Hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu

Theo VnEconomy

Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu
Mục tiêu tổng thể của đề án tái cơ cấu nền kinh tế là thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình
Sau hơn 3 năm khởi động,

Theo đó, mục tiêu tổng thể của đề án là thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp để đến 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đề án cũng nêu rõ các mục tiêu cụ thể, nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập hệ thống đòn bẩy khuyến khích hợp lý, ổn định và dài hạn, nhất là ưu đãi về thuế và các biện pháp khuyến khích đầu tư khác, thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo cơ chế thị trường vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh.

Đồng thời, hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp để trở thành các ngành kinh tế chủ lực.

Duy trì môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi

Ở định hướng tái cơ cấu một số lĩnh vực chủ yếu, đề án nhấn mạnh việc duy trì môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, ổn định, trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả, chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, triệt để tiết kiệm. Trong thu chi ngân sách nhà nước tăng tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu không khuyến khích, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước.

Thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, đề án nêu rõ.

Mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân

Nhắc lại nhiều nội dung về ba trọng tâm tái cơ cấu đã được đưa ra bàn thảo là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính ngân hàng, đề án đồng thời cũng chốt lại một số con số cụ thể.

Như bảo đảm tổng đầu tư xã hội khoảng 30 - 35% GDP trong đầu tư công, duy trì tỷ trọng đầu tư nhà nước hợp lý, khoảng 35 - 40% tổng đầu tư xã hội.

Mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng phát triển và các vùng kinh tế động lực.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đề án cho biết sẽ đổi mới, phát triển và tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại theo thông lệ tốt của kinh tế thị trường với khối doanh nghiệp này.

Thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ cương hành chính nhà nước và kỷ luật thị trường, đổi mới hệ thống đòn bẩy khuyến khích bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân; khuyến khích hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Tập trung xử lý sở hữu chéo

Ở nội dung tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng, trọng tâm là các tổ chức tín dụng, theo đề án, trong giai đoạn 2013 - 2015, sẽ tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính của các tổ chức tín dụng, trước hết tập trung xử lý nợ xấu của cả hệ thống các tổ chức tín dụng và từng tổ chức tín dụng, tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh chính, bảo đảm khả năng thanh toán, chi trả và phát triển ổn định, bền vững, tập trung xử lý tình trạng sở hữu chéo và tăng tính minh bạch trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tiếp đó là cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sử hữu, quy mô và loại hình,...

Đề án cũng “cam kết” không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động tín dụng, ngân hàng; đảm bảo chi trả đầy đủ và kịp thời cho người gửi tiền; giảm thiểu tổn thất, chi phí xử lý những vấn đề rủi ro phát sinh của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Với định hướng nâng cao vai trò, vị trí chi phối dẫn dắt thị trường của các tổ chức tín dụng Việt Nam, đề án nêu mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 hình thành được ít nhất từ một đến hai ngân hàng thương mại nhà nước hoặc ngân hàng thương mại cổ phần chi phối đạt trình độ khu vực về quy mô, quản trị, công nghệ và năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, đề án cũng nêu rõ việc rà soát, đánh giá, phân loại để có phương án xử lý thích hợp đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng khác, tập trung trước hết vào các tổ chức tín dụng yếu kém hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật; giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng và triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt tại các tổ chức tín dụng.

Tại quyết định, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai ngay trong nửa đầu năm 2013 Chương trình hành động tái cơ cấu theo lĩnh vực, ngành hoặc vùng lãnh thổ thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được giao.