Hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước qua góc nhìn kiểm toán

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 10 kỳ 2-2015

Kể từ khi Luật Kiểm toán nhà nước được ban hành năm 2005, hoạt động kiểm toán nhà nước ngày càng được mở rộng và thường xuyên hơn; chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước, nhất là ở các địa phương.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đánh giá việc sử dụng ngân sách nhà nước của các địa phương dưới góc nhìn kiểm toán nhà nước, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ cho hội đồng nhân dân các tỉnh trong thực hiện chức năng giám sát và quyết định ngân sách địa phương.

Quản lý, sử dụng ngân sách địa phương qua “lăng kính” của kiểm toán nhà nước

Về lý thuyết, có nhiều cách tiếp cận để có thể xem xét hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) dưới các góc độ khác nhau, chẳng hạn:

i) Tiếp cận dưới góc độ phân bổ nguồn lực giới hạn nhằm đạt kết quả tối ưu (ngân sách giới hạn – lý thuyết kinh tế học hiệu quả);

ii) Tiếp cận dựa trên lý thuyết chính sách công, bàn nhiều đến vai trò của phân cấp ngân sách giữa các cấp chính quyền địa phương để tăng tính chủ động, hiệu quả, sự minh bạch và trách nhiệm giải trình;

iii) Tiếp cận dưới góc độ quy trình NSNN thì quy trình quản lý NSNN theo đầu ra (phân bổ nguồn lực theo mục tiêu, thứ tự ưu tiên dựa trên kết quả đầu ra thay vì theo nhiệm vụ chi và đầu vào) dựa trên khuôn khổ trung hạn sẽ phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN.

Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN hàng năm có thể khó thực hiện được một cách đầy đủ nhất, bởi do kết quả của công tác quản lý, sử dụng NSNN có khi chỉ đạt được trong thời hạn nhiều năm và bị tác động bởi nhiều yếu tố phức tạp.

Kể từ khi có Luật NSNN năm 2002 có hiệu lực, nhiều chủ trương, giải pháp được triển khai nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN. Nổi bật nhất là chủ trương đẩy mạnh việc phân cấp quản lý, điều hành NSNN cho các cấp chính quyền địa phương. Nghị quyết 03/2008/NQ-CP ngày 11/1/2008 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động trong đó khẳng định cải cách hành chính công theo hướng tăng cường phân cấp quản lý NSNN. Cùng với đó, một số giải pháp đã được tổ chức thực hiện như thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 đối với các cơ quan Nhà nước và nhiều Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng vốn NSNN chi cho đầu tư xây dựng cơ bản.

Qua kết quả kiểm toán NSNN của các địa phương cho thấy, hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN tại các địa phương đã được nâng lên rõ rệt. Cụ thể:

Thứ nhất, sự tuân thủ dự toán NSNN, định mức, chế độ chi ngân sách và quy định pháp luật về NSNN ngày được nâng cao. Các địa phương đã quả lý NSNN theo dự toán, chú trọng đến việc chấn chỉnh các sai phạm, thiếu sót do các cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra phát hiện. Các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN được các địa phương triển khai nghiêm túc, chỉ đạo thực hiện kịp thời. Từ đó đã từng bước nâng cao hiệu quả cho NSNN.

Thứ hai, việc phân cấp quản lý nói chung, phân cấp NSNN nói riêng đang ngày càng hoàn thiện và phần nào đã phát huy hiệu quả. Mỗi địa phương đã chủ động hơn về nguồn thu cũng như điều hành chi, phát huy được tính sáng tạo trong khai thác nguồn thu và tính kịp thời về nguồn lực tài chính trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, các địa phương đã chuyển đổi dần phương thức quản lý NSNN từ việc tập trung quản lý đầu tư vào, sang quản lý kết quả đầu tư ra, thay đổi quy trình lập, quản lý NSNN theo khuôn khổ chi tiêu trung hạn tương ứng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, nâng cao tính chủ động, công khai, minh bạch trong việc điều hành; HĐND có cơ sở để theo dõi, giám sát, tổng kết đánh giá. Từ đó, đã giúp các địa phương nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN.

Thứ tư, trong quản lý thu NSNN, các cơ quan Nhà nước đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về kiểm tra, thanh tra; đã xử lý truy thu thuế đối với nhiều đơn vị, tổ chức kinh tế với số tiền lớn, từng bước ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, kê khai nghĩa vụ với NSNN không đầy đủ.

Thứ năm, trong chi đầu tư phát triển, đã quản lý chặt chẽ hơn chi phí đầu tư đã giảm bớt tình trạng đầu tư dàn trải và phê duyệt dự án đầu tư khi chưa xác định, cân đối được nguồn vốn; nợ đọng trong xây dựng cơ bản từng bước được chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ hơn…

Thứ sáu, trong chi thường xuyên, các địa phương đã đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với sự nghiệp công lập; giao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ. Qua đó đã giúp các đơn vị chủ động trong việc sử dụng kinh phí NSNN được giao một cách hiệu quả; tăng cường công tác quản lý trong nội bộ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực, thúc đẩy phát triển hoạt động sự nghiệp, khai thác nguồn thu, góp phần đảm bảo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương…

Tóm lại, công tác quản lý, sử dụng NSNN thời gian qua đã có những thay đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, qua kiểm toán ngân sách địa phương những năm gần đây cho thấy, công tác quản lý, sử dụng NSNN vẫn còn một số hạn chế làm tăng chi NSNN, chưa phát huy được hiệu quả nguồn vốn NSNN. Điển hình như: Công tác lập, phân bổ dự toán chi ngân sách của một số ngành, đơn vị còn chưa sát, dẫn đến thực hiện không đạt dự toán hoặc phải cắt giảm vào cuối năm; hoặc như tình trạng bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản dàn trải chưa được chấn chỉnh, chưa ưu tiên bố trí vốn để trả nợ theo quy định, bố trí vốn cho nhiều dự án vượt thời hạn quy định, phân bổ vốn không đúng đối tượng và thứ tự ưu tiên…

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước của địa phương

Thực tiễn trên đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải có những giải pháp đồng bộ và kịp thời, có như vậy mới có thể nâng cao được hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN của địa phương trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Trước mắt, cần ưu tiên khắc phục một số tồn tại cụ thể sau:

Công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước thời gian qua đã có những thay đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, qua kiểm toán ngân sách địa phương những năm gần đây cho thấy, công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước vẫn còn một số hạn chế làm tăng chi ngân sách nhà nước, chưa phát huy được hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Một là, cần đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý thu, nộp thuế theo hướng công khai, minh bạch, giảm thời gian và các thủ tục nộp thuế. Tăng cường hơn công tác phân tích rủi ro, theo dõi, kiểm tra, thanh tra để chống thất thu; tổ chức rà soát, thu nộp các khoản thu chậm huy động vào ngân sách.

Hai là, đổi mới và hoàn thiện cơ cấu chi NSNN, quy trình lập NSNN theo hướng ưu tiên nhu cầu tư dưới lên trên cơ sở ban hành các định mức, tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp và kịp thời nhằm đảm bảo công bằng, hợp lý giữa các đơn vị trong phân bổ, quản lý NSNN; cần có quy định cụ thể hơn trong việc phân cấp nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền địa phương (cấp huyện, xã) gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền và phân cấp nguồn thu cho cấp chính quyền đó. Đặc biệt, nguồn lực tài chính được phân cấp cần phải có tính dự đoán được, ổn định và rõ ràng.

Ba là, thường xuyên sửa đổi, hoàn thiện hệ thống định mức, chế độ sử dụng ngân sách cho phù hợp với tình hình thực tế trên cơ sở khoa học, khách quan. Đặc biệt, các địa phương tự cân đối được NSNN cần được giao quyết định các định mức chi ngân sách, chính quyền trung ương chỉ nên kiểm soát chặt chẽ định mức, tiêu chuẩn phân bổ NSNN đối với các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu, nguồn vốn vay do trung ương bảo lãnh. Từng bước xây dựng định mức, tiêu chuẩn phân bổ ngân sách dựa trên kết quản thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách tương ứng nhiệm vụ được giao cho chính quyền từng cấp…

Tài liệu tham khảo:

1. Kiểm toán Nhà nước, Hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước của địa phương dưới góc nhìn của Kiểm toán Nhà nước, Năm 2015;

2. Kiểm toán Nhà Nước, Kỷ yếu Hội thảo Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, Năm 2015.