang tính chiến lược nhằm nâng cao khả năng hợp tác kinh tế, tháo dỡ những rào cản thuế quan trước đây từng cản trở quá trình giao thương giữa các quốc gia này. Các chuyên gia kinh tế đưa ra nhiều dự báo về những tác động của TPP đến xu hướng kinh tế toàn cầu, một trong những xu hướng được coi là quan trọng nhất mà TPP này có thể ảnh hưởng chính là sự chuyển dịch luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI giữa các nước thành viên, cũng như giữa khối TPP và phần còn lại của thế giới. Bài viết này dự báo tác động của TPP lên xu hướng FDI của các quốc gia thành viên và đặc biệt là tác động đến FDI của Việt Nam.

Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra giữa 12 quốc gia thành viên,
Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra giữa 12 quốc gia thành viên,

Các nội dung của TPP dự báo tác động đến FDI

TPP là một Hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 13/11/2010, Việt Nam tuyên bố tham gia TPP. Đến nay, TPP có sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam. Nội dung các điều khoản của Hiệp định được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong việc thu hút FDI của nhóm 12 quốc gia thành viên. Những tác động này thể hiện trong các chương cụ thể sau:

Chương Đầu tư của Hiệp định TPP đưa ra các cam kết liên quan đến việc cho phép các nhà đầu tư không bị hạn chế trong việc chuyển vốn, tài sản vào và ra một quốc gia; ngoại trừ những trường hợp làm ảnh hưởng đến cân đối kinh tế vĩ mô hoặc liên quan đến tội phạm, trốn thuế. Ngoài ra, còn có quy định “đối xử công bằng”. Theo đó “Mỗi quốc gia phải dành cho nhà đầu tư nước ngoài sự đối xử công bằng như: đối với nhà đầu tư trong nước trong việc thành lập, mua lại, mở rộng, điều hành, triển khai, vận hành, kinh doanh hoặc các hình thức chuyển nhượng dự án đầu tư khác trong lãnh thổ nước mình”. Điều này tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo không thu hồi hoặc quốc hữu hóa bất kỳ dự án đầu tư nào dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, trừ một vài trường hợp đặc biệt.

Chương Dệt may dự báo cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn FDI. Cụ thể, các bên tham gia TPP đồng ý xóa bỏ thuế quan đối với mặt hàng này. Chương này cũng bao gồm các quy tắc xuất xứ cụ thể yêu cầu việc sử dụng sợi và vải từ khu vực TPP – thúc đẩy việc thiết lập các chuỗi cung ứng và đầu tư trong lĩnh vực này, từ đó thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Với chương Thương mại điện tử, các thành viên TPP cam kết đảm bảo rằng, các công ty và người tiêu dùng có thể tiếp cận và chuyển dữ liệu, với các mục tiêu hợp pháp (chẳng hạn như bảo đảm quyền cá nhân) nhằm đảm bảo tự do lưu chuyển thông tin và dữ liệu toàn cầu, dẫn dắt nền kinh tế Internet và kỹ thuật số phát triển. 12 thành viên TPP cũng đồng ý, không yêu cầu các công ty TPP thiết lập các trung tâm lưu trữ dữ liệu như là một điều kiện để được hoạt động tại một thị trường TPP và nghiêm cấm việc áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm kỹ thuật số và ngăn chặn thành viên TPP tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp dịch vụ trong nước đối với các sản phẩm kỹ thuật số.

Hiệp định TPP và những tác động đến xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài - Ảnh 1
Xu hướng FDI giữa các quốc gia thành viên TPP và phần còn lại của thế giới

- Mỹ, Canada và Australia: Trong 12 quốc gia thành viên thuộc hiệp định TPP, có đến 4 quốc gia là Mỹ, Canada, Australia và Singapore nằm trong top 10 quốc gia sở hữu lượng vốn FDI cao nhất thế giới (theo UNCTAD, báo cáo xu hướng FDI, 2015). Mặc dù vậy, Mỹ, Canada và Australia (thuộc nhóm các quốc gia đã phát triển), đang chứng kiến một sự sụt giảm nguồn FDI đi vào liên tục trong những năm gần đây. Theo ước tính của UNCTAD, nguồn FDI chảy vào các quốc gia đã phát triển giảm 14%, tương đương 511 tỷ USD, so với năm 2013. Với tình trạng suy giảm lượng FDI đi vào như hiện nay, dự báo cho dù TPP chính thức có hiệu lực thì Mỹ và Canada vẫn sẽ không thể trở thành một mảnh đất đầu tư hứa hẹn.

- Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á: Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á lại đang được các chuyên gia đánh giá khá cao trong việc thu hút nguồn FDI dồi dào từ khắp nơi trên thế giới. Cụ thể là trong khối các nước đã phát triển, nguồn FDI của Nhật Bản tăng lên đến 10 tỷ USD, vào năm 2014. Đáng lưu ý là các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Singapore có sự gia tăng mạnh mẽ trong FDI. Có thể thấy, nguồn vốn FDI trên thế giới đang dần chuyển hướng sang khu vực châu Á, tập trung chủ yếu ở Đông Nam Á. Nhờ nguồn nhân công rẻ và dồi dào, các mảng đầu tư về công nghệ chưa được khai thác hết mức, cộng với khối ngành dịch vụ non trẻ chưa được phát triển đến mức tối đa, Đông Nam Á dường như đang trở thành trung tâm kinh tế mới, là một “mỏ vàng” đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư, các công ty đa quốc gia muốn mở rộng thị trường và là một xưởng gia công tập trung lớn trên thế giới. Với một viễn cảnh tươi sáng như vậy, sẽ không khó để dự đoán rằng hiệp định TPP sẽ trở thành cơ sở cho các quốc gia thành viên thuộc khu vực này càng thu hút nguồn FDI nhiều hơn nữa từ khắp nơi trên thế giới. Sự chuyển dịch FDI vào các quốc gia như Singapore, Việt Nam và Brunei được dự báo sẽ trở nên dồi dào và đa dạng hơn, một khi TPP được thông qua.

Những quốc gia như Việt Nam, Malaysia, Mexico… với nguồn nhân công giá rẻ sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư từ các quốc gia trong khối. Cụ thể, Mexico, với mức lương lao động 7 USD/giờ, rẻ hơn 5 lần so với Mỹ và Canada (vào khoảng 36 USD/giờ), chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư FDI. Việt Nam, với mức giá lao động rẻ khoảng 1 USD/giờ, thấp hơn hẳn so với quốc gia trong khu vực và Trung Quốc, thậm chí sẽ thu hút ngược dòng vốn FDI tháo chạy từ Trung Quốc – quốc gia được xem là công xưởng sản xuất của thế giới suốt một thập kỷ qua. Hơn nữa, khi Hiệp định TPP được ký kết, các rào cản về thương mại được phá vỡ, ưu đãi về thuế quan được mở ra sẽ tác động mạnh mẽ lên dòng vốn đổ vào các quốc gia có lợi thế về chi phí sản xuất trong khối.

Chile, Peru là các quốc gia có thế mạnh trong ngành khai khoáng. Trước tác động của TPP trong tương lai, nguồn vốn đầu tư FDI được dự đoán sẽ đổ vào lĩnh vực này để nâng cao công nghệ sản xuất cũng như đầu tư mở rộng nhằm tăng năng suất và ổn định nguồn cung. Trong bối cảnh mà nhiều quốc gia thành viên TPP đang ngày càng lệ thuộc thương mại một cách đáng báo động vào Trung Quốc (nước này chiếm 25% sản lượng khoáng sản xuất khẩu của Chile và 36% tổng sản lượng xuất khẩu của Australia) thì TPP sẽ là giải pháp cho bài toán hội nhập, xoay trục thương mại, đa dạng hoá đối tác để gia tăng tính độc lập của nền kinh tế đối với các quốc gia này.

Với Việt Nam, khi chính thức ký kết hiệp định TPP, đây sẽ là một bước ngoặc quan trọng nhằm giúp Việt Nam tái cấu trúc lại các mô hình kinh tế mới, phù hợp, tiến bộ và chuẩn hoá hơn khi muốn mở rộng thương mại sâu sắc với các quốc gia thành viên, và cả ngoài khu vực TPP. Ngoài ra, việc cam kết tuân thủ các quy định xoay quanh vấn đề sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động, môi trường kinh doanh… sẽ góp phần tạo nên một Việt Nam công bằng hơn, thu hút hơn nguồn FDI từ khắp các quốc gia khác trên thế giới. Bên cạnh ngành Dệt may, xuất khẩu quần áo, thì ngành Công nghiệp gia công giày dép và chế biến thuỷ hải sản sẽ là hai ngành mũi nhọn, được hưởng lợi trực tiếp từ hiệp định TPP. Những sản phẩm đến từ hai ngành này hiện vẫn đang được xuất siêu sang thị trường Mỹ và Canada, là hai nước thành viên của TPP. Với việc giảm thiểu và thậm chí có thể là loại bỏ thuế nhập khẩu ở các quốc gia này nhờ vào hiệp định TPP, giá trị xuất khẩu còn đạt được những thành tựu đáng kể hơn nữa trong tương lai.

Hiệp định TPP và những tác động đến xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài - Ảnh 2
Hiệp định TPP chắc chắn sẽ ảnh hưởng tích cực đến kinh tế và xã hội của Việt Nam, GDP Việt Nam được tính toán sẽ đạt mức 23,5 tỷ USD vào năm 2020, tăng đến 33,5 tỷ USD vào năm 2025 và xuất khẩu vào năm 2025 sẽ là khoảng 68 tỷ USD. Sự hội nhập sâu rộng này của Việt Nam chắc chắn sẽ thu hút được lượng vốn đầu tư FDI lớn, dự kiến sẽ tăng khoảng 13 tỷ USD tập trung vào các ngành công nghệ cao, chế tạo, dệt may… Trước đây, các nước như Nhật Bản, Mỹ, Singapore và Malaysia là các nước trong khối TPP có khối lượng vốn đầu tư thuộc top 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Vì vậy, trong xu hướng hội nhập sắp tới, việc các quốc gia này gia tăng lượng vốn FDI vào Việt Nam là tất yếu. Hơn nữa, Việt Nam cũng kỳ vọng chào đón các dự án đầu tư đến từ các đối tác mới như Mexico, Peru, Chile. Theo dự báo, Mỹ và Nhật Bản sẽ gia tăng mạnh vốn đầu tư, tuy nhiên Mỹ là quốc gia được kỳ vọng hơn cả.

Mặc dù là nước có nền kinh tế lớn nhất trong khối nhưng lượng vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam còn khá khiêm tốn và hiện chỉ đứng thứ 8. Do đó, khi các cam kết TPP được thực thi, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, Mỹ được nhận định sẽ đem đến làn sóng đầu tư lớn chưa từng có vào Việt Nam, mở đầu bởi xu hướng chuyển dịch nhà máy cũng như mở rộng năng suất sản xuất ở Việt Nam của các doanh nghiệp Mỹ như Microsoft, Intel, Jabil… Các tập đoàn này có thể tận dụng lợi thế về nhân công giá rẻ để sản xuất ở Việt Nam, sau đó luân chuyển hàng hoá đi tiêu thụ trong nội bộ các nước thành viên mà không vấp phải rào cản thuế quan (hầu hết thuế suất giảm về gần 0%).

Nhật Bản được nhận định là quốc gia có dòng vốn đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam những năm gần đây. Các lĩnh vực được chú trọng chủ yếu là công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp… Tuy nhiên, tác động của TPP đến FDI từ Nhật sang Việt Nam là không lớn bởi vì cả hai quốc gia đã ký kết hiệp định đối tác kinh tế song phương từ năm 2009 và hầu hết các doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản đều đã có mặt tại Việt Nam. Mặc dù vậy, doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất sang Việt Nam, khi mà hàng rào thương mại, thuế quan được gỡ bỏ thông qua các hiệp định FTA hay TPP.

Đón nhận những làn sóng đầu tư sắp tới, Việt Nam phải cải thiện những quy định thủ tục pháp lý, tạo ra tính minh bạch, ổn định, bình đẳng cao cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện rõ trong những quy định về đầu tư trong chương 9, cũng như các quy định chặt chẽ về pháp lý, ISDS, TRIPS… trong nội dung của TPP. Có thể thấy, Việt Nam chủ động đưa ra các thay đổi trong thể chế, quy định, bãi bỏ các quy định chồng chéo trong thủ tục đầu tư FDI, bãi bỏ các chính sách bảo hộ doanh nghiệp trong nước… Điều này đã góp phần nâng cao môi trường đầu tư trong nước và kêu gọi khoản đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, cùng với những lợi ích về thuế quan, hàng rào kỹ thuật,… khi TPP được kí kết, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến đầu tư cho các quốc gia trong và ngoài khối.

TPP không phải là Hiệp định thương mại tự do duy nhất mà Việt Nam từng tham gia. Tính đến nay, Việt Nam đã kí trên 10 FTA với ASEAN, ASEAN+, Nhật Bản, Hàn Quốc… Kết quả của các FTA này không mấy ấn tượng vì khối các doanh nghiệp nội địa chưa đạt đến chất lượng có thể cạnh tranh được trong các thị trường này, ngược lại nó giúp các doanh nghiệp FDI lớn gia tăng vị thế và quyền lực của mình. Tới đây, khi TPP được hiện thực hóa thì những lợi ích mà nó đem lại có thể lớn hơn lợi ích từ các FTA khác nhưng bên cạnh đó cũng là những thách thức và ảo tưởng mà Việt Nam cần phải vượt qua.

Tài liệu tham khảo:

1. World Investment Report 2015 – Reforming International Investment Governance;

2. World Investment Report, issued by United Nations UNCTAD;

3. An interview with Duane Morris LLP, issued by Lexology, 8/10/2015;

5. Trans Pacific Partnership pact to drive major gains for Vietnam in FDI, realty investment & exports, issued by DealstreetAsia, 20/10/2015;

6. Investment set to soar with advent of TPP deal, issued by Vietnamnet Bridge, 15/10/2015;

7. Thuận lợi và thách thức đối với Việt Nam khi tham gia TPP, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, 8/10/2015.