Hiệu quả chuyển giao công nghệ trong công nghiệp an ninh

ThS. Trần Tuấn Minh- Bộ Công an

Nâng cao hiệu quả chuyển giao công nghệ là cần thiết, nhất là trong lĩnh vực khá mới như công nghiệp an ninh ở Việt Nam hiện nay. Thực tế hoạt động chuyển giao công nghệ quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp an ninh thông qua đầu mối của Tổng cục Hậu cần kỹ thuật (Bộ Công an) thời gian qua cho thấy, vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả hoạt động này nhằm phục vụ yêu cầu của hoạt động của ngành công nghiệp an ninh. Bài viết phân tích các yếu tố xác định hiệu quả chuyển giao công nghệ, từ đó xác định hiệu quả chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp an ninh tại Tổng cục Hậu cần – kỹ thuật.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khung nghiên cứu

Công nghiệp an ninh là một lĩnh vực khá mới ở Việt Nam hiện nay. Do yêu cầu về nghiệp vụ nên các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an thường thực hiện chuyển giao công nghệ (CGCN) từ nước ngoài thông qua Tổng cục Hậu cần kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực hoạt động chuyên ngành.

Có nhiều quan điểm khác nhau về hiệu quả của CGCN. Đứng dưới góc độ nghiên cứu, tác giả cho rằng, hiệu quả CGCN, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp an ninh, được thể hiện ở khả năng đáp ứng được các mục tiêu xác định của bên nhận chuyển giao về kinh tế, chính trị và xã hội.

Từ việc xây dựng định nghĩa về hiệu quả CGCN, nhiều nghiên cứu đã đưa ra các tiêu chí xác định CGCN. Trong đó, các tiêu chí được xác định bao gồm: Chi phí CGCN (Teece (1976), Pursell (2000), Rouach (2003)); Khả năng hấp thụ, tiếp nhận và kiểm soát công nghệ chuyển giao của bên tiếp nhận (Staikarn (1981), Mansfield (1982), Rouach (2003); Thời gian chuyển giao công nghệ (Davenport & Prusak (1998)). Bên cạnh đó, tác giả cho rằng, bản thân chất lượng của công nghệ cũng là một tiêu chí để xác định hiệu quả CGCN.

Hiệu quả chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp an ninh tại Tổng cục Hậu cần kỹ thuật

 Chi phí chuyển giao công nghệ

Phần lớn các thương vụ đều kèm theo chuyển giao thương hiệu và chuyển giao bí quyết hay các giải pháp cộng (như bí quyết thiết kế, chế tạo, sản xuất, thử nghiệm đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế…), thường ở mức khá đắt và số lượng hợp đồng thực hiện cũng không nhiều, thể hiện ở tỷ trọng hợp đồng CGCN/tổng số hợp đồng chuyển giao thường thấp.

Hiệu quả chuyển giao công nghệ trong công nghiệp an ninh - Ảnh 1

Với các phương thức chuyển giao thương hiệu, tỷ trọng hợp đồng thực hiện cho thấy là khá ít, thường phân bổ ở các mức chi phí cao (khoảng trên 7 triệu USD). Hình thức chuyển giao sản phẩm phân bổ ở nhiều mức chi phí, song số lượng hợp đồng chuyển giao sản phẩm chỉ tập trung nhiều nhất ở mức chi phí là dưới 3 triệu USD.

Chất lượng công nghệ và thiết bị chuyển giao

Tỷ lệ giá trị sử dụng còn lại trung bình của các thiết bị chuyển giao qua các kênh ODA là 82%, nhập khẩu là 100%.

Về mặt hình thức, mẫu mã, sản phẩm được sản xuất ra từ công nghệ chuyển giao thường có hình dáng bắt mắt, đẹp và đa dạng hơn so với các sản phẩm tự làm trong nước, nhiều sản phẩm công nghệ trong nước chưa sản xuất được. Hơn 70% sản phẩm công nghệ trong ngành Công an nhân dân (CAND) là có nguồn gốc nhập khẩu (Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, 2014). Các sản phẩm nhập khẩu bao gồm nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, các tài liệu kỹ thuật và bí quyết, đến các dịch vụ về đào tạo, chuyên gia. Các sản phẩm này nhìn chung là đáp ứng được tính đồng bộ với hệ thống thiết bị hiện có của ngành CAND.

Về mức độ hiện đại của công nghệ chuyển giao, so với các sản phẩm công nghệ hiện có của ngành CAND thì các sản phẩm công nghệ chuyển giao có mức độ hiện đại hơn, thường ở thế hệ công nghệ thứ II hoặc thứ III, so với mức hiện tại của công nghệ trong ngành (thường chỉ ở mức IV hoặc V do hầu hết các trang thiết bị lạc hậu duy trì từ các công nghệ chuyển giao của Liên Xô và Trung Quốc (những năm 1990) hoặc từ Đức, Nhật (những năm 2000 đến 2008).

Hiệu quả chuyển giao công nghệ trong công nghiệp an ninh - Ảnh 2

Tuy nhiên, nếu so với các tiêu chuẩn quốc tế trong từng loại phương tiện, thiết bị nghiệp vụ trong ngành Công an, an ninh thì hầu hết các loại sản phẩm công nghệ chuyển giao trong các hợp đồng CGCN của ngành Công an nói chung hiện nay là khá lạc hậu từ 10 đến 20 năm. Điều này cũng dễ hiểu, khi các đơn vị nhập công nghệ của Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được với các công ty sở hữu công nghệ nguồn, chủ yếu mua qua các công ty trung gian thương mại. Năng lực đánh giá, thẩm định công nghệ cũng chưa cao, dẫn tới chưa thể đánh giá đúng chất lượng của công nghệ khi nhập.

Khả năng vận hành và đổi mới công nghệ chuyển giao

Trong hầu hết các thương vụ CGCN trong ngành Công an, bên phía Việt Nam thường có thể vận hành được ngay các công nghệ nhập khẩu, ngoại trừ trong một số ít hợp đồng bên nước ngoài chỉ chuyển giao tài liệu kỹ thuật thì bên Việt Nam phải thực hiện nghiên cứu và sản xuất. Mức năng suất bình quân của từng loại hình sản phẩm, thiết bị có sự khác nhau, song ở mức tăng so với năng suất theo dây chuyền công nghệ hiện tại của Ngành. Ví dụ: mức tăng năng suất bình quân ngành may trong Tổng cục IV đã tăng lên 1,5 lần so với trước khi được đầu tư, đổi mới công nghệ, dây chuyền may tự động (Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, 2014).

Về khả năng đổi mới công nghệ tại Tổng cục IV: Hầu hết các hợp đồng CGCN đều thực hiện theo hình thức nhập khẩu trực tiếp, hoặc theo phương thức chuyển giao sản phẩm, nên bị hạn chế về năng lực đổi mới công nghệ dựa trên các công nghệ chuyển giao. Các sản phẩm ứng dụng từ việc đổi mới, cải tiến các công nghệ chuyển giao đã được các đơn vị sử dụng trong và ngoài ngành đánh giá cao. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu ở trong nước, các công nghệ của Ngành cũng đã được chuyển giao sang Lào và Campuchia, mặc dù với số lượng không nhiều.

Năng lực nghiên cứu của các đơn vị trong Tổng cục

Năng lực nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ chưa cân đối giữa các lĩnh vực, mới chỉ tập trung vào 4 nhóm, lĩnh vực chính là: Tin học (19,5% đề tài nghiên cứu), Y tế (15,3%), Điện tử viễn thông (14,2%), Hóa sinh (11,8%). Các lĩnh vực ít nghiên cứu như Xử lý môi trường (0,6%), Phòng cháy chữa cháy (4,1%), Cơ khí chế tạo (4,7%).

Các lĩnh vực kỹ thuật mũi nhọn như: Giải mã công nghệ, nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới, nghiên cứu chế tạo các thiết bị nghiệp vụ đặc chủng còn rất hạn chế. Nguyên nhân chính là do nhiệm vụ nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ hầu như mới chỉ tập trung nghiên cứu tại một số đơn vị kỹ thuật nghiệp vụ trong các Tổng cục trực thuộc Bộ (Tổng cục IV chiếm tỷ lệ 59,2%), các Học viện, nhà trường chiếm tỷ lệ 11,6%, Tổng cục Cảnh sát chiếm tỷ lệ 10,8%.

Thời gian thực hiện chuyển giao công nghệ

Thời gian kể từ khi thực hiện các luận chứng kinh tế kỹ thuật để xin được chấp thuận về chủ trương nhận CGCN đến khi thực hiện xong hợp đồng chuyển giao cũng mất khá nhiều thời gian. Điều này là do các công đoạn trong quy trình thực hiện hợp đồng phức tạp, mất thời gian để đánh giá, chạy thử và nghiệm thu công nghệ và sản phẩm công nghệ.

Hơn nữa, mỗi hợp đồng CGCN thường bao gồm nhiều phần, với các giai đoạn chuyển giao, triển khai, ứng dụng khác nhau nên cũng làm kéo dài thời gian thực hiện các hợp đồng CGCN.

Đánh giá hoạt động chuyển giao công nghệ

Nhìn lại hoạt động chuyển giao công nghệ tại Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật thời gian qua có thể nhận thấy, nhờ sự nỗ lực của các đơn vị trong Tổng cục, hoạt động tiếp nhận công nghệ hiện đại từ nước ngoài đã có những kết quả nhất định như:

(i) Tiếp cận ngày càng đa dạng các nguồn công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực an ninh, bao gồm cả các công ty sở hữu công nghệ nguồn;

(ii) Tăng dần mức độ hiện đại trong công nghệ chuyển giao;

(iii) Tăng năng lực nghiên cứu của các đơn vị trong Tổng nhờ ứng dụng, đổi mới các công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài;

(iv) Tăng năng lực sản xuất các phương tiện nghiệp vụ phục vụ các công tác, chiến đấu của các đơn vị trong và ngoài Ngành;

(v) Nâng cao chất lượng các sản phẩm kỹ thuật nghiệp vụ, đảm bảo hiệu quả hoạt động của Ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu, hoạt động CGCN tại Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (Bộ Công an) còn gặp nhiều vướng mắc như:

(i) Phụ thuộc vào bên chuyển giao (về phụ tùng thay thế, về giải pháp kỹ thuật, bản quyền…);

(ii) Chi phí chuyển giao công nghệ còn cao, do hầu hết vẫn chưa tiếp cận được với đầu nguồn cung ứng công nghệ;

(iii) Thời gian chuyển giao kéo dài, dẫn tới chậm triển khai áp dụng vào sản xuất đại trà và đưa ra thị trường còn chậm;

(iv) Mức độ hiện đại của công nghệ của công nghệ chưa cao và chưa tương xứng với chi phí bỏ ra để nhập công nghệ, gây khó khăn cho việc đảm bảo an ninh, đặc biệt là trong việc đối phó với tội phạm công nghệ cao;

(v) Bị hạn chế trong việc tiếp cận các bí quyết kỹ thuật, làm hạn chế khả năng đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ tại các đơn vị trong Tổng cục.

Kết luận và kiến nghị

Chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp an ninh là cần thiết đối với Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển giao nhiều vấn đề đã nảy sinh khiến cho hiệu quả việc chuyển giao công nghệ trong các dự án được thực hiện thông qua Tổng cục Hậu cần kỹ thuật (Bộ Công an) còn thấp.

Các vấn đề như chi phí bỏ ra nhập khẩu chưa tương xứng với chất lượng công nghệ chuyển giao, thời gian nhập công nghệ còn kéo dài, khả năng kiểm soát công nghệ sau nhập khẩu của bên Việt Nam còn hạn chế… Để giải quyết những vấn đề này, Bộ Công an, các đơn vị trong Tổng cục Hậu cần kỹ thuật nên quan tâm đến những vấn đề như:

(i) Đa dạng hóa nguồn vốn nhằm tạo vốn cho các hoạt động CGCN, tăng ứng dụng công nghệ chuyển giao vào sản xuất theo hướng tạo ra các sản phẩm lưỡng dụng;

(ii) Tăng cường phát triển đội ngũ nhân lực vừa có năng lực giám định công nghệ, vừa có khả năng nghiên cứu và phát triển công nghệ, biến các công nghệ chuyển giao thành sản phẩm riêng của Việt Nam;

(iii) Hoàn thiện các cơ chế chính sách, nhất là các văn bản liên quan đến công nghiệp an ninh, để từ đó xây dựng các chiến lược về phát triển công nghiệp an ninh, trong đó bao gồm chính sách CGCN liên quan đến lĩnh vực công nghiệp an ninh;

(iv) Cập nhật liên tục các giải pháp công nghệ mới trên thế giới để tránh tình trạng nhập những công nghệ lạc hậu trên thế giới về Việt Nam;

(v) Tăng cường thực hiện giải pháp cổ phần hóa các doanh nghiệp an ninh;

(vi) Hình thành thị trường công nghiệp an ninh, trong đó cho phép các doanh nghiệp tư nhân được tự tìm kiếm các nguồn CGCN trong các nhóm sản phẩm mà nhà nước không cấm, nhằm phục vụ nhu cầu an ninh tư nhân;

(vii) Tăng cường phát triển hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa nguồn lực khoa học kỹ thuật và công nghệ trong và ngoài nước.       

Tài liệu tham khảo

1. Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Yêm, 2015, Khoa học Công an Việt Nam, tập 8, Lý luận Hậu cần – kỹ thuật Công an nhân dân;

2. Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, 2015, Tài liệu hội nghị Tổng kết công tác Hậu cần, kỹ thuật công an nhân dân năm 2014;

3. Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, 2016, Tài liệu Hội nghị Doanh nghiệp Bộ Công an năm 2015.

4. http://cand.com.vn/dai-hoi-dang-lan-thu-Xii/dau-tu-khoa-hoc-cong-nghe-coi-trong-phat-trien-cong-nghiep-an-ninh-381226/. Đầu tư khoa học công nghệ, coi trọng phát triển công nghiệp an ninh;

5. https://baomoi.com/van-de-an-ninh-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0/c/22902404.epi Vấn đề an ninh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0