Hóa giải bất cập làm khó doanh nghiệp

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2005 đã tạo lập khung pháp lý thuận lợi cho các DN gia nhập thị trường và phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, sau 8 năm thi hành Luật, thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết.

 Hóa giải bất cập làm khó doanh nghiệp
Sửa đổi Luật DN tạo sự ổn định về thủ tục gia nhập thị trường cho nhà đầu tư. Nguồn: internet

Có thể nói những bất cập cần sửa đổi, bổ sung trong Luật DN sẽ được trình Quốc hội trong năm 2014 có cả vấn đề do quy định của Luật chưa phù hợp, có vấn đề do các văn bản hướng dẫn và các quy định pháp luật khác chưa thống nhất với Luật DN, có vấn đề do tổ chức thực thi Luật DN chưa đúng với tinh thần của Luật DN và chưa thực sự tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.

Quy định chưa phù hợp 

Điển hình là quy định Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) tại Điều 20 của Luật DN. Để ban hành quy định này đã diễn ra cuộc tranh luận rất lớn tại diễn đàn Quốc hội năm 2005, vì nhiều ý kiến khi đó cho rằng nên giảm bớt thủ tục gia nhập thị trường cho DN, chỉ nên có chung một Giấy.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện không đồng nhất quy trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư và GCNĐKKD theo Luật DN đã vướng mắc cho cả cơ quan quản lý và nhà đầu tư (NĐT). Hiện nay, thủ tục theo Luật Đầu tư dài hơn, khó khăn hơn theo Luật DN.

Trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi Luật DN, có ý kiến cho rằng nên thống nhất cấp GCNĐKKD trước để "khai sinh" ra DN, còn việc NĐT có dự án cần được cấp phép thực hiện hay không cần theo quy trình riêng. Phương án này tạo được khung pháp lý thống nhất cho việc thành lập DN, không phân biệt NĐT nước ngoài hay trong nước, phù hợp với tinh thần "luật chung" của Luật DN.

Tuy nhiên, phương án này lại tạo ra rủi ro cho NĐT nước ngoài là thành lập DN nhưng không biết có được cấp phép triển khai dự án hay không. Đối với các DN FDI đang hoạt động thì có phải tách thành Giấy chứng nhận đầu tư thành hai Giấy hay không. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động đầy đủ vấn đề này để có quyết định sửa luật hợp lý, tạo sự ổn định về thủ tục gia nhập thị trường cho NĐT, cạnh tranh về thu hút FDI vào Việt Nam với các nước trong khu vực như Indonesia, Myanmar, Philippines…

Một vấn đề nữa cũng đáng chú ý là quy định về ngành nghề đăng ký kinh doanh đến mã ngành cấp IV là không cần thiết và gây khó cho DN, dẫn đến hiện tượng DN đăng ký quá nhiều ngành nghề nhưng không đúng thực tế kinh doanh, gây sai lệch về thông tin thống kê cho cơ quan quản lý.

"Lệch" với các quy định khác

Nghị quyết 71 năm 2006 của Quốc hội về việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO cho phép tỷ lệ đa số phiếu cần thiết để thông qua quyết định của hội đồng thafnhv iên, Đại hội cổ đông là 51%, trong khi Điều 52 và Điều 104 khoản 3 Luật DN quy định tỷ lệ này là 65% và 75%.

Thứ hai là mối quan hệ chồng lấn giữa Luật DN và các luật chuyên ngành. Hiện nay có hiện tượng các luật chuyên ngành "gặm nhấm" Luật DN vì ban hành hoặc sửa đổi sau Luật DN. Ví dụ: Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Công chứng, Luật Luật sư quy định các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (Bộ Tài chính, Sở Tư pháp) cấp phép thành lập và hoạt động, không thông qua cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thứ ba là nhiều quy định trong các Nghị định không phù hợp với Luật DN, như: Luật DN chỉ quy định về đăng ký kinh doanh, nhưng Nghị định 43/2010 lại hợp nhất thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.

Nghị định 101/2010 quy định NĐT không được chuyển nhượng cổ phần tối thiểu 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Quy định này trái với Luật DN, mà theo đó, các cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ cổ phần ưu đãi biểu quyết và cổ phần của cổ đông sáng lập. Việc Nghị định 101 quy định số tiền mua chứng khoán phải chuyển vào tài khoản phong tỏa cho đến khi hoàn tất đợt chào bán là bất hợp lý, không có lợi cho công ty và trái với quy định tại khoản 3 Điều 87 của Luật DN…

Tạo thuận lợi cho DN

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đăng ký DN (hồ sơ, trình tự, thủ tục, đặt tên, mã hóa ngành, nghề…). Ví dụ như nên bỏ các quy định về vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, vì Nghị quyết 70 của Chính phủ cũng đã thống nhất bỏ các quy định này. Đây là các quy định mang tính "tiền kiểm", nhưng gây khó cho DN, vì trong khi chưa có GCNĐKKD thì rất khó thực hiện được các điều kiện kinh doanh, như: có đủ người có chứng chỉ hành nghề…

Bên cạnh đó, cần tạo thuận lợi cho DN trong mua bán, sáp nhập DN, như: mở rộng đối tượng theo hướng không nhất thiết phải cùng loại hình DN, công ty TNHH được sáp nhập với công ty cổ phần, công ty mẹ hợp nhất với công ty con, giữa các công ty con trong cùng công ty mẹ; sau khi sáp nhập không phải cộng gộp mà phần vốn được xác định theo giá trị DN; bổ sung trách nhiệm minh bạch hóa thông tin mua bán, sáp nhập để bảo vệ chủ nợ và cổ đông thiểu số…

Để giải quyết ách tắc trong vấn đề giải thể DN, nhằm "dọn dẹp" môi trường kinh doanh khi các DN không còn hoạt động được nữa, cần quy định rõ nhiều vấn đề, như: tách bạch giữa quy trình giải thể và quy trình tố tụng trong quá trình giải thể DN và dừng hoạt động của DN; đơn giản hóa thủ tục cho phù hợp với thực tiễn; tăng khả năng bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân có liên quan; tăng chế tài để xử lý DN dừng hoạt động nhưng không đăng ký…